Liệu đàm phán thương mại Mỹ - Trung có đem lại đột phá?
Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại giữa quan ngại gia tăng về tác động do xung đột thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Trước vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung vào tuần này, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông cáo cho thấy các cuộc thương lượng được nối lại về vấn đề tranh chấp thương mại đang kéo dài giữa hai bên sẽ bao hàm “những cuộc thảo luận tích cực và xây dựng.”
Vấn đề mấu chốt là Bắc Kinh coi trọng việc phái đoàn làm việc do Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish dẫn đầu đến Bắc Kinh như thế nào. Hai bên dự kiến sẽ tiến hành thảo luận một loạt các vấn đề kỹ thuật như hàng rào phi thuế quan, sở hữu trí tuệ và các hoạt động mua bán nông phẩm và sản phẩm công nghiệp.
Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai nền kinh tế lớn nhât thế giới kể từ Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng qua tại Argentina, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận “đình chiến thương mại” trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày 1/12/2018.
Cuộc chiến thương mại đã gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế trong năm qua. Chính phủ Trung Quốc dự kiến mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 giảm còn 6,5% so với tỉ lệ tăng trưởng 6,9% năm 2017. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinhh có thể sẵn sàng đạt được một thoả thuận. Và cuộc xung đột hiện hành cũng bắt đầu tác động mạnh đến giá chứng khoán toàn cầu, cụ thể là doanh số bán hàng giảm của Apple các thị trường chứng khoán sụt giá trong tuần qua.
Chủ đề thảo luận chính là gì?
Sự mất cân bằng trong cán cân thương mại Mỹ - Trung sẽ là chủ đề chính trong các cuộc đàm phán thương mại song phương tuần này. Trung Quốc tuyên bố có thể cân nhắc một thoả thuận trong đó bao gồm tăng nhập khẩu hàng hoá Mỹ. Vào tháng 12/2018, Trung Quốc hứa giảm thuế nhập khẩu đối với 700 sản phẩm của Mỹ bao gồm nguyên liệu dược phẩm và thức ăn gia súc. Bắc Kinh muốn giảm giá những mặt hàng như thịt lợn và thuốc men và lần đầu tiên mở cửa cho gạo nhập khẩu từ Mỹ vào cuối tháng 12 vừa qua.
Các công ty lương thực quốc doanh lớn của Trung Quốc đã nối lại hoạt động nhập khẩu đậu tương Mỹ và Bắc Kinh tạm hoãn thực thi thuế bổ sung đối với ô tô và phụ tùng ô tô sản xuất tại Mỹ vào ngày 01/01/2019. Đổi lại, Tổng thống Mỹ Trump đồng ý trì hoãn kế hoạch tăng thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hoá nhập khẩu trị giá 200 tỉ USD từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối yêu sách của Mỹ về việc chấn chỉnh hoạt động chuyển giao công nghệ và giảm sự hỗ trợ của nhà nước đối với các ngành công nghiệp chiến lược như người máy học, ô tô điện, vi mạch máy tính và trí thông minh nhân tạo.
Các quan chức Trung Quốc cho hay những biện pháp mới sẽ giải quyết vấn nạn ăn cắp ăn quyền sở hữu trí tuệ và chỉ ra rằng Bắc Kinh có thể tiến hành những thay đổi lớn đối với đề xướng “Made in China 2025”, chương trình đề ra mục tiêu tạo ra những sản phẩm Trung Quốc dẫn đầu về người máy học, trí thông minh nhân tạo và các lĩnh vực khác. Những thay đổi đó có thể bao gồm việc cắt giảm trợ cấp của nhà nước đối với các ngành công nghệ mới.
Thoả thuận nào có khả năng đạt được?
Một thoả thuận có khả năng đạt được đó là Trung Quốc nhất trí đẩy mạnh mua nông phẩm và sản phẩm năng lượng của Mỹ và mở cửa thị trường cho xe hơi và các dịch vụ tài chính của Mỹ. Vào tháng 12 vừa qua, Trung Quốc đã ban bố một danh sách các ngành cấm và hạn chế đầu tư và tuyên bố này được xem như là một nỗ lực nhằm giải toả nỗi lo ngại không có sân chơi công bằng ở Trung Quốc..
Song đầu tư vào các ngành then chốt của Trung Quốc vẫn bị cấm. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết bộ này đang nghiên cứu để tăng quyền tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực viễn thông, giáo dục, y tế và văn hoá.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Nếu không có thoả thuận nào đạt được đến ngày 01/03/2019, Washington tuyên bố sẽ tiến hành tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hoá Trung Quốc mà đã bị trì hoãn theo kế hoạch thực hiện ban đầu từ mùng 01/01/2019.
Ông Michael Hirson, Giám đốc Tư vấn phụ trách thị trường châu Á của tập đoàn Eurasia và là một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho biết một chỉ báo về tiến tiển thực sự trong tuần này có thể là hai bên tuyên bố vòng đàm phán chính thức ở cấp cao hơn. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phụ trách về đàm phán với Trung Quốc, theo dự kiến sẽ có cuộc hội kiến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, vào cuối tháng này. Tuy nhiên, ông Lighthizer tỏ ra hoài nghi sâu sắc về sự nghiêm túc của Bắc Kinh và khuyến cáo Tổng thống Trump rằng Mỹ có thể cần tăng thêm sức ép thông qua “các biện pháp thuế bổ sung” để giành được sự nhượng bộ “thực sự”, như tờ The New York Times đưa tin.
Sự biến động của thị trường hối đoái
Những biến động của tiền tệ Trung Quốc so với đồng Mỹ kim có thể là thước đo tốt nhất kiểm chứng liệu vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung tuần này có thành công hay không. Đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng giá và điều này được xem mà một trong những dấu hiệu tích cực cho thấy Trung Quốc coi trọng cuộc đàm phán.
Đồng NDT là mấu chốt bất đồng giữa Trung Quốc và chính quyền của ông Trump vì Mỹ buộc tội Bắc Kinh thao túng đồng NDT để giảm giá hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Mỹ./.
Theo Xuân Hương
VOV