1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Liên minh Nga -Trung - Kỳ 2: Nga đang yếu thế trước Trung Quốc?

Quan điểm sai lầm thứ nhất về quan hệ Nga -Trung chính là việc cho rằng quyền lực suy giảm của Nga và sự không liên kết với Trung Quốc.

Nga luôn bị đánh giá là một quốc gia yếu kém hoặc đang suy thoái. Điển hình, gần đây khi đưa ra bình luận về khả năng liên minh Nga-Trung, Joseph Nye cho rằng Nga không thể quản lý được một liên minh thực sự với Trung Quốc, và một trong những lý do để chứng minh cho lập luận này chính là "Quyền lực kinh tế và quân sự của Nga hiện đang suy giảm, trong khi Trung Quốc thì lại bùng nổ."

Hơn nữa, ông còn lập luận rằng Nga đang lo lắng về "ưu thế lực lượng quân sự thông thường của Trung Quốc", và sự mất cân bằng quyền lực giữa Nga-Trung Quốc là lý do khiến Nga không mong muốn một liên minh quân sự bền chặt với Trung Quốc.

Các lập luận này có thể bị bác bỏ bởi lẽ sự tương quan yếu kém hay sức mạnh không phải là yếu tố quyết định việc hình thành liên minh. Hầu hết các liên minh quân sự đều không cân xứng về tương quan sức mạnh giữa các nước thành viên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tất cả các nước đồng minh của Mỹ đều yếu thế hơn so với nước này nhưng trái lại, các đồng minh rất hữu ích cho sự bá quyền toàn cầu của Mỹ, và hơn nữa, các nước đồng minh không mong muốn rút khỏi liên minh.

Tuy nhiên, sức mạnh của Nga trước Trung Quốc đã thay đổi như thế nào trong suốt thập kỷ vừa qua? Có phải Nga đang rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng?

Chỉ cần nhìn lướt qua các dữ liệu cũng đủ để khẳng định quan điểm cho rằng sức mạnh về kinh tế và quân sự của Nga "bị suy giảm" là sai lầm.

Nước Nga hậu Xô Viết đã đạt được tiến bộ đáng kể cả về kinh tế lẫn quân sự, bất chấp việc nhiều người không tin rằng Nga là một cường quốc đang lên.Biểu đồ 1 cho thấy những thay đổi trong GDP và chi tiêu quân sự của Nga.

Bên cạnh giai đoạn tám năm suy thoái sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, Nga đã phát triển ấn tượng và vững chãi trong suốt mười bốn năm qua. Năm 1999, GDP của Nga giảm xuống còn 196 tỷ USD; đến năm 2013 con số này đạt mức 2,1 ngàn tỷ USD, tăng gấp 11 lần. Chi tiêu quân sự của Nga trong năm 2013 là 88 tỷ USD, tăng 14 lần so với con số 6,47 tỷ USD vào năm 1999.
 
Biểu đồ 1: Sự phát triển quân sự và kinh tế của Nga hậu Xô Viết

(Nguồn:

(Nguồn: World Bank; SIPRI Military Expenditure Database)

Nga cũng không hề suy giảm sức mạnh trong tương quan với các nước khác. Biểu đồ 2 cho thấy chi tiêu quân sự của các quốc gia thành viên khối BRIC (các nền kinh tế mới nổi, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc – NHĐ) từ năm 1991. Nga đứng dưới cả Ấn Độ và Brazil vào cuối những năm 1990, nhưng lại vượt qua ở giai đoạn tiếp theo của thế kỷ.

Theo một báo cáo của SIPRI (Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - NHĐ), trong năm 2014 ngân sách quân sự của Nga khoảng 2,5 nghìn tỷ rúp, trong đó Nga xếp hạng thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Từ năm 2008, ngân sách quân sự của Nga đã tăng trưởng 31%, vượt qua Anh và Ả Rập Xê Út. Hơn 16 năm qua, ngân sách quân sự của Nga đã tăng gần 14 lần. Xem xét tương quan, trong năm 1999, ngân sách quân sự của Trung Quốc lớn hơn gấp 3,2 lần so với Nga (20,56 tỷ USD và 6,47 tỷ USD), nhưng vào năm 2013, con số này đã giảm xuống còn 2,2 lần (188,46 tỷ USD và 86,84 tỷ USD).

Vì vậy, không thể khẳng định rằng sức mạnh của Nga đã bị suy giảm dù là tương đối hay tuyệt đối. Nếu vấn đề tương quan quyền lực tương đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành liên minh, thì một liên minh Nga-Trung hiện nay có lẽ càng khả thi hơn so với cách đây 10-15 năm, bởi vì trái với tuyên bố cho rằng Nga đang suy yếu liên tục, quyền lực của nước này ngày càng tăng tiến nhanh chóng.

Biểu đồ 2: Chi tiêu quân sự của nước thành viên khối BRIC (tỷ USD)

(Nguồn:

(Nguồn: SIPRI Military Expenditure Database)

Một khía cạnh khác quan trọng trong các mối quan hệ Nga-Trung chính là việc Nga là nước xuất khẩu lớn các loại vũ khí công nghệ cao. Tầm quan trọng của điều này là không thể chối cãi, nhất là khi sự thiếu thốn các công nghệ quân sự tiên tiến đã trở thành gót chân Achilles đối vị thế siêu cường của Trung Quốc, là căng nguyên khiến chính phủ nước này thất vọng.

Mặc dù các hoạt động xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đang tăng trưởng, nhưng nước này vẫn thiếu công nghệ quân sự tiên tiến, và vũ khí của Nga vẫn là một "chén thánh" (holy grail) đối với Trung Quốc.

Lợi thế so sánh chất lượng về công nghệ quân sự của Nga trong tương quan với Trung Quốc đã giúp nâng cao đáng kể vị trí của Nga trong mối quan hệ song phương, làm giảm lợi thế về số lượng vũ khí của Trung Quốc vốn không nhất thiết phải đồng nghĩa với khả năng tạo ra sức mạnh.

Luận điểm cuối cùng cần ghi nhớ chính là Nga đang sở hữu số lượng, chất lượng các loại vũ khí hạt nhân ngang ngửa, và thậm chí còn tốt hơn ở một số khía cạnh so với Hoa Kỳ.

Câu chuyện về năng lực hạt nhân tầm cỡ toàn cầu vẫn là câu chuyện của riêng hai nước. Hơn nữa, nước Nga vẫn là quốc gia độc tôn trong việc đảm bảo được khả năng đánh trả Hoa Kỳ. Sẽ là sai lầm khi cho rằng trong thế giới thời kì hậu chiến tranh lạnh, Mỹ mạnh đến mức không nước nào có thể đe dọa được.

Nếu như năng lực hạt nhân của Liên Xô có thể ngăn chặn Hoa Kỳ hiệu quả trong thời đại Chiến tranh Lạnh, thì hiện nay vũ khí hạt nhân của Nga được hiện đại hóa đáng kể, tiếp tục đủ sức chống lại Mỹ.

Các cơ sở dự trữ hạt nhân của Nga và Mỹ vẫn là nhân tố bảo đảm rằng các binh sĩ Mỹ sẽ không bao giờ bắn vào lính Nga và ngược lại trong một cuộc xung đột quân sự trực tiếp.

Sở hữu năng lực hạt nhân đủ để chống đối Hoa Kỳ, Nga sẽ không cảm thấy khó khăn khi hợp tác với Trung Quốc, một đất nước có năng lực hạt nhân lạc hậu hơn so với cả Hoa Kỳ và Nga.

(Kỳ 3: Nỗi sợ "Ông kẹ da vàng nguy hiểm")

Theo Đại Thắng - Tri Thông (dịch)
Pháp luật TPHCM