1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Liên Hợp Quốc tắt bớt màn hình, hạn chế thang máy vì thiếu tiền

(Dân trí) - Do ngân sách vận hành ngày càng eo hẹp, trụ sở Liên Hợp Quốc tại Thụy Sĩ đã phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để tiết kiệm chi phí hoạt động, gây ảnh hưởng tới các nhà ngoại giao cũng như chất lượng của các phiên họp bàn về những vấn đề quan trọng trên thế giới.

Liên Hợp Quốc tắt bớt màn hình, hạn chế thang máy vì thiếu tiền - 1

Màn hình bị tắt sau khi một phiên họp đã vượt quá thời gian theo quy định mới tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Thụy Sĩ (Ảnh: Reuters)

Reuters đưa tin, trong phiên họp về giải trừ vũ khí tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ tháng trước, tiếng chuông báo động bỗng vang lên nhằm nhắc nhở rằng cái phái đoàn đã vi phạm quy tắc về cắt giảm chi phí mới được ban hành để hạn chế độ dài của các cuộc họp. Trụ sở tại Geneve đứng thứ hai sau trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, Mỹ.

Màn hình và micro cũng bị tắt, buộc các đại sứ phải nói bằng âm lượng lớn bài phát biểu của họ để người ngồi bên kia hội trường có thể nghe thấy rõ. Theo Reuters, cuộc họp trong chốc lát đã trở nên ồn ào và một vài người lo ngại đèn có thể tiếp tục bị tắt đi sau đó.

“Tôi thực sự đã quan ngại về hệ thống đèn”, Đại sứ Pakistan ở Liên Hợp Quốc Khalil Hashmi cho biết.

Những gián đoạn như vậy đã xảy ra ít nhất trong 2 lần, là kết quả của các phương pháp khẩn cấp nhằm cắt giảm chi phí ở trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva và New York (Mỹ).

Việc cắt giảm, hiện đã tới tháng thứ 3, nhằm thích nghi với tình huống mà Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mô tả là “rất đáng báo động”.

Liên Hợp Quốc thâm hụt 768 triệu USD trong ngân sách chung 2,85 tỷ USD năm 2019 vì 51 quốc gia chưa thanh toán các khoản phí, bao gồm 2 nước đóng nhiều nhất là Mỹ và Brazil. Hai nước cho biết sẽ đóng hầu hết khoản phí, nhưng dù họ có làm vậy, khoản tiền này cũng sẽ được bù vào thiếu hụt từ những năm trước, tạo ra tình cảnh thiếu hụt cho năm sau.

Các nhà ngoại giao nói rằng cuộc khủng hoảng về ngân sách ở Liên Hợp Quốc liên quan tới cam kết yếu kém của một số quốc gia với ngoại giao đa phương. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc đình chỉ tòa phúc thẩm hàng đầu của Tổ chức Thương mại Thế giới và các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Tây Ban Nha vào tuần trước chỉ đạt được kết quả rất hạn chế.

Đức và Pháp đã thành lập “Liên minh Đa phương” để hỗ trợ Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác.

Liên Hợp Quốc tắt bớt màn hình, hạn chế thang máy vì thiếu tiền - 2

Thông báo "thắt lưng buộc bụng" tại trụ sở Liên Hợp Quốc (Ảnh: Reuters)

Richard Gowan, chuyên gia về Liên Hợp Quốc tại tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nói rằng tình trạng thiếu ngân sách là kết quả của “cuộc khủng hoảng niềm tin chính trị" quy mô rộng hơn trong tổ chức. “Các thành viên Liên Hợp Quốc không bận tâm tới vấn đề tài chính là tổ chức đang phải đối mặt”, ông Gowan nói.

Trong khi đó, Đại sứ Hashmi kêu gọi các nước thành viên thanh toán đầy đủ, nhấn mạnh rằng các sự vụ quan trọng của Liên Hợp Quốc không nên bị “giữ làm con tin” vì thiếu hụt tài chính.

Mặt khác, một số ý kiến chỉ trích nói rằng Liên Hợp Quốc có thể giảm bớt chi tiêu bằng cách điều chỉnh các khoản tiền lương cao và được miễn thuế cho các quan chức cao cấp.  

Nhà cựu ngoại giao Marc Limon nói rằng “Liên Hợp Quốc đang có sự lãng phí rất lớn”.

Phía các quan chức Liên Hợp Quốc nói với Reuters rằng họ chưa sẵn sàng cắt giảm lương nhân viên trong giai đoạn này và đang tập trung vào cắt giảm chi phí ở những lĩnh vực khác.

"Thắt lưng buộc bụng"

Liên Hợp Quốc tắt bớt màn hình, hạn chế thang máy vì thiếu tiền - 3

Thông báo thang máy ngừng hoạt động vì thiếu ngân sách tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva (Ảnh: Reuters)

Các thông báo dán ở tòa nhà Liên Hợp Quốc đã 100 tuổi ở Geneva cho biết cuộc khủng hoảng ngân sách đã dẫn tới việc một số thang máy bị ngừng hoạt động. Đèn ở hành lang chỉ bật sáng mờ mờ, và một số nhà ngoại giao phải mang máy sưởi vì bộ tản nhiệt bị chỉnh xuống thấp trong thời tiết lạnh giá ở Thụy Sĩ.

Corinne Momal-Vanian, giám đốc điều hành hội nghị của Liên Hợp Quốc ở Geneva, nói rằng tổ chức này đã chịu áp lực cắt giảm ngân sách trong nhiều năm và đến một thời điểm, việc này trở nên rất khó khăn.

Bà Vanian dẫn chứng về việc chi phí cho các cuộc họp hiện đã bị cắt giảm bằng việc sử dụng ít thông dịch viên và kỹ thuật viên âm thanh.

Thậm chí, một số thuyết âm mưu cho rằng phương pháp cắt giảm ngân sách đang chỉ tiết kiệm được 14 triệu USD hàng năm và chỉ nhằm mục đích khiến các nhà ngoại giao thấy khó chịu để họ thúc giục quốc gia  mà họ đại diện thanh toán ngân sách. Tuy nhiên, các quan chức Liên Hợp Quốc đã bác bỏ thông tin này.

Đức Hoàng

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm