1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Liên Hợp Quốc lần đầu ra tuyên bố chung về xung đột Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần đầu đạt được đồng thuận ra tuyên bố chung về cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đây được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng nhằm tiến tới một giải pháp hòa bình.

Liên Hợp Quốc lần đầu ra tuyên bố chung về xung đột Nga - Ukraine - 1

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần đầu ra được tuyên bố chung về cuộc xung đột Nga - Ukraine (Ảnh minh họa: EPA).

Reuters đưa tin, sau cuộc họp ngày 6/5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Nga, đã đưa ra một tuyên bố chung "bày tỏ quan tâm sâu sắc đến việc duy trì hòa bình và an ninh cho Ukraine", ủng hộ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.

Theo RT, cuộc họp đặc biệt này chỉ kéo dài khoảng một phút.

Dự thảo tuyên bố do Na Uy và Mexico đưa ra, trong đó không nhắc đến những cụm từ như "chiến tranh", "xung đột" hay "chiến dịch quân sự đặc biệt". Juan Ramon de la Fuente Ramirez, đại diện thường trực của Mexico tại Liên Hợp Quốc, nói việc Nga ủng hộ tuyên bố chung cho thấy Moscow sẵn sàng cho giải pháp ngoại giao.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết mình để tìm một con đường hòa bình cho xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuần trước, ông Guterres đã tới Moscow và Kiev để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Chuyến thăm của ông đã mở đường cho một chiến dịch phối hợp giữa Liên Hợp Quốc và Hội chữ Thập đỏ giúp sơ tán khoảng 500 dân thường khỏi thành phố Mariupol và nhà máy gang thép Azovstal của Ukraine.

Nga phát động các cuộc tấn công vào mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Ukraine từ ngày 24/2 với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine. Đến nay, Moscow vẫn gọi đây là một "chiến dịch đặc biệt".

Hơn hai tháng kể từ khi Nga mở chiến dịch, xung đột giữa Moscow và Kiev chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các vòng hòa đàm không đạt được nhiều tiến triển. Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, chiến dịch vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch và Nga chỉ chấm dứt các hoạt động quân sự khi Kiev đồng ý với các điều kiện mà Moscow đưa ra. Theo đó, Ukraine phải chấp thuận duy trì vị thế trung lập, không gia nhập các liên minh quân sự, trong đó có NATO, công nhận bán đảo Crimea thuộc chủ quyền của Nga và công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở Donbass.

Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 6/5 đã nêu rõ quan điểm khi được hỏi về những điều kiện tối thiểu để ông chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Nga. Ông nhấn mạnh thêm, Nga phải rút lực lượng khỏi tất cả các vùng lãnh thổ đã giành được quyền kiểm soát kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Vấn đề lãnh thổ là một trong những trở ngại khiến Nga và Ukraine đến nay vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột. Ukraine nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán về vị thế trung lập, song không bao giờ thỏa hiệp về lãnh thổ. Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý mà phương Tây coi là không hợp pháp. Vài ngày trước khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2, Nga cũng công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở Donbass, miền Đông Ukraine.

Theo Reuters, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine