1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Liên Hợp Quốc cảnh báo thế giới đối mặt nạn đói chưa từng có

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới, dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Liên Hợp Quốc cảnh báo thế giới đối mặt nạn đói chưa từng có - 1

Binh sĩ Nga đứng gác ở cảng Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).

"Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nạn đói toàn cầu chưa từng có. Cuộc chiến ở Ukraine làm phức tạp thêm nhiều vấn đề vốn đã tồn tại trong nhiều năm như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, tình trạng phục hồi không đồng đều", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói trong cuộc họp hôm 24/6.

Hơn 460.000 người ở Somalia, Yemen và Nam Sudan đang trong tình trạng đói kém. Hàng triệu người ở 34 quốc gia cũng trên bờ vực nạn đói.

"Năm 2022 có nguy cơ xảy ra nhiều nạn đói. Và năm 2023 có thể còn tồi tệ hơn", ông Guterres nói, đồng thời khẳng định nạn đói trên diện rộng là không thể chấp nhận được trong thế kỷ 21.

Ông Guterres cho rằng, không có giải pháp hữu hiệu nào cho cuộc khủng hoảng nạn đói trừ khi Ukraine và Nga tìm ra cách để nối lại hoạt động thương mại một cách hợp lý.

Các chuyến hàng từ các cảng của Ukraine đã tạm dừng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Trong khi đó, Moscow muốn phương Tây dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo, thế giới đang đứng trước bờ vực của một "cuộc khủng hoảng lương thực khủng khiếp", khi Ukraine không thể xuất khẩu số lượng lớn lúa mì, ngô, dầu và các sản phẩm vốn đóng vai trò "ổn định trên thị trường toàn cầu".

"Điều này có nghĩa là có thể có sự thiếu hụt hàng hóa ở hàng chục quốc gia trên thế giới. Hàng triệu người có thể chết đói nếu Nga tiếp tục phong tỏa Biển Đen", ông Zelensky nói.

Chiến sự Nga - Ukraine đang kéo theo cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi hai nước là những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới. Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới. Hai nước đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.

Nga trong thời gian qua bị cáo buộc phong tỏa cảng biển của Ukraine, chặn tuyến vận tải hiệu quả nhất của Kiev để chuyển lương thực đi khắp thế giới. Moscow đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cho rằng Ukraine đã đặt mìn dày đặc xung quanh các cảng, khiến các tàu thương mại không thể ra vào.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow không gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Ông Putin cho rằng, phương Tây đang tìm cách đổ lỗi cho Nga về những vấn đề trên thị trường lương thực toàn cầu. Ông cáo buộc những lệnh trừng phạt của Anh và Mỹ nhằm vào lĩnh vực phân bón của Nga khiến các vấn đề của thị trường lương thực trở nên trầm trọng hơn.

Cuối tháng trước, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đang đàm phán với Moscow và Kiev về việc mở một hành lang qua eo biển Bosphorus phục vụ xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Liên Hợp Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán để đạt một thỏa thuận giúp thông thương hàng hóa từ Nga và Ukraine.

Theo Reuters