1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Libya bắt một số đối tượng tấn công Lãnh sự quán Mỹ

(Dân trí) - Lực lượng an ninh Libya hôm qua bắt giữ một số đối tượng tình nghi có liên quan tới vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi. Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi lan rộng tại nhiều nước.

Trụ sở an ninh Libya, mơi giam giữ một số đối tượng vừa bị bắt giữ
Trụ sở an ninh Libya, mơi giam giữ một số đối tượng vừa bị bắt giữ


Thứ trưởng Nội vụ Lybia Wanis al-Sharif cho biết các lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ một số đối tượng sau khi mở cuộc điều tra về vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi làm 4 người thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens.

“Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ Libya đã bắt đầu điều tra, thu thập bằng chứng và bắt giữa một số đối tượng”, ông al-Sharif  cho biết, nhưng không tiết lộ danh tính của những kẻ vừa bị bắt giữ để tránh "làm ảnh hưởng tới tiến trình điều tra".

Động thái này diễn ra trong bối cảnh có những nghi ngờ cho rằng mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda có thể đã đứng sau vụ tấn công bất ngờ xảy ra đêm 11/9, đúng thời khắc nước Mỹ tưởng niệm vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào tòa tháp đôi thương mại và Lầu Năm Góc cách đây 11 năm.

“Đây là vụ tấn công đã được các phần tử al-Qaeda hoặc những đối tượng ủng hộ mạng lưới này lên kế hoạch kỹ càng từ trước”, các quan chức Mỹ cho biết.

Trong vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, ban đầu chỉ có một đám đông biểu tình tràn vào bên trong tòa lãnh sự để bày tỏ thái độ căm phẫn đối với bộ phim có nội dung phỉ báng đạo Hồi do một thành viên cộng đồng Thiên chúa giáo Ai Cập sống lưu vong tại Mỹ sản xuất.

Tuy nhiên sau đó, cả tòa nhà đã bị tấn công bằng súng phóng lựu và bị đốt cháy khiến Đại sứ Stevens và 3 nhân viên lãnh sự quán thiệt mạng.

Theo giới chức Libya, việc điều tra ngọn ngành vụ tấn công sẽ rất phức tạp vì đám đông bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ khi đó tụ tập rất nhiều thành phần.

"Có những đối tượng quá khích, có người dân bình thường, có phụ nữ, trẻ em và có cả những phần tử tội phạm. Người ta còn nghe thấy cả tiếng súng bắn từ một trang trại gần đó. Chúng tôi cần có thời gian để vạch rõ kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công", người phát ngôn Ủy ban An ninh thuộc Bộ Nội vụ Libya nói.

Biểu tình rầm rộ tại nhiều nơi

Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối bộ phim tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới trong ngày 13/9.

Biểu tình bùng phát khắp nơi phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi.

Biểu tình bùng phát khắp nơi phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi.


Tại thủ đô Tehran của Iran, khoảng 500 người đã tham gia cuộc biểu tình do Hiệp hội Sinh viên Hồi giáo phát động, Đây là nhóm có quan điểm cứng rắn trung thành với Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Cuộc biểu tình diễn ra gần Đại sứ quán Thụy Sĩ, cơ quan đại diện cho quyền lợi của Mỹ tại Iran, buộc chính phủ Iran phải huy động hàng trăm cảnh sát và nhân viên an ninh tới duy trì an ninh. Đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra giống như ở Benghazi, Đại sứ quán Thụy Sĩ đã cho sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao đến nơi trú ẩn an toàn dưới sự giúp đỡ của lực lượng an ninh sở tại.

Trong khi đó, truyền hình nhà nước Ai Cập phát đi những hình ảnh cho thấy cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Cairo.

Bộ Y tế Ai Cập cho hay ít nhất 30 người, trong đó có 16 người biểu tình và 14 nhân viên an ninh, đã bị thương trong các vụ đụng độ xảy ra lác đác suốt đêm bên ngoài tòa đại sứ.  Theo các nguồn tin tại chỗ, người biểu tình đã ném đá và bom xăng vào lực lượng an ninh, đốt cháy ít nhất 2 xe cảnh sát.

Phụ nữ, trẻ em và người già cũng xuống đường biểu tình.
Phụ nữ, trẻ em và người già cũng xuống đường biểu tình.


Tại thủ đô Dakka của Bang-la Đét, hơn 100 người, chủ yếu là sinh viên, cũng đã tụ tập biểu tình đòi Mỹ phải xin lỗi những người Hồi giáo và bắt giữ ngay đối tượng làm bộ phim.

Tại Iraq, hàng nghìn người Hồi giáo dòng Shiite đã tổ chức biểu tình ở một số thành phố, trong đó có cả thủ đô Baghdad. Tham gia biểu tình còn có cả một số nghị sĩ ủng hộ Giáo sĩ Moqtada al-Sadr. Những người biểu tình đã đốt cờ Mỹ, thể hiện thái độ thù địch với Mỹ và Israel.

Ở dải Gaza, hàng trăm người Palestin cũng xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ, đồng thời kêu gọi tảy chay các sản phẩm của Mỹ.

Ở thủ đô Tel Aviv của Israel, khoảng 60 người Israel gốc Ảrập cũng biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ.

Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Sanaa của Yemen cũng bị tấn công làm một người thiệt mạng.

Cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Nigeria cảnh báo công dân Mỹ trước mối đe dọa tấn công từ các nhóm cực đoan, đồng thời hối thúc họ đề cao cảnh giác.

Mỹ tăng cường bảo vệ các cơ quan ngoại giao khắp thế giới

Trước làn sóng bạo lực nhằm vào các trụ sở ngoại giao và lợi ích của Mỹ tại nước ngoài có chiều hướng ngày càng lan rộng, ngày 13/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu tăng cường an ninh tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới.

Nhiều đại sứ quán Mỹ, đặc biệt ở các nước Hồi giáo, đã cảnh báo công dân Mỹ cần lưu ý vấn đề an ninh.

Ngoài ra, ông Obama cũng đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Libya Mohamed Magariaf và Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi, hối thúc hai nước này tiếp tục hợp tác với Mỹ để đảm bảo an toàn cho các nhân viên ngoại giao Mỹ.

”Dù phản đối những âm mưu bôi nhọ đạo Hồi... song không có bất kỳ lời bào chữa nào cho hành động bạo lực nhằm vào những người vô tội”, Tổng thống Obama khẳng định với người đồng cấp Ai Cập Mohammed Morsi

Phụ nữ, trẻ em và người già cũng xuống đường biểu tình.
Tổng thống Obama thề trừng trị những kẻ gây ra cái chết của Đại sứ Stevnes và các nhà ngoại giao Mỹ.


Cả nhà lãnh đạo Libya Mohamed Magariaf và Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi đều cam kết sẽ “làm tròn nghĩa vụ trong việc đảm bảo an toàn cho nhân viên Mỹ". Ông Magariaf còn khẳng định sẽ sớm đưa những kẻ chủ mưu vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ra xét xử.

Trong khi đó, chính phủ Canasa quyết định tạm thời đóng cửa Đại sứ quán tại thủ đô Cairo của Ai Cập, vì cơ quan này chỉ cách Đại sứ quán Mỹ khoảng 400m

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai quyết định hoãn chuyến thăm Na Uy vì lo ngại bạo lực có thể bùng phát trong nước sau các buổi cầu nguyện cuối tuần ngày hôm nay. Afghanistan là một trong những quốc gia Hồi giáo sùng đạo, nơi rất dễ bùng nổ bạo lực đối với bất cứ hành động nào xúc phạm đến đạo Hồi.

Hồi đầu năm nay, tại nước này cũng đã xảy ra bạo loạn làm 40 người thiệt mạng sau khi các binh sĩ Mỹ đốt bản sao kinh Koran. Trong một thông điệp khẩn trên trang web của mình, Đại sứ quán Mỹ ở Kabul cảnh báo công dân Mỹ tại Afghanistan không nên ra đường vì trong những ngày tới có thể xảy ra biểu tình..

Việt Giang
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm