1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Lệnh ngừng bắn Israel - Hamas: Cú hích xoay chuyển cục diện Trung Đông?

Ngô Hoàng

(Dân trí) - Tình hình Trung Đông có chuyển biến quan trọng khi quá trình đàm phán ở Qatar về một lệnh ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas đã đạt được thành công.

Lệnh ngừng bắn Israel - Hamas: Cú hích xoay chuyển cục diện Trung Đông? - 1

Những người ủng hộ Palestine ăn mừng lệnh ngừng bắn với Israel tại Berlin, Đức, ngày 15/1 (Ảnh: Reuters).

Thỏa thuận đạt được

Ngày 15/1, trên mạng xã hội của mình, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức thông báo "Israel và Hamas đã thống nhất một thỏa thuận quan trọng, đảm bảo việc thả tất cả con tin người Israel bị Hamas bắt giữ".

Theo các kênh truyền thông quốc tế, thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza vừa đạt được bao gồm 3 giai đoạn sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1. Giai đoạn 1 của thỏa thuận kéo dài trong 42 ngày, trong đó quân đội Israel sẽ rút về phía Đông Gaza; Hamas sẽ thả 33 con tin gồm phụ nữ, trẻ em, người già, người bị thương hoặc đau ốm. Đổi lại, Israel sẽ thả một số tù nhân Palestine; người dân Gaza phải di dời được trở về nhà và viện trợ nhân đạo được tăng cường đưa vào Gaza.

Trước đó, ngày 13/1, sau các cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel và Quốc vương Qatar, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lạc quan tuyên bố "Thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đang ở trong tầm tay". Bên cạnh đó, khi trả lời kênh truyền hình Newsmax, Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng nhận xét: "Thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đang rất gần và có thể đạt được vào cuối tuần này".

Phản ứng của các bên

Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố, phong trào Hamas đã ra tuyên bố khẳng định "thỏa thuận ngừng bắn là thành quả của lòng kiên định phi thường của nhân dân Palestine và sự kháng cự dũng cảm của lực lượng này tại Gaza trong hơn 15 tháng qua". Hamas cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các nước đã thể hiện sự đoàn kết với người dân Gaza, sát cánh cùng nhân dân Palestine, đặc biệt là các bên trung gian đã nỗ lực hết mình để đạt được thỏa thuận.

Về phía Israel, Tổng thống Isaac Herzog đã phát biểu trên truyền hình rằng "thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas là bước đi đúng đắn để đưa tất cả những người bị bắt trở về nhà".

Trong số các nước Ả Rập liên quan, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi "hoan nghênh lệnh ngừng bắn đã đạt được sau hơn một năm nỗ lực không ngừng nghỉ của các bên trung gian Ai Cập, Qatar và Mỹ", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng đưa viện trợ nhân đạo đến với người dân Gaza.

Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden bày tỏ tự hào khi Mỹ sẽ tham gia vào việc giám sát thỏa thuận, đồng thời cho biết "các yếu tố của thỏa thuận này là những gì ông đã nêu chi tiết vào tháng 5/2024". Tổng thống đắc cử Donald Trump mạnh mẽ ca ngợi thỏa thuận vừa đạt được, coi đây là "sự khởi đầu cho những điều tuyệt vời sắp tới đối với nước Mỹ và cả thế giới".

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khen ngợi các bên trung gian Ai Cập, Qatar và Mỹ "vì những nỗ lực của họ trong việc làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn này". Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước thành viên trong khối... cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn.

Lệnh ngừng bắn Israel - Hamas: Cú hích xoay chuyển cục diện Trung Đông? - 2

Cảnh đổ nát ở Gaza sau trận không kích của Israel hôm 4/1 (Ảnh: Reuters).

Vì sao đàm phán nhanh chóng thành công?

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhanh chóng tuyên bố "thỏa thuận ngừng bắn này chỉ có thể xảy ra do chiến thắng lịch sử của chúng ta vào tháng 11, vì điều đó báo hiệu cho toàn thế giới rằng chính quyền của tôi sẽ tìm kiếm hòa bình và đàm phán các thỏa thuận để đảm bảo an toàn cho tất cả người Mỹ và các đồng minh của chúng ta".

Tuy nhiên, cuộc đàm phán về ngừng bắn và trao trả tù binh/con tin ở Doha lần này đã diễn ra thuận lợi và nhanh chóng đi đến thỏa thuận nhờ rất nhiều yếu tố khác nhau, trước hết là 2 phía đối đầu Israel và Hamas, tiếp theo là các bên trung gian mà Mỹ là nước đi đầu và quan trọng nhất.

Trước hết, cả hai bên đối địch là Israel và Hamas đều thấy đây là thời điểm cần có ngừng bắn. Israel hy vọng thông qua lệnh ngừng bắn, Hamas sẽ trả tự do cho một phần trong số khoảng 100 con tin còn bị giam giữ ở Gaza. Trong khi đó, phong trào Hamas rất muốn chấm dứt chiến dịch quân sự của Israel, đảm bảo việc nhập khẩu các vật liệu tái thiết cho Gaza và phóng thích các tù nhân Palestine bị giam giữ tại Israel.

Về phía Hamas, cuộc tập kích táo bạo vào ngày 7/10/2023 vào Israel, dù là một chiến thắng rất ngoạn mục và đầy ý nghĩa, nhưng lại dẫn đến việc toàn bộ Dải Gaza bị quân đội Israel biến thành đống đổ nát. Trong bối cảnh Hamas bị tổn thương nghiêm trọng, một lệnh ngừng bắn với việc rút quân Israel khỏi Gaza mở đường cho quá trình củng cố Hamas và tái thiết Gaza là vô cùng quan trọng và cấp thiết, nhất là khi đồng minh Hezbollah từ tháng 11/2024 đã đồng ý ngừng bắn với Israel khiến Hamas bị cô lập hơn bao giờ hết.

Về phía Israel, việc trả đũa toàn diện phong trào Hamas và làm suy yếu đáng kể cả Iran lẫn Hezbollah đã đưa đến cục diện mới ở Trung Đông có lợi cho nhà nước Do Thái. Mặc dù vậy, Israel cũng chỉ mới thực hiện được một nửa cam kết là "trừng phạt đích đáng Hamas", chứ chưa "đưa được toàn bộ con tin về nhà" như Thủ tướng Netayahu nhiều lần tuyên bố. Đây chính là điều khiến người dân Israel vẫn chưa thể hài lòng và tiếp tục gây áp lực lớn lên chính phủ.

Ngoài ra, dù chiến thắng quân sự của Israel có to lớn đến đâu thì về lâu dài, Israel cũng khó có thể trở nên yên bình và an toàn hơn, bởi "bạo lực lại sinh bạo lực", vấn đề chỉ là sớm hay muộn.

Về phía Mỹ, khác với những lần trước, thỏa thuận ngừng bắn lần này được cả Tổng thống đương nhiệm lẫn Tổng thống đắc cử của Mỹ quan tâm thúc đẩy. Cả hai đều cử đặc phái viên đến Qatar và Israel để thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn.

Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden còn đưa cả Ngoại trưởng Antony Blinken đến khu vực để trực tiếp gặp gỡ, làm việc với các bên. Trong khi Tổng thống Biden đang bước vào những ngày cuối cùng cầm quyền ở Nhà Trắng, sau tất cả những gì đã diễn ra trong 4 năm qua, chắc chắn ông rất mong muốn có một thỏa thuận ngừng bắn nhằm để lại một dấu ấn tích cực trên vấn đề Trung Đông.

Còn với Tổng thống vừa tái đắc cử, với tính cách quyết liệt và thức thời của mình, ông Trump cũng không muốn ngồi nhìn ông Biden một mình gặt hái thành công trong vấn đề này. Đồng thời, ông Trump cũng muốn tỏ rõ sự quan tâm đặc biệt tới đồng minh Do Thái rất quan trọng và góp sức để bớt đi một vấn đề quốc tế gai góc phải giải quyết sau khi nhậm chức. Thực tế, ông Trump đã cảnh báo "mọi thứ sẽ phải trả giá đắt" nếu các con tin không được trả tự do trước khi ông nhậm chức.

Ý nghĩa của thỏa thuận ngừng bắn

Sau hơn một năm giao tranh, đến tháng 11/2023, Israel và Hamas mới đạt được duy nhất một lệnh ngừng bắn, theo đó Hamas trả tự do cho hơn 100 phụ nữ, trẻ em và người nước ngoài để đổi lấy 240 người Palestine bị Israel giam giữ. Thỏa thuận đạt được lần này có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều, bởi nó đem lại một lệnh ngừng bắn lâu dài và toàn diện ở khu vực vốn luôn nóng bỏng.

Cụ thể, thỏa thuận Doha về ngừng bắn theo từng giai đoạn đã khép lại hơn một năm đàm phán liên tục. Thỏa thuận này trước hết sẽ giúp chấm dứt cuộc chiến đã tàn phá Dải Gaza, vốn làm suy yếu nghiêm trọng phong trào kháng chiến vũ trang Hamas và đẩy phần lớn người dân Palestine trong vùng đất này trở thành "vô gia cư" khi phải đi tha phương ở rất nhiều nơi. Tiếp theo, lệnh ngừng bắn sẽ giúp mở ra triển vọng nối lại quá trình đàm phán Israel - Palestine về một giải pháp 2 nhà nước để phá vỡ bế tắc trong việc tìm giải pháp hợp lý, công bằng và bền vững cho cuộc khủng hoảng vốn đã kéo dài nhiều thập niên qua.

Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas còn có thể làm giảm bớt căng thẳng trên toàn khu vực Trung Đông, nơi cuộc chiến Israel - Hamas đã kích hoạt phản ứng dây chuyền từng dẫn đến xung đột vũ trang dữ dội ở Bờ Tây, Li Băng và ở chừng mực nào đó tại cả Syria, Yemen và Iraq, đồng thời làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện với những hậu quả khôn lường.

Với đà này, thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được cũng có thể giúp mở ra một cục diện mới ở Trung Đông. Theo đó, xu hướng thương lượng nhượng bộ lẫn nhau sẽ chiếm ưu thế hơn việc dùng vũ lực để giải quyết xung đột.

Đối với Mỹ, thỏa thuận này sẽ giúp Tổng thống Biden có được một thành tựu đáng kể trên mặt trận đối ngoại trong hành trang của mình khi rời nhiệm sở, đồng thời làm tăng thêm uy tín và tiếng nói của Mỹ ở khu vực. Thỏa thuận cũng góp phần tạo thế cho Tổng thống đắc cử Trump và chủ trương "hòa bình thông qua sức mạnh" của ông, đồng thời giúp chính quyền mới có thêm thời gian và vật lực tập trung toàn diện hơn cho các mục tiêu còn lại trong chương trình nghị sự MAGA đầy tham vọng.

Các bên cần làm gì?

Vào tối 15/1, quân đội Israel vẫn tiếp tục các cuộc không kích vào Dải Gaza. Do đó, việc cấp bách trước mắt là các bên hòa giải và cộng đồng quốc tế cần tiếp tục giúp đỡ và kêu gọi cả Israel và Hamas chấm dứt ngay các cuộc giao tranh trước khi lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực vào ngày 19/1.

Tiếp theo là triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza, trước hết là về lương thực, thực phẩm và thuốc men, dụng cụ y tế để đảm bảo những nhu yếu phẩm thiết yếu nhất cho người dân ở đây.

Theo các nguồn tin an ninh Ai Cập hôm 15/1, công tác phối hợp đang được tiến hành để mở cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập và Gaza nhằm đưa viện trợ quốc tế đến với người dân Palestine tại dải đất này. Ai Cập cũng sẽ cung cấp lượng viện trợ nhân đạo lớn nhất có thể cho người dân Gaza.

Cuối cùng là công cuộc tái thiết Gaza về mọi mặt từ đống đổ nát hoang tàn, đòi hỏi hàng trăm tỷ USD mà người Palestine không thể tự đảm đương được. Điều này đòi hỏi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, các quốc gia và các định chế tài chính quốc tế.

Với lịch sử xung đột phức tạp kéo dài và việc mất niềm tin sâu sắc giữa Israel và Palestine trong hơn nửa thế kỷ qua, dù tất cả các bên đã tỏ rõ quyết tâm đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng những khác biệt sâu sắc và tính toán chiến lược riêng của mỗi bên có thể vẫn là rào cản cho việc thực hiện suôn sẻ thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được.

Điều này đòi hỏi sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế cho một nền hòa bình bền vững và công bằng trong khu vực, trước hết là các nước lớn, các nước Ả Rập cũng như sự kiên định và nỗ lực của cả Israel lẫn Hamas nói riêng, người Palestine nói chung và các nước trong khu vực để thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các điều khoản của thỏa thuận.