1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lầu Năm Góc: Mỹ đã rút chiến đấu cơ khỏi Libya

(Dân trí) - Quân đội Mỹ ngày 4/4 đã rút toàn bộ chiến đấu cơ khỏi chiến dịch không kích của quốc tế tại Libya, sau khi thực hiện xong sứ mệnh ném bom thêm 48 tiếng, theo yêu cầu của NATO.

 
Lầu Năm Góc: Mỹ đã rút chiến đấu cơ khỏi Libya - 1
Chiến đấu cơ A-10, một trong những máy bay tấn công mặt đất mạnh của Mỹ.
 

Trước đó, Mỹ đã dự kiến ngưng sứ mệnh chiến đấu của mình tại Libya và ngưng phóng các tên lửa hành trình Tomahawk vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, họ đã chấp nhận yêu cầu của NATO, kéo dài các hoạt động tham chiến thêm 48 tiếng nữa, cho đến ngày thứ hai 4/4.

 

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Đại úy Darryn James cho hay, các cuộc không kích của Mỹ đã chấm dứt vào 22h GMT ngày 4/4, với chiến đấu cơ rút về dự phòng, trong khi NATO dẫn đầu chiến dịch quốc tế tại Libya.

 

Sau đó, “các chiến đấu cơ Mỹ dự kiến sẽ ngừng xuất kích, nhưng vẫn ở trong chế độ cảnh báo, phòng trường hợp NATO yêu cầu hỗ trợ”, ông James cho biết.

 

NATO đã yêu cầu Mỹ kéo dài sứ mệnh ném bom xuống các mục tiêu tại Libya sau khi thời tiết xấu đã làm ảnh hưởng tới các cuộc xuất kích của họ vào tuần trước và khiến lực lượng của ông Gadhafi dưới mặt đất đẩy lui được quân nổi dậy ở nhiều thành phố.

 

Theo ông James, từ 22h GMT ngày chủ nhật tới 10h GIMT ngày thứ hai, máy bay Mỹ thực hiện ít nhất hai cuộc không kích, song Mỹ không thực hiện vụ phóng tên lửa hành trình Tomahawk nào.

 
Chiến đấu cơ Harrier của Mỹ “đã tham gia cùng xe quân sự gần” Sirte, thành phố quê nhà của ông Gadhafi và chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt “đã tham gia cùng xe quân sự gần Brega”, ông nói.

 

Máy bay A-10, được trang bị đại bác 30mm và có khả năng chống chịu được hỏa lực trực tiếp từ kẻ thù, cũng như được thiết kế chống tăng và các mục tiêu dưới mặt đất khác.

 

Một số nhà lập pháp Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Obama rút lui sớm khỏi chiến dịch tại Libya, do cho rằng liên quân NATO không có máy bay tấn công mặt đất đủ mạnh như A-10.

 

Trong thời gian tới đây, khi các nước NATO dự kiến gia tăng các cuộc không kích nhằm lấp “lỗ hổng” máy bay Mỹ để lại, đóng góp của Mỹ sẽ chỉ giới hạn chủ yếu trong phạm vi làm nhiễu loạn liên lạc, do thám, tìm kiếm cứu nạn, tiếp nhiên liệu trên không.

 

Phan Anh
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm