Lầu Năm Góc lo lắng trong bế tắc với chiến dịch bảo vệ Kobane
(Dân trí) - Phát biểu trong chuyến công du Chile, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định tình hình tại thị trấn Kobane, Syria vẫn “nguy hiểm”. Dù vậy việc thiết lập vùng cấm bay tại Syria để đẩy mạnh tấn công không phải một giải pháp dễ dàng.
Các cuộc giao tranh giữa lực lượng Hồi giáo cực đoan nhà nước Hồi giáo và các chiến binh người Kurd bảo vệ Kobane vẫn đang tiếp diễn ác liệt, với hơn 500 người được cho là đã thiệt mạng sau một tháng giao tranh.
Ông Chuck Hagel cho biết các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu đã đạt được những bước tiến nhưng lực lượng IS vẫn chiếm đóng được các vị trí ở ngoại ô Kobane. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhận định cuộc chiến chống lại IS tại Syria và Iraq sẽ phải là một nỗ lực lâu dài.
“Chúng tôi sẽ làm những gì chúng ta có thể thông qua các cuộc không kích để giúp đẩy lùi IS”, ông Hagel nói. “Trên thực tế chiến dịch đã đạt được một số thành công”.
Ông Hagel cũng cho biết Mỹ đã đạt được “những tiến bộ đáng kể” trong các cuộc đối thoại với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này huấn luyện cho những chiến binh nổi dậy ôn hòa người Syria và cung cấp cho họ vũ khí để chiến đấu chống lại lực lượng IS.
Dự kiến sẽ có thêm những cuộc đàm phán giữa giới chức quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần tới nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Khó lập vùng cấm bay
Dù vậy theo nhận định của các chuyên gia, Mỹ sẽ khó lòng thỏa mãn được các điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra để họ đưa quân sang nước Syria láng giềng, sau khi Mỹ tự bó buộc mình với cam kết sẽ không đưa quân tấn công IS trên bộ.
Chỉ các cuộc không kích không sẽ khó lòng ngăn chặn các tay súng Hồi giáo cực đoan thực hiện một vụ thảm sát tại Kobane. Nhưng đến nay, Mỹ vẫn chưa thay đổi cách thức tiến hành chiến dịch chống khủng bố tại Iraq và Syria.
Hiện nhu cầu tạo ra một vùng đệm an toàn bên phía Syria của đường biên giới chung giữa nước này và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bức thiết, sau khi Mỹ và đồng minh cam kết với Ankara rằng sẽ giữ cho Kobane không thất thủ. Một vùng an toàn như vậy cũng đồng nghĩa với việc Mỹ và đồng minh phải bảo vệ lãnh thổ trên bộ và tuần tra trên không, có nghĩa là họ phải thiết lập được một vùng cấm bay.
Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu điều này vì nhiều lí do khác nhau. Một trong những lý do đó là giúp giảm bớt dòng người tị nạn chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời nó cũng giúp phe đối lập tại Syria có nơi trú ẩn để thực hiện một cuộc tấn công lật đổ chính quyền Tổng thống Assad, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn xảy ra.
Tuy nhiên, Mỹ lại lo ngại về những hệ quả kéo theo của việc lập vùng cấm bay này, và chỉ muốn tập trung mọi nỗ lực vào việc đánh bại phân tử IS. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết: “Khi bàn đến cái gọi là vùng đệm, vùng cấm bay, đã có nhiều đề xuất về việc này. Tại thời điểm này, chúng tôi sẽ không cân nhắc triển khai lựa chọn đó”.
Theo ước tính của tướng Martin Dempsey, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, việc lập một hành lang an toàn như vậy tại Syria sẽ đồng nghĩa với việc hàng trăm máy bay Mỹ phải được triển khai, và tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD/tháng để duy trì.
Khi mà chưa có gì để đảm bảo vùng cấm bay sẽ thay đổi cục diện chiến trường theo hướng chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria, rõ ràng Mỹ không muốn tiêu tốn thêm chừng đó tiền.
Lầu Năm Góc đã học được một bài học đắt giá tại Iraq, khi họ lập vùng cấm bay tại miền Bắc Iraq để bảo vệ người Kurd, và một vùng cấm bay khác tại miền Nam Iraq để bảo vệ người Shiite trong năm 1991, sau cuộc Chiến tranh vùng Vịnh. Vùng cấm bay đó đã được không quân và hải quân Mỹ duy trì suốt 12 năm, đến tận năm 2003 khi họ tiến đánh Iraq.
Việc thiết lập một vùng cấm bay như vậy tại Syria sẽ tạo ra sự đối đầu trực tiếp với một trong những quốc gia Trung Đông có hệ thống phòng không đáng gờm nhất khu vực. Hệ thống đó còn được củng cố nhiều lần những năm qua với hàng loạt khí tài hàng đầu của Nga. Năm ngoái, Mátxcơva từng khiến Washington nổi đóa khi xác nhận có thể bán tên lửa phòng không S-300 cho Syria, một hệ thống hàng đầu trong công nghệ đánh chặn máy bay.
Ngoài ra, thách thức với chính quyền Obama về mặt chính trị cũng lớn không kém. Bởi một khi lập vùng cấm bay tại Syria, nguy cơ phi công Mỹ bị bắn hạ là không thể không tính đến. Điều đó cũng có nghĩa là một trung tâm giải cứu phải được lập nên gần đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Iraq. Và để giải cứu, quân đội Mỹ sẽ phải điều quân trên bộ, một điều ông Obama đã nhiều lần bác bỏ.
Rõ ràng, với những khó khăn trên, việc lập vùng cấm bay tại Syria với Mỹ lúc này khó khả thi. Và cũng do vậy, Washington sẽ không dễ để đạt được những tiến bộ bước ngoặt trong việc vận động Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến trên bộ trong cuộc chiến chống IS.
Thanh Tùng
Tổng hợp