1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lầu Năm Góc cảnh báo về lực lượng đặc biệt của Triều Tiên

Theo báo cáo mới của Lầu Năm Góc, Triều Tiên “đang quyết phát triển tên lửa tầm xa trang bị hạt nhân có khả năng đe dọa trực tiếp tới Mỹ”.

Báo cáo trên được công bố hôm 12-2 theo yêu cầu cập nhật thường xuyên của Quốc hội về tình trạng và những thay đổi về năng lực quân sự của Triều Tiên.

Theo CNN, báo cáo này được viết trước đợt thử hạt nhân và phóng vệ tinh gần đây của Bình Nhưỡng. Nội dung của báo cáo cho thấy Bình Nhưỡng đã dồn một khoản tiền lớn để hiện đại hóa quân đội và các kho vũ khí.


Cảnh tượng đón năm mới ở Triều Tiên. Ảnh: AP

Cảnh tượng đón năm mới ở Triều Tiên. Ảnh: AP

Cũng theo báo cáo, Triều Tiên còn xây dựng các Lực lượng Tác chiến Đặc biệt. Lực lượng này được huấn luyện và trang bị ở mức cao nhất, đồng thời cũng được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt nhất.

Bản báo cáo còn nhấn mạnh rằng các đơn bị Tác chiến Đặc biệt quan trọng của Triều Tiên có nhiệm vụ thực hiện chiến dịch phản công nhanh, trong đó có trường hợp tấn công chống lại nước ngoài. Các đơn vị này bao gồm cả lực lượng trinh sát, tác chiến trên không, trên biển, trên bộ và các địa hình khác.

Trong một diễn biến khác, ngày 12-2, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên với tỷ lệ phiếu 408-2. Dự luật sẽ có hiệu lực sau khi có chữ ký của Tổng thống Barack Obama. Các lệnh trừng phạt không chỉ nhắm vào Triều Tiên mà cả các đối tượng làm ăn với nước này, trong đó Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất và cũng là đối tác thương mại chính của Triều Tiên.

Dự luật trên quy định Mỹ sẽ trừng phạt tất cả các cá nhân tham gia hay có liên quan tới hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, cung cấp cho nước này các nhiên liệu liên quan tới vũ khí.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho biết tuần tới nước này và Mỹ sẽ bắt đầu thảo luận chi tiết việc triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề như địa điểm lắp đặt, chia sẻ chi phí, bảo vệ môi trường và thời gian lắp đặt.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tất cả các đường dây nóng liên lạc giữa Seoul và Bình Nhưỡng đã bị cắt đứt hoàn toàn sau khi khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong ngừng hoạt động hôm 11-2. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Moon Sang-gyun, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố Seoul đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Triều Tiên tái triển khai lực lượng vũ trang tới Kaesong dù chưa có biểu hiện nào từ phía Bình Nhưỡng cho thấy khả năng này.

Theo Đỗ Quyên

Người Lao động