1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Lập bàn đạp quân sự trên Biển Đông

Trung Quốc lại hung hăng tiến thêm một bước trong toan tính thực hiện quân sự hóa trên Biển Đông khi điều thêm máy bay chiến đấu hiện đại nhất của nước này tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị họ chiếm đóng trái phép.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh về 2 máy bay chiến đấu J-11 vừa được Trung Quốc điều tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Hình ảnh chụp từ vệ tinh về 2 máy bay chiến đấu J-11 vừa được Trung Quốc điều tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Hãng tin FoxNews của Mỹ ngày 12-4 dẫn các ảnh vệ tinh từ nguồn tin độc quyền cho biết, Trung Quốc lại mới ngang nhiên triển khai thêm máy bay chiến đấu và củng cố hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo ảnh vệ tinh của Công ty ImageSat International (ISI) chụp ngày 7-4 và được giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận ngày 12-4, Trung Quốc đã triển khai 2 máy bay chiến đấu Thẩm Dương (Shenyang) J-11 đến đảo Phú Lâm.

Thẩm Dương J-11, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Trung Quốc, được Lầu Năm Góc định danh là “Flanker” bắt đầu được trang bị cho lực lượng không quân Trung Quốc từ năm 1998. Đây là phiên bản cải tiến, hiện đại hóa từ nguyên mẫu Sukhoi Su-27 của Nga, với khả năng tác chiến có thể so sánh với F-15 của không quân hoặc F/A-18 Hornet của hải quân Mỹ.

Trong khi đó, những bức ảnh vệ tinh mới cũng cho thấy, Trung Quốc còn lắp đặt trên đảo Phú Lâm một hệ thống radar kiểm soát hỏa lực mới để hệ thống phòng không HQ-9 có thể đi vào hoạt động. Giới chức quân sự Mỹ lo ngại, hệ thống radar mới này sẽ cho phép Trung Quốc theo dõi hoạt động của các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay trinh sát của Mỹ cũng như của các quốc gia khác ở khu vực này.

Hình ảnh vệ tinh do ISI cung cấp cho thấy khá rõ 4 trong số 8 hệ thống tên lửa phòng không mà Trung Quốc triển khai ở phía Đông đảo Phú Lâm đã ở trong tư thế trực chiến, sẵn sàng khai hỏa. Hệ thống phòng không HQ-9 này được xem là “bản nhái” của hệ thống tên lửa S-300 của Nga, với tầm bắn khoảng hơn 200km và có thể đe dọa đối với nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại khác.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia khu vực, hết sức quan tâm tới động thái trên của Trung Quốc với sự lo ngại sâu sắc bởi hệ thống radar mới cho phép quân đội Trung Quốc theo dõi, giám sát mọi máy bay hoạt động trên Biển Đông. Hệ thống radar này cùng với máy bay tiêm kích J-11 và tên lửa phòng không HQ-9 là công cụ lợi hại để Trung Quốc kiểm soát, khống chế bầu trời rộng lớn ở khu vực Biển Đông.

Theo giới phân tích quân sự, Trung Quốc đã lộ rõ toan tính biến các hòn đảo mà họ chiếm đóng trái phép bằng vũ lực tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thành những căn cứ quân sự, làm bàn đạp để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ trước mắt và lâu dài.

Trước mắt, những sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và sân bay trên đảo nhân tạo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa kết hợp cùng các máy bay chiến đấu và tên lửa triển khai tại đây sẽ là những vũ khí răn đe để Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Khống chế không phận Biển Đông bằng ADIZ sẽ là bước đầu tiên để Trung Quốc tiến tới khống chế toàn bộ vùng biển chiến lược này, hòng hiện thực hóa tham vọng độc chiếm 80% diện tích Biển Đông mà Bắc Kinh đã công khai trong yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn.

Bàn đạp quân sự mà Trung Quốc đang ráo riết thiết lập ở Biển Đông vì thế là mối đe dọa nghiêm trọng với hòa bình, ổn định và an ninh khu vực và thế giới.

Theo Hoàng Hà

An ninh thủ đô