1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lãnh đạo Mỹ - Triều muốn gì trên bàn đàm phán?

(Dân trí) - Khi cả chính quyền Mỹ và Triều Tiên đều đang chạy đua để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào ngày 12/6 tới tại Singapore, một câu hỏi quan trọng “phủ bóng” mọi nỗ lực ngoại giao từ hai phía là: Bình Nhưỡng muốn nhận được gì để cam kết phi hạt nhân hóa và Washington sẵn sàng cho đi những gì?

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng có hai chuyến đi tới Triều Tiên gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng có hai chuyến đi tới Triều Tiên gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Theo Washington Post, câu hỏi trên đã đặt ra thách thức không nhỏ cho các quan chức Mỹ và Triều Tiên - những người đang tất bật chuẩn bị cho cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chưa đầy 2 tuần tới tại Singapore.

Tổng thống Trump từng tự hào tuyên bố rằng Triều Tiên đã có những động thái nhượng bộ đáng kể, bao gồm việc thả 3 công dân Mỹ bị Bình Nhưỡng bắt giữ, mà không đòi hỏi nhận lại bất kỳ điều gì từ Washington. Trong khi đó, giới phân tích nhận định việc ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Trump đã trao cho ông Kim Jong-un cơ hội nâng cao vị thế toàn cầu của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Mặc dù ông Trump nói Triều Tiên không cần nhận lại điều gì từ Mỹ, song các chuyên gia chỉ ra rằng động lực khiến Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân mà nước này dày công theo đuổi suốt nhiều năm qua là cam kết của chính quyền Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho chính quyền Kim Jong-un, bên cạnh sự hỗ trợ về kinh tế và chính trị.

Phát biểu trước các phóng viên hồi tuần trước, Tổng thống Trump cam kết sẽ “bảo đảm” sự an toàn cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo một thỏa thuận hạt nhân giữa hai nước.

“Đất nước của ông ấy (Kim Jong-un) sẽ giàu có, đất nước của ông ấy sẽ năng động và rất thịnh vượng”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Pompeo tiếp Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại New York ngày 31/5 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)
Ngoại trưởng Pompeo tiếp Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại New York ngày 31/5 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Phát biểu sau hai ngày hội đàm với một quan chức cấp cao Triều Tiên là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại New York, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 31/5 cho biết Mỹ và Triều Tiên đã đạt được "tiến triển thực sự" để tiến tới hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Ông Pompeo nói rằng hội nghị này là “cơ hội duy nhất” để chấm dứt mối đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Theo các cựu quan chức Mỹ, mục tiêu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là đạt được điều mà ông nội và cha của ông, hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, chưa làm được. Đó là: phá bỏ “chính sách thù địch” của Mỹ, vốn tồn tại từ sau cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953).

Mục tiêu này cho đến nay vẫn rất mơ hồ, bất chấp những nỗ lực trong suốt 1/4 thế kỷ qua của Mỹ nhằm đạt được các thỏa thuận lâu dài trong việc đóng băng hoặc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Mọi sáng kiến trong vấn đề Triều Tiên, dù được các cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama ủng hộ, đều đổ vỡ khi giới chức Mỹ cáo buộc Bình Nhưỡng “tiền hậu bất nhất” và liên tục thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Có thể kể tới một vài nỗ lực của chính quyền Mỹ như thỏa thuận năm 1993 nhằm lôi kéo Triều Tiên tham gia Hiệp ước Chống Phổ biến vũ khí hạt nhân, thỏa thuận năm 2000 nhằm đóng băng chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt, các cuộc đàm phán 6 bên dở dang kết thúc năm 2009, hay thỏa thuận “Ngày Nhuận” năm 2012 nhằm đình chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa của chính quyền Kim Jong-un.

Đòn bẩy kinh tế

Tổng thống Trump từng hứa hẹn về tương lai giàu có cho Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump từng hứa hẹn về tương lai giàu có cho Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu mừng năm mới 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đã hoàn tất chương trình hạt nhân và sẽ chuyển hướng tập trung sang phát triển kinh tế. Giới phân tích chính sách đối ngoại “giải mã”, đây là dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un đã có trong tay đòn bẩy mới để có thể giành được sự nhượng bộ từ các cường quốc.

“Tham vọng lớn nhất của Triều Tiên là được tôn trọng thông qua tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chấm dứt mọi thủ thuật gây sức ép về chính trị và kinh tế hòng thay đổi đất nước họ, đồng thời chấp nhận họ tham gia vào các hệ thống toàn cầu”, Frank Jannuzi, Chủ tịch Quỹ Maureen và Mike Mansfield, người từng có 3 chuyến đi tới Triều Tiên khi còn là trợ lý đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhận định.

Theo các chuyên gia, việc cộng đồng quốc tế gây sức ép về kinh tế với Triều Tiên dựa trên chiến lược “gây sức ép tối đa” do Tổng thống Trump đề xuất có thể sẽ không hiệu quả khi Bình Nhưỡng tìm đến Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong khi đó, các trợ lý của ông Kim Jong-un từng nổi đóa khi Phó Tổng thống Mike Pence và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton tuyên bố Triều Tiên không nên trông chờ các lợi ích về kinh tế chừng nào nước này chưa từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Bảo đảm an ninh

Máy bay chiến đấu Mỹ tham gia cuộc tập trận Thần Sấm với Hàn Quốc hồi tháng 5 (Ảnh: AP)
Máy bay chiến đấu Mỹ tham gia cuộc tập trận "Thần Sấm" với Hàn Quốc hồi tháng 5 (Ảnh: AP)

Các chuyên gia cho rằng hội nghị thượng đỉnh sắp tới có thể mở đường cho nỗ lực nhằm ký kết hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao dưới hình thức mở các văn phòng liên lạc tại thủ đô của các nước. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể yêu cầu Mỹ đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ cho khủng bố. Tuy vậy đây cũng chỉ là động thái mang tính biểu tượng vì Mỹ sẽ không dỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên chừng nào chưa nhận thấy những bước đi cụ thể của Bình Nhưỡng trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Các cựu quan chức Mỹ lo ngại rằng Triều Tiên có thể quay lưng với những biện pháp xây dựng lòng tin như cách nước này từng làm trong quá khứ. Christopher Hill, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, cho biết chính quyền Bush từng nhất trí với ý tưởng mở văn phòng liên lạc tại Triều Tiên. Nhưng khi ông Hill đưa ra đề xuất này, phía Triều Tiên đã bác bỏ.

“Vấn đề ở đây là Triều Tin nói họ muốn điều gì đó, và cho đến khi họ có được điều đó, họ lại không quan tâm nữa”, ông Hill nói.

Đối với Triều Tiên, việc đảm bảo an ninh cho chính quyền Kim Jong-un thậm chí còn quan trọng hơn so với các đề xuất hỗ trợ kinh tế. Mặc dù Triều Tiên từ lâu đã coi sự hiện diện của 28.000 binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc là mối đe dọa cho an ninh của Bình Nhưỡng, song giới chuyên gia cho rằng các nhà đàm phán Mỹ sẽ không bàn tới việc rút lực lượng này theo đề nghị của Triều Tiên. Thay vào đó, họ sẽ tập trung vào việc ký hiệp ước hòa bình.

Việc Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên có thể cũng nằm trong tính toán của Tổng thống Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ từng đề xuất ý tưởng rút quân khỏi các căn cứ tại các nước đồng minh, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, sau khi chỉ trích các nước này không chia sẻ gánh nặng chi phí.

Một mục tiêu khác mà Triều Tiên muốn đạt được trên bàn đàm phán là hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn. Theo giới phân tích, việc điều chỉnh quy mô của các cuộc tập trận thực chất cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng tới lực lượng quân sự Mỹ, trong khi lại làm vừa lòng Triều Tiên và trao cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un “phần thắng về chính trị” tại quê nhà.

Thành Đạt

Theo Washington Post