Lãnh đạo Hong Kong “xin lỗi chân thành” vì dự luật dẫn độ
(Dân trí) - Lãnh đạo Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm nay đã đưa ra “lời xin lỗi chân thành” liên quan tới những tranh cãi về dự luật dẫn độ, sau các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối dự luật tại đặc khu này những ngày qua.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tổ chức cuộc họp báo vào lúc 4 giờ chiều nay giờ địa phương, trong đó bà đưa ra lời xin lỗi chính thức về cách thức xử lý dự luật dẫn độ. Đây được xem là nỗ lực mới nhất của bà Lâm nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị khởi nguồn từ dự luật dẫn độ mà chính quyền của bà thúc đẩy.
“Trong các cuộc tuần hành quy mô lớn vào hai ngày Chủ nhật vừa qua, mọi người đã bày tỏ theo cách hòa bình và hợp lý về các lo ngại của họ liên quan tới dự luật dẫn độ, và sự phản đối cũng như bất bình của họ đối với chính quyền, đặc biệt là tôi. Tôi đã nghe thấy các bạn rất to và rất rõ”.
“Cá nhân tôi phải chịu trách nhiệm cao nhất. Điều này đã dẫn lời những tranh cãi và gây ra các lo lắng trong xã hội. Vì vậy, tôi gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới tất cả người dân Hong Kong”, bà Lâm phát biểu.
Bà Lâm cho hay, bà buồn vì một số người, trong đó có các cảnh sát và nhân viên truyền thông, đã bị thương trong các vụ xô xát.
Theo Thời báo Hoa nam Buổi sáng, đây là lần thứ 3 trong 4 ngày qua bà Lâm đã dịu lập trường kể từ khi bà tuyên bố ngừng dự luật dẫn độ hôm 14/6.
Bất chấp quyết định ngừng dự luật, khoảng 2 triệu người Hong Kong ngày 16/6 vẫn xuống đường biểu tình, yêu cầu chính quyền hủy hoàn toàn dự luật dẫn độ.
Trước đó, tối ngày 16/6, bà Lâm đã đưa ra lời xin lỗi thông qua một tuyên bố bằng văn bản của chính quyền, nhưng nhiều người nói rằng lời xin lỗi thiếu sự chân thành.
Trong cuộc họp báo hôm nay, bà Lâm không đưa ra ám chỉ nào về việc bà chuẩn bị từ chức, và thay vào đó nói rằng bà muốn “tiếp tục nỗ lực hành động… để đáp ứng các kỳ vọng của người dân Hong Kong”.
Dự luật dẫn độ gây tranh cãi, nếu được thông qua, sẽ cho phép việc dẫn độ các nghi phạm bị truy nã tới Trung Quốc đại lục, Macau và đảo Đài Loan, và 20 quốc gia mà Hong Kong đã ký các hiệp ước dẫn độ. Nếu được phê chuẩn, dự luật sẽ áp dụng đối với toàn bộ 7 triệu dân của Hong Kong, người nước ngoài và các công dân Trung Quốc sinh sống hoặc đi du lịch tại đây.
Ngay từ khi được đưa ra, dự luật đã gây tranh cãi dữ dội tại Hong Kong, với các ý kiến chỉ trích cho rằng nó làm suy yếu tính độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong, vốn tồn tại riêng biệt so với hệ thống tư pháp của Trung Quốc đại lục.
An Bình