1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Làn sóng di cư tới châu Âu - nhìn từ chiến lược 'bất ổn có kiểm soát'

Có thể nhận định rằng năm 2015 là “năm hạn” đối với các nước châu Âu do phải đương đầu với “cuộc khủng hoảng ba trong một”. Tình hình này đang đẩy các quốc gia ở “miền đất hứa” tới một tương lai bất ổn, rất khó đoán định.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân xuất phát từ chiến lược tạo “bất ổn có kiểm soát”

“Cuộc khủng hoảng ba trong một” đó là, (1) khủng hoảng nợ bùng phát từ năm 2008 đến nay chưa có dấu hiệu kết thúc, thậm chí ngày một tồi tệ hơn và được thể hiện rất rõ ràng ở Hy Lạp; (2) tình trạng khó khăn bộn bề dưới tác động của thảm họa địa-chính trị Ukraine từ cuối năm 2013 tới nay do chính bàn tay của họ gây nên; (3) làn sóng di cư bất hợp pháp và ồ ạt từ các nước Bắc Phi-Trung Đông.

Thế giới đang ở trong giai đoạn phát triển được nhìn nhận là bước ngoặt lịch sử, trong đó trật tự thế giới đơn cực hình thành sau khi Liên Xô tan rã với Mỹ đóng vai trò siêu cường duy nhất chỉ còn lại là một khoảnh khắc của lịch sử do Washington đã phạm nhiều sai lầm chiến lược, khiến sức mạnh toàn diện của Hoa Kỳ bị suy giảm đáng kể.

Để tiếp tục duy trì trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, các "mưu sỹ" ở Washington, đứng đầu là chuyên gia địa-chính trị kỳ cựu ZbigniewBrzezinski, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Jimmy Cater, tác giả của kịch bản “không đánh mà thắng” dẫn tới sự tan rã Liên Xô thời Chiến tranh lạnh, tư vấn cho các ông chủ Nhà Trắng tạo ra trạng thái “bất ổn có kiểm soát” trên phạm vi toàn cầu, không để cho các cường quốc mới nổi như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… có thể yên tâm hợp tác và làm ăn với nhau, chỉ còn lại nước Mỹ là “ốc đảo bình yên”.

Dựa trên cơ sở chiến lược tạo “bất ổn có kiểm soát”, sau khi lên cầm quyền từ tháng 1/2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama có sự điều chỉnh chiến lược quan trọng, theo đó thay vì sử dụng sức mạnh quân sự để thiết lập quyền lãnh đạo thế giới như người tiền nhiệm G.W.Bush là sử dụng “quyền lực thông minh” để tạo ra tình trạng “bất ổn có kiểm soát” theo phương thức “lãnh đạo từ phía sau” hay là “chiến tranh qua tay người khác”.

Sự điều chỉnh chiến lược này được thể hiện rất rõ trong bài phát biểu rất nổi tiếng của Tổng thống Barack Obama tại Đại học Cairo trong chuyến thăm tới Egypt tháng 5/2009, trong đó lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tuyên bố: “Hoa Kỳ và thế giới Hồi giáo là bạn và sẽ cùng nhau thực hiện một sự khởi đầu mới”.

“Sự khởi đầu mới” được thể hiện trong các biến động chính trị-xã hội bùng phát từ Tunisia cuối năm 2010, sau đó lan tỏa sang nhiều nước Bắc Phi-Trung Đông khác như Egypt, Libya, Syria, Mali… nhằm tạo ra tình trạng “bất ổn có kiểm soát” mà một trong những hậu quả tất yếu là tạo ra làn sóng di cư bất hợp pháp và ồ ạt từ Bắc Phi-Trung Đông sang châu Âu.

Đây là một nghịch lý cần có lời giải thỏa đáng bởi cách đây 5 năm, các nước ở khu vực Bắc Phi-Trung Đông được Mỹ và nhiều nước châu Âu ủng hộ để tiến hành cái gọi là “công cuộc cải cách hướng tới dân chủ” mang tên gọi rất mĩ miều là “Mùa xuân Arab”, với hàm ý sẽ mang lại hoa thơm trái ngọt, nhưng thực tế chỉ mang tới “hoa độc” và “trái đắng”.

Làn sóng di cư tới châu Âu - nhìn từ chiến lược 'bất ổn có kiểm soát' - 1

Làn sóng người di cư bất hợp pháp qua vùng Địa Trung Hải đang là vấn nạn lớn của châu Âu.  (Ảnh: debatingeurope)

Từ những quốc gia đang phát triển bình thường, thậm chí là rất thịnh vượng như Libya, Tunisia hay Syria và bước đầu hội nhập thành công vào một thế giới đang thay đổi, thì sau khi trải qua “Mùa xuân Arab” các nước Bắc Phi-Trung Đông đã lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa và an ninh, buộc hàng triệu người dân phải ngậm đắng nuốt cay mà rời bỏ quê hương xứ sử để tìm chốn nương thân, trước hết là tới châu Âu-nơi lâu nay được coi là “miền đất hứa”.

Nhưng chính những người di cư này không biết được rằng, những người dân ở “miền đất hứa” hiện cũng đang lâm vào cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát, chưa thể tự cứu lấy mình, thì làm sao cứu được họ.

Làn sóng di cư ồ ạt từ Bắc Phi-Trung Đông vào châu Âu  nhằm mục đích gì?

Làn sóng di cư ồ ạt và bất hợp pháp từ các nước Bắc Phi-Trung Đông sang các nước châu Âu nằm trong kịch bản chiến lược “gây bất ổn có kiểm soát” nhằm nhiều mục đích địa-chính trị.

Một là, gây bất ổn trong nội bộ các nước châu Âu nhằm phá hoại chủ trương của các nước trên châu lục này cùng với Nga xây dựng không gian kinh tế và nhân đạo thống nhất từ Brusell tới Vladivostock, nghĩa là trên toàn bộ lục địa Á-Âu, thông qua việc liên kết Liên minh kinh tế Á-Âu theo sáng kiến của Tổng thống Nga V.Putin với Liên minh châu Âu. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ chủ trương này của Tổng thống Nga V.Putin thì Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton đã công khai tuyên bố sẽ bằng mọi cách làm phá sản ý tưởng này.

Sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Franois Hollande cùng với Tổng thống Nga V.Putin ký Thỏa thuận Minsk-2 về ngừng bắn ở Ukraine trong tháng 2/2015, các bên ra Tuyên bố chung khẳng định sẽ phối hợp nỗ lực để xây dựng không gian kinh tế và nhân đạo thống nhất trên lục địa Á-Âu.

Đây là động thái khiến Mỹ lo ngại và họ bằng mọi cách tiếp tục gây bất ổn ở châu Âu. Vì thế, giới phân tích địa-chính trị nhận định, không phải ngẫu nhiên mà làn sóng di cư bất hợp pháp từ Bắc Phi-Trung Đông lại bùng phát mạnh mẽ vào thời điểm này mà là nằm trong chiến lược tiến hành cuộc chiến tranh địa-chính trị nhằm vào các nước châu Âu.

Hai là, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã từng tuyên bố về sáng kiến tuyển dụng các lực lượng Hồi giáo cực đoan, trong đó có không ít các phần tử thuộc tổ chức khủng hoảng mang tên “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (IS) trà trộn vào dòng người di cư từ Bắc Phi-Trung Đông để thành lập các đội quân đánh thuê. Những đội quân này sau khi được các cơ quan tình báo NATO huấn luyện bổ sung về chiến thuật sẽ được đưa tới khu vực Đông-Nam Ukraine để thực hiện cái gọi là "chiến dịch chống khủng bố”.

Ba là, làm suy yếu các nước châu Âu, buộc họ phải chấp nhận các quy tắc của Hiệp định đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương TTIP (TheTransatlantic Trade and Investment Partnership) mà Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu hiện đang đàm phán bí mật để ký kết.

Theo nhận xét của Richard N. Haass, nguyên Chủ tịch Hội đồng quan hệ quốc tế trong những năm 2001-2003, Trưởng Ban hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, do sự suy giảm sức mạnh của Mỹ, trật tự thế giới đơn cực do Washington lãnh đạo đang bộc lộ những dấu hiệu phá sản. Vấn đề còn lại lúc này chỉ là quá trình đó sẽ kết thúc nhanh hay chậm mà thôi.

Richard N. Haass cho rằng, nếu Washington không tìm ra sự lựa chọn sáng suốt hơn, mà chọn cách thức tạo ra sự “bất ổn có kiểm soát”, thì tình tình rối ren trên thế giới lúc này có thể sẽ dẫn tới một thảm họa trong tương lai.

Đại tá Lê Thế Mẫu

Theo Công an Nhân dân

Làn sóng di cư tới châu Âu - nhìn từ chiến lược 'bất ổn có kiểm soát' - 2