"Lằn ranh đỏ" và câu hỏi bỏ ngỏ sau 3,5 giờ lãnh đạo Mỹ - Trung hội đàm
(Dân trí) - Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc mà không có tuyên bố chung nào trong khi còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về căng thẳng song phương.
Không tuyên bố chung
Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung Quốc kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ hôm 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận hàng loạt vấn đề. Mặc dù hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc đã điện đàm hai lần vào hồi tháng 2 và tháng 9 năm nay, nhưng đây là cuộc họp trực tuyến đầu tiên giữa họ kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1.
Cuộc họp được đánh giá là "thẳng thắn, cởi mở", nhưng kết thúc mà không đạt được kết quả đột phá rõ ràng nào. Hai bên thậm chí không đưa ra một tuyên bố chung như thường thấy ở cuối mỗi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung nhiều thập niên qua. "Chúng tôi không kỳ vọng cuộc họp sẽ đạt được đột phá. Thực tế đúng như vậy", một quan chức cấp cao của Mỹ phát biểu sau cuộc họp.
"Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về mọi thứ một cách minh bạch, nhưng không công bố quyết định hay bước đi chính sách nào. Hai nhà lãnh đạo dường như đồng ý rằng mối quan hệ cần phải có hành lang bảo vệ và sự ổn định, nhưng họ không nhất trí về việc làm sao để đạt được điều đó", ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Trong cuộc họp, ông Biden đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc "kiểm soát các rủi ro chiến lược", đồng thời nhấn mạnh mong muốn của Washington về việc lập "hàng rào an toàn" để đảm bảo cạnh tranh giữa hai cường quốc không leo thang thành xung đột. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nói rằng, để chung sống hòa bình, hai bên cần thiết lập cơ chế "không xung đột, không đối đầu". Ông Tập ví von, Mỹ và Trung Quốc giống như hai con tàu, làm thế nào để chúng có thể cùng vượt qua sóng gió mà không mất phương hướng hay va chạm nhau.
"Lằn ranh đỏ" và câu hỏi còn bỏ ngỏ
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Washington và Bắc Kinh có thể lập ra những "hàng rào an toàn", những "cơ chế" như vậy.
"Họ sẽ xây dựng ở đâu, như thế nào? Lấy ví dụ vấn đề Đài Loan, Trung Quốc phản ứng rất gay gắt về vấn đề này vì họ cảm thấy Mỹ đang dùng Đài Loan làm lá bài để gây sức ép", Giáo sư Zhu Feng, Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh, bình luận.
Ông Biden nhấn mạnh, Washington vẫn giữ cam kết tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc", nhưng ông tuyên bố, Mỹ phản đối "bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng" ở eo biển Đài Loan.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin, sau cuộc họp, ông Tập Cận Bình cảnh báo, việc ủng hộ Đài Loan độc lập không khác nào "đùa với lửa". "Một số người ở Mỹ có ý định dùng Đài Loan để gây sức ép với Trung Quốc. Xu hướng này rất nguy hiểm và giống như đang đùa với lửa. Những người đùa với lửa thì sẽ bị bỏng", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẵn sàng thống nhất bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực. Bắc Kinh xem đó là "lằn ranh đỏ", yêu cầu các nước tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc".
Đài Loan chỉ là một trong nhiều vấn đề được đề cập đến trong cuộc họp cùng với vấn đề Biển Đông, biến đổi khí hậu, nguồn cung năng lượng và cho thấy những bất đồng khó hòa giải giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy vậy, cuộc họp được đánh giá là có ý nghĩa nhất định nhằm tránh những bất đồng leo thang thành xung đột.
"Cả hai dường như đều không muốn căng thẳng vượt kiểm soát, nhưng cũng không sẵn sàng hạ thấp lập trường của mình", Washington Post dẫn lời ông Ja Ian Chong, một chuyên gia về an ninh châu Á tại Đại học Quốc gia Singapore.