1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lại thêm một hành vi ngang ngược của Trung Quốc

Tiếp theo các hành động phi pháp tại Biển Đông như đưa nhiều giàn khoan, máy bay, tàu vũ trang xâm phạm vùng biển của Việt Nam...ngày 30/6, TQ lại có thêm hành động ngang ngược là mở rộng về phía Nam phạm vi khu vực cảnh báo bão 24 giờ, bao trùm toàn bộ vùng biển Biển Đông.


Theo Chủ nhiệm Trung tâm Dự báo Khí tượng Hải dương và Bão thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc Tiền Truyền Hải, “sự điều chỉnh này chủ yếu xem xét yếu tố Nam Hải (Biển Đông) là khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc, cũng là khu vực vận tải hàng hải cực kỳ nhộn nhịp, hoạt động tác nghiệp và thăm dò dầu mỏ trên biển, hoạt động tuần tra bảo vệ chủ quyền của ngành hải sự và hoạt động của hải quân ngày càng gia tăng, do đó cần phải tăng cường phòng ngừa thiên tai ở vùng biển của Trung Quốc". Không chỉ có vậy, ông này còn tuyên bố sai trái rằng việc mở rộng phạm vi khu vực cảnh báo bão vừa đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức, vừa để bảo vệ cái gọi là "chủ quyền biển" của Trung Quốc.

Trước đó, khu vực cảnh báo bão 24 giờ của nước này chỉ bao gồm khu vực phía Bắc Biển Đông.

Những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Ngày 30/6, phát biểu tại hội nghị các nhà lãnh đạo an ninh và kinh tế được tổ chức tại Đại học Quốc gia Australia, Bộ trưởng Truyền thông Australia Malcom Turnbull đã cảnh báo rằng các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian gần đây đang ảnh hưởng xấu tới hòa bình và an ninh khu vực. Bộ trưởng Turnbull cho rằng Bắc Kinh sẽ mất nhiều hơn nếu tiếp tục duy trì chính sách hiếu chiến của mình. Theo ông, chính sách sử dụng vũ lực đe dọa các quốc gia láng giềng của Trung Quốc sẽ phản tác dụng và đẩy Bắc Kinh vào thế bị cô lập.

Ông Turnbull nhìn nhận, lối hành xử kiểu “ức hiếp” gần đây của Bắc Kinh nhằm vào Việt Nam và Philippines “là vô ích” đối với nỗ lực xây dựng lòng tin an ninh khu vực. "Theo dõi cách thực thi chính sách của Trung Quốc, tôi cho rằng nó phản tác dụng; đó là cách phô diễn cơ bắp với một, nhiều hay tất cả các nước láng giềng ở những thời điểm khác nhau… Trung Quốc thực sự không có đồng minh tại khu vực và hệ quả là các nước láng giềng đang tiến gần quan hệ với Mỹ hơn bao giờ hết. Theo nhìn nhận của tôi, Trung Quốc với chính sách đối ngoại hiện thời đã thoát khỏi con đường mà họ theo đuổi suốt hơn một thập kỉ qua", ông Turnbull nói.

Phát biểu của Bộ trưởng Malcolm Turnbull, được coi là một trong những lời chỉ trích "mạnh mẽ” nhất từ Canberra về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông.

Trước đó, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tới thăm Canberra trong tháng 7 này. Ông Abott cũng khẳng định trước Quốc hội nước này rằng Australia và Nhật Bản cam kết hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Singapore: Cần chuẩn bị cho tình huống xấu ở Biển Đông

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Politico Magazine mới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng cần phải chuẩn bị cho tình huống xảy ra các cuộc đụng độ hoặc sự cố làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông như tàu va vào nhau, một chiếc tàu bị chìm, thủy thủ bị giết hoặc máy bay va chạm nhau. Ông cũng nhấn mạnh các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, nhưng sẽ mất một thời gian dài do hiện không bên nào có khả năng sẽ từ bỏ tuyên bố của mình.

Thủ tướng Singapore cũng nhấn mạnh tới việc cần phải có một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để các bên cùng tuân theo nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột và các tranh chấp trên biển nên được giải quyết tại tòa án quốc tế về luật biển.

Thủ tướng Lý Hiển Long nhận xét: Trung Quốc đang phát triển mạnh về kinh tế. Tuy nhiên, hiện trạng này có thể sẽ không kéo dài vì hai lý do: Trung Quốc chỉ muốn bảo vệ lợi ích của mình và khẳng định bản thân bằng sức mạnh chứ không phải thông qua sự chấp thuận của các quốc gia khác.

Trung Quốc thất bại trong việc thuyết phục Myanmar

Tờ The New York Times ngày 1/7 đưa tin, mặc dù Myanmar không phải một cường quốc, cũng không phải quốc gia có tiếng nói ngoại giao lớn, nên có vẻ kỳ lạ khi Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ của họ trong vấn đề Biển Đông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tiếp Tổng thống Myanmar Thein Sein tại Bắc Kinh cuối tuần qua đã không bỏ qua cơ hội để ve vãn ông, bởi vì Myanmar giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thất bại.

Chánh văn phòng Tổng thống Myanmar phụ trách vấn đề Trung Quốc và Biển Đông U Zaw Htay cho biết "Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vấn đề này". Nhưng Tổng thống Thein Sein đã từ chối đứng về phía Trung Quốc và thúc đẩy một cách tiếp cận phù hợp để xử lý vấn đề.

"Myanmar đứng về phía ASEAN trong vấn đề này", U Zaw Htay nói. Thời điểm ông Tập Cận Bình đưa ra đề xuất với Tổng thống Thein Sein không phù hợp, Myanmar tháng này sẽ tổ chức một cuộc họp giữa các nhà ngoại giao ASEAN với Trung Quốc, cuộc họp đầu tiên kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Bài báo của The New York Times bình luận: Myanmar đã và đang đóng vai trò một nhà lãnh đạo nghiêm túc của ASEAN và ít có mong muốn được xem như "đại lý cho lợi ích của Trung Quốc".

Đáng ngạc nhiên hơn, Trung Quốc không chỉ đang tiếp cận, ve vãn các nhà lãnh đạo Myanmar, mà còn mở rộng các hoạt động ngoại giao phi chính thức. Cụ thể là các luật sư Myanmar được mời đến Bắc Kinh vào tháng tới, cho dù chính các luật sư này đã thực hiện thành công chiến dịch phản đối các dự án khai thác khoáng sản và thủy điện lớn của Trung Quốc tại Myanmar hồi năm 2012.

Theo mạng Luật sư Myanmar, một nhóm các nhà luật sư đã được Hiệp hội Luật sư Trung Quốc tài trợ và mời sang Bắc Kinh. Luật sư  U Thei Than Oo, thành viên tổ chức này cho biết: "Đó là một chiến thuật mới của Trung Quốc".

Theo Nguyễn Chiến
Chính phủ