1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến ngầm trong Chiến tranh thế giới thứ hai:

Kỳ 4: Lưỡi dao nhọn trong lòng địch

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Cơ quan tình báo quân sự Đức Quốc xã (Abwehr) đã bị xâm nhập bởi hàng trăm điệp viên Xô-viết. Họ thu thập thông tin về địch và cung cấp thông tin giả về Hồng quân.

Các điệp viên này đã thành công trong việc biến chính cơ quan tình báo của Đức thành nguồn cung cấp tin giả lớn nhất cho Bộ Tổng tham mưu quân đội phát-xít một cách đầy hiệu quả.

Niềm phấn khởi mong manh

Tháng 2-1942, tại Berlin, Đô đốc Wilhelm Canaris, người đứng đầu Cơ quan tình báo quân sự Đức Quốc xã (Abwehr) đang tỏ ra rất thất vọng. Wilhelm Canaris bị Hitler chỉ trích vì không thu thập được thông tin chính xác về quy mô dự trữ của Liên Xô và vì đã để cho quân đội Đức Quốc xã bất ngờ trước cuộc phản công của Liên Xô mùa đông trước đó.
 
Lên làm sếp Abwehr từ năm 1933, Wilhelm Canaris là người chống cộng sản điên cuồng và ngay từ lúc đầu đã ủng hộ Hitler và Đảng Quốc xã. Nhưng đến năm 1938, Wilhelm Canaris cho rằng Hitler sẽ đưa nước Đức đến chỗ sụp đổ và bắt đầu âm mưu chống lại quốc trưởng.
 
Năm 1942, Wilhelm Canaris lập tuyến liên lạc bí mật với tình báo Anh, nhưng đã bị SS nghi ngờ và bị cách chức ngay trong tháng 2 năm đó. Wilhelm Canaris bị bắt sau âm mưu ám sát Hitler vào tháng 7-1944 và bị tống vào trại tập trung một tháng trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
 
Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô tiến vào thành phố Frankfurt của Đức, tháng 4-1945. (Ảnh:
Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô tiến vào thành phố Frankfurt của Đức, tháng 4-1945. (Ảnh: Corbisimages.com)
 
Wilhelm Canaris rất quan tâm đến cuộc chiến tình báo chống Liên Xô, nhưng Abwehr vẫn không thể cung cấp cho Bộ Tổng tham mưu quân đội phát-xít các thông tin chính xác về sức mạnh quốc phòng của Liên Xô trước khi Đức bắt đầu cuộc xâm lược. Họ cũng không thể cài điệp viên trong Bộ Tổng tham mưu Liên Xô.
 
NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô) vô cùng lão luyện trong việc phát hiện các gián điệp địch. Rất nhiều tù binh Liên Xô được Abwehr tuyển dụng làm gián điệp rồi thả qua chiến tuyến, nhưng phần lớn đã biến mất tăm trong nội địa Liên Xô. Một số ra tự thú, số khác thì bị NKVD bắt. Rất ít trong số điệp viên ấy quay trở về Đức và những báo cáo của họ cũng chẳng có mấy giá trị.
 
Tháng 12-1941, Wilhelm Canaris tỏ ra rất phấn khởi khi nhận được một báo cáo đột xuất: “Tại Mát-xcơ-va tồn tại tổ chức chống cộng ngầm mang tên Prestol (Ngai vàng), đang tìm cách tuyên truyền và nuôi dưỡng thái độ chống cộng trong dân chúng. Lãnh đạo là Boris Sadovsky, một thi sĩ bảo hoàng và vợ ông ta từng là ngự tiền phu nhân của Hoàng hậu Nga.
 
Một thành viên của tổ chức là Aleksandr Demianov, người đã liều vượt chiến tuyến để báo cho chúng ta về “Ngai vàng”. Khi bị hỏi cung, Demianov nói rằng đã liên hệ với tình báo Đức từ năm 1940". Sau khi câu chuyện được kiểm tra kỹ lưỡng, Demianov được đặt mật danh “Max” và gửi trở lại Liên Xô.
 
Nhiệm vụ của "Max" là tổ chức một nhóm chống Xô-viết hoạt động ngầm tại các thành phố lớn, điều phối các chiến dịch phá hoại và thiết lập mạng lưới thu thập tin tức về việc di chuyển của lực lượng Hồng quân. Quan trọng nhất là "Max" sử dụng quan hệ của mình trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Xô-viết và Bộ Đường sắt để phát hiện việc chuyển quân bằng đường sắt.
 
Đến cuối chiến tranh, trong một buổi hỏi cung, Richard Kauder, một sĩ quan Abwehr bị người Mỹ bắt được, nói rằng trong năm 1942 và 1943, "Max" đã cung cấp những tin tức rất giá trị và thường được chuyển thẳng lên Bộ Tổng tham mưu quân đội phát-xít. Thế nên người Đức tin rằng "Max" đã lọt được vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Xô-viết.
 
Richard Kauder còn nói rằng tổ chức “Ngai vàng” đã lập được nhiều nhóm ở Mátxcơva và Gorki, thường xuyên liên lạc trực tiếp với Abwehr ở Berlin bằng ba điện đài do người Đức cung cấp.

Cú lừa ngoạn mục

Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, tất cả những điều này đều do cơ quan phản gián Xô-viết đạo diễn. NKVD đã kỹ lưỡng tạo ra các nhân vật "chống Xô-viết" rồi đưa họ xâm nhập vào Abwehr. Sau đó, các điệp viên này sẽ cung cấp cho địch các thông tin giả. Nó được gọi là “Chiến dịch Tu viện”.
 
Demianov đúng là một cựu quý tộc nhưng đã trở thành nhân viên của NKVD từ năm 1929. Ông xâm nhập vào cơ quan tình báo Đức từ năm 1942 và thậm chí còn được lãnh đạo Abwehr tin tưởng cho đi huấn luyện đặc biệt. Sau này, Demianov được nhận Huân chương Sao Đỏ vì thành tích đặc biệt trong “Chiến dịch Tu viện”.
 
Trong khi đó, tình báo Đức tiếp tục tìm cách tuyển dụng điệp viên từ hàng ngũ tù binh Xô-viết. Từ mùa xuân 1942, điệp viên của Canaris đều đặn báo cáo cho ông ta về tiến triển mà các cựu Hồng quân này đạt được.
 
Tháng 10-1942, tại trung tâm huấn luyện tình báo của Cụm Abwehr 102 ở vùng Poltava (Ucraina) bị phát-xít Đức chiếm đóng, các cựu quân nhân Xô-viết đang nghe giảng về cách thu thập bí mật quân sự khi hoạt động sau phòng tuyến địch. Bỗng cửa mở, hiệu trưởng bước vào và nói: “Tôi biết nhiều người các anh tin rằng không thể sống sót trở về sau khi vào lãnh thổ Liên Xô và đây là một người như vậy. Người này là một anh hùng đã đích thân vượt qua chiến tuyến để chiến đấu chống Stalin”. Người mà viên hiệu trưởng đang nói đến là Piotr Pryadko.

“Anh đã vượt qua chiến tuyến được bao nhiêu lần?”, viên hiệu trưởng hỏi. “Ba lần. Tất cả đều là sự thật”, Piotr Pryadko đáp.

Điều mà không ai trong Abwehr ngờ là Piotr Pryadko, cựu sĩ quan chỉ huy thuộc Tập đoàn Không quân số 5 Xô-viết, đã xâm nhập vào tình báo quân đội Đức theo lệnh của NKVD. Mọi thông tin ông cung cấp cho địch thực ra đều là tin giả được soạn ở Mátxcơva. Vai trò của Piotr Pryadko trong Cụm Abwehr 102 là làm giả giấy tờ cho học viên. Ông luôn tạo ra các sai sót nho nhỏ để đảm bảo điệp viên sẽ bị bắt khi giấy tờ của người này bị kiểm tra đúng cách. Tin giả của ông cũng khiến nhiều sĩ quan tình báo cao cấp của Đức bị cách chức.
 
Piotr Pryadko đã gửi về các thông tin liên quan đến 101 điệp viên làm việc cho Đức và 24 thành viên của Abwehr. Tháng 12-1942, ông trở về với Hồng quân. Sau đó, ông được trao Huân chương Cờ Đỏ vì lòng dũng cảm.

(tiếp theo và hết)

Theo Đặng Lâm Vũ
Quân đội Nhân dân