1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kosovo tổ chức cuộc bầu cử lịch sử bất chấp chia rẽ

(Dân trí) - Kosovo hôm nay tiến hành cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên kể từ khi đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia gần 3 năm trước đây.

 
Kosovo tổ chức cuộc bầu cử lịch sử bất chấp chia rẽ - 1
Thủ tướng sắp phải ra đi Hashim Thaci dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận nhưng khó chiếm được thế đa số ngay.

Tuy nhiên cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh người dân tộc Albania chiếm đa số và người Serbia thiểu số vẫn còn chia rẽ, hơn một thập niên sau cuộc xung đột do NATO đứng đầu phá vỡ sự kiểm soát của Belgrade.

 

Serbia không công nhận sự độc lập của Kosovo và hầu hết người Serbia dự kiến tẩy chay cuộc bầu cử.

 

EU cho rằng cuộc bầu cử đóng vai trò quan trọng cho việc mở ra hi vọng cho Kosovo.

 

Trong suốt chiến dịch tranh cử, tham nhũng có hệ thống và tình trạng khánh kiệt của nền kinh tế Kosovo liên tục đứng đầu danh sách lo ngại của cử tri.

 

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Đảng Dân chủ Kosovo (PDK) của Thủ tướng sắp ra đi Hashim Thaci dẫn đầu nhưng chắc chắn không thể giành đa số ngay.

 

Cựu đối tác trong liên minh của ông, Liên minh dân chủ Kosovo (LDK) đang đặt ra nhiều thách thức cho PDK.

 

Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào 19h ngày chủ nhật (giờ địa phương).

 

Lo ngại chia rẽ

 

Một cuộc bầu cử sớm đã được kêu gọi sau khi LDK rút khỏi chính phủ của ông Thaci vào tháng 10 vừa qua, do tranh cãi về lãnh đạo của LDK khi đó, Fatmir Sejdiu, người cũng là Tổng thống của Kosovo. Sau khi ông Sejdiu từ chức, ông bị thị trưởng Pristina, Isa Mustafa, “hất” khỏi chiếc ghế lãnh đạo LDK

 

Một đảng khác, Liên minh vì Tương lai Kosovo, đã bị suy yếu do lãnh đạo của họ, Ramush Haradinaj, một cựu phiến quân, đang bị Tòa án tội phạm chiến tranh Liên hợp quốc ở The Hague xử lại.

 

Bóng ma thách thức lớn nhất tại Kosovo hiện nay là tỉ lệ thất nghiệp tới 45%, tỉ lệ này trong giới trẻ thậm chí còn cao hơn, và Kosovo là một trong những nền kinh tế yếu kém nhất châu Âu.

 

Trong khi được hầu hết các nước phương Tây công nhận, Kosovo hiện vẫn chưa được là thành viên của Liên hợp quốc và người Albania chiếm đa số hiện đang phải chịu áp lực chứng tỏ rằng họ có khả năng xây dựng mối quan hệ hài hòa với người Serbia thiểu số.

 

Người Serbia hiện chỉ có khoảng 120.000 người trong tổng dân số 2 triệu của Kosovo. Hầu hết họ vẫn tiếp tục sống trong các vùng đất được lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu bảo vệ và nhiều người tập trung ở miền bắc, giữa thành phố bị chia cắt Mitrovica và biên giới Serbia.

 

Phan Anh

Theo BBC