1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kosovo - một năm nhìn lại

(Dân trí) - Một năm sau khi đơn phương tuyên bố độc lập, sự ổn định về chính trị của Kosovo vẫn bấp bênh do những căng thẳng và nguy cơ bùng phát bạo lực nghiêm trọng giữa người Serbs và người Albania vẫn tồn tại.

Kosovo - một năm nhìn lại - 1
Cờ độc lập của Kosovo và cờ của người Albania và tại thủ đô Pristina nhân dịp kỷ niệm 1 năm Kosovo tuyên bố độc lập
 
Một năm trôi qua kể từ khi tuyên bố độc lập vào ngày 27/2/2008, Kosovo giờ đã có quốc kỳ riêng và thậm chí cả cơ quan tình báo riêng. Nhưng bất kỳ ai muốn gọi điện thoại cố định tới Kosovo đều phải bấm số qua Serbia. Euro hiện là đồng tiền quốc gia của Kosovo nhưng điều này có vẻ kỳ quặc tại một đất nước mà giấc mơ trở thành thành viên của liên minh châu Âu còn rất xa vời.

Kosovo được hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ và hầu hết các nước thành viên của Liên minh châu Âu EU, công nhận độc lập nhưng cũng bị không ít quốc gia phản đối như Nga, Trung Quốc, Serbia. Chính vì thế sự ổn định chính trị của Kosovo rất bấp bênh.

Kosovo có 2 triệu người Albania và 120.000 người Serb. Họ sống cạnh nhau không hề dễ dàng dưới sự bảo vệ của hàng nghìn binh sĩ nước ngoài và khoản tiền viện trợ hàng triệu euro. Người Albania và người Serbs trẻ tuổi không nói ngôn ngữ của nhau.

“Vẫn có những căng thẳng và nguy cơ bùng phát bạo lực nghiêm trọng hơn vẫn tồn tại”, Peter Palmer, từ Viện nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) nhận định.

Người Serb và người Albania của Kosovo vẫn sống tách biệt nhau kể từ năm 1999, khi NATO đánh bom Serbia để buộc nước này phải rút quân ra khỏi Kosovo. Người Serbs đang sống tại Kosovo thề sẽ không bao giờ phục tùng chính quyền Pristina.

“Đối với tôi, Kosovo sẽ không bao giờ là một quốc gia, mà luôn là một phần của Serbia”, Miroslav Janicijevic, một người Serb từ thị trấn Mitrovica vốn bị chia rẽ sắc tộc nói. “Thậm chí khi trở thành một quốc gia độc lập, đó cũng không phải là quốc gia của tôi”.

Mitrovica đã chứng kiến các cuộc đụng độ tồi tệ nhất trong những năm gần đây giữa người Serb và người Albania. Thị trấn Mitrovica được chia thành hai phần bởi con sông Ibar: phía bắc thuộc quyền kiểm soát của người Serbia và phía nam do người Albania nắm giữ, nơi chính phủ Pristina không có quyền lực. Họ rất hiếm khi qua lại vùng đất của nhau.
 
“Tôi không cảm thấy an toàn khi sống giữa những người Serb”, Riza Dushi, một cán bộ về hưu người Albania tại khu vực đông người Serb sinh sống ở Mitrovica, nói. Nhiều chiếc ô tô tại khu vực phía bắc của Mitrovica không có biển số xe - một dấu hiệu chứng tỏ các mệnh lệnh của chính phủ không được thi hành tại đây.

Các biểu tượng quốc gia

Kosovo đã thiết lập nhiều thứ - nhưng không phải là tất cả - các biểu tượng của một quốc gia như hiến pháp, quân đội, quốc kỳ, quốc ca, hộ chiếu, thẻ chứng minh và cơ quan tình báo mới. Kosovo cũng mở 18 đại sứ quán, hầu hết tại các quốc gia phương Tây. “Sẽ tốt hơn nếu chúng ta được nhiều nước hơn nữa công nhận”, Pieter Feith, Trưởng phái bộ dân sự của Liên minh Châu Âu (EU) tại Kosovo, nói.

Chính quyền Pristina muốn gia nhập Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế trong năm nay, mặc dù Serbia và Nga ngăn cản Kosovo trở thành thành viên của tất cả các tổ chức quốc tế.

Các lãnh đạo của Kosovo vẫn chỉ trích gay gắt chính quyền Serbia. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci đã bày tỏ hi vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa 2 bên trong tương lai. Ông Thaci nói: “Vì quyền lợi của 2 bên, Kosovo muốn đặt sứ quán tại thủ đô Belgrade và Serbia cũng cần có một tòa sứ quán tại thủ đô Pristina.”

Lo ngại của cộng đồng quốc tế về ổn định tại Kosovo được phản ánh thông qua sự hiện diện của một ủy ban Liên Hợp Quốc, 15.000 quân NATO và một ủy ban tư pháp và hòa bình của EU.

“Việc duy trì sự hiện diện của nhiều tổ chức quốc tế tại đây rõ ràng là không hay và đầy rắc rối. Điều này cũng chứng tỏ sự thiếu nhất trí của cộng đồng quốc tế”, ông Peter Palmer nói.

An Bình
Theo Reuters, AFP