1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Koh-i-Noor, câu chuyện viên kim cương đẫm máu

Đó là viên kim cương nổi tiếng Koh-i-Noor được dâng cho Nữ hoàng Anh Victoria sau khi người Anh chinh phục vương quốc Punjab (thuộc Ấn Độ ngày nay) năm 1849.

Từ đó, nhiều người tự nhận là chủ hợp pháp của viên kim cương đã liên tục đòi lại, từ người Ấn Độ, người Iran, thậm chí cả lực lượng Taliban ở Afghanistan.

Hiện nay, viên kim cương lại trở thành đề tài nóng khi một luật sư Pakistan đòi Anh trả lại cho đất nước mình.

Luật sư Pakistan này đã bỏ ra nhiều năm phát động chiến dịch và viết thư kiến nghị cho rằng Koh-i-Noor bị cướp khỏi khu vực mà ngày nay là một phần của Pakistan sau khi Ấn Độ bị chia cắt năm 1947. Đơn kiến nghị kêu gọi chính phủ Anh và cả Nữ hoàng hiện nay phản hồi lại với Pakistan.

Nữ hoàng Elizabeth đội mũ miện có viên Koh-i-noor (trái) cùng con gái cả Elizabeth - Nữ hoàng hiện nay của nước Anh.
Nữ hoàng Elizabeth đội mũ miện có viên Koh-i-noor (trái) cùng con gái cả Elizabeth - Nữ hoàng hiện nay của nước Anh.

Câu chuyện về việc làm thế nào người Anh chiếm được viên Koh-i-Noor có nhiều khía cạnh và tình tiết nhưng đều đẫm máu và lòng tham. Hàng chục nghìn binh sĩ Anh và Sikh đã bỏ mạng trong những cuộc chiến ác liệt chỉ để quyết định số phận viên kim cương cách đây gần 200 năm.

Cuộc chiến đẫm máu

Khi Nữ hoàng Victoria trị vì chưa được 10 năm, Đế quốc Anh dưới vỏ bọc quân đội của công ty Đông Ấn chỉ còn vấp phải sự phản kháng cuối cùng từ một lực lượng lớn trên tiểu lục địa Ấn Độ: quân đội của người Sikh ở Punjab. Người Sikh có quân đội hùng mạnh với 45.000 bộ binh, 26.000 kỵ binh được tập huấn kỹ càng, trang bị vũ khí đầy đủ - có sức mạnh ngang với bất kỳ lực lượng quân đội nào của châu Âu.

Viên kim cương Koh-i-noor.
Viên kim cương Koh-i-noor.

Đội quân này do Ranjit Singh, Quốc vương Punjab, người sáng lập đế chế Ranjit và được nhắc đến với biệt danh “Sư tử Punjab”, thành lập và tổ chức. Năm 1845, khi người Anh hướng con mắt thèm thuồng vào lãnh thổ của ông thì ông đã qua đời, để lại cậu con trai 5 tuổi Duleep Singh là người kế vị và một khoảng trống chính trị nguy hiểm.

Nằm ở trung tâm cuộc chiến giành quyền lực ở Lahore (thủ phủ Punjab) là mẹ của Duleep Singh, bà Maharini Jindan. Bà Jindan đã vì con trai mà không tự thiêu theo Quốc vương tại lễ tang của ông giống như các bà vợ khác.

Bà Jindal bị người Anh coi là một phụ nữ 33 tuổi trụy lạc, một người nghiện thuốc phiện và triều đình của bà là hang ổ những thói hư tật xấu. Bà đã đảm nhiệm công việc cai quản Punjab, tự phong mình làm nhiếp chính, giải quyết công việc kinh doanh, khéo léo chọn một con đường khôn ngoan giữa nhiều phe phái thù địch ở Lahore.

Một phe phái chính là quân đội Sikh. Để giữ quân đội không tham gia chính trường, bà khuyến khích quân đội đối phó với người Anh. Lúc đó, quân đội Đế chế Anh gồm 54.000 người đang ở biên giới chỉ trực chờ một cái cớ để xâm lược Punjab.

Quân đội Anh đã vượt biên giới tháng 12/1845 dưới sự chỉ huy của Sir Hugh Gough – một người nổi tiếng táo bạo và cho rằng lưỡi lê là câu trả lời trong mọi tình huống thù địch. Ông bước vào cuộc chiến với áo khoác trắng dài, đội khăn hình nón. Một thuộc hạ của ông mô tả rằng ông dũng mãnh như sư tử nhưng hầu như không hiểu mấy về lẽ thường.

Trong trận chiến đầu tiên của cuộc chiến Anh-Sikh ngay trước Giáng sinh năm 1845, ông đã ra lệnh cho quân tiến thẳng tới trận địa pháo của quân đội Sikh và mất ngay 1.000 quân. Sự hiếu chiến của Hugh Gough và không sợ hi sinh mạng sống binh sĩ đã khiến các tướng lĩnh quân đội Sikh dè chừng. Họ ra lệnh cho binh sĩ nấp sau công sự đắp bằng đất và chủ yếu phòng vệ với hi vọng làm nhụt chí kẻ thù.

Tuy nhiên, họ đã không tính đến sự ngoan cố của Hugh Gough. Ông ta đã tổ chức hết cuộc tấn công này đến cuộc tấn công khác. Binh sĩ Anh thương vong ngày càng nhiều. Chỉ một trung đoàn đã mất tới 260 binh sĩ trong vòng 10 phút. Quân Anh dường như đang tiến tới một thất bại ê chề chưa từng nếm trải. Danh tiếng bất khả chiến bại với vô số thành công chính trị và quân sự ở Ấn Độ của người Anh bỗng chốc bị hoài nghi.

Tuy nhiên, ngày tiếp theo, sau một đêm ngủ bên ngoài trời đông lạnh cắt da cắt thịt, bốn tiểu đoàn đã xông thẳng vào họng súng của quân đội Sikh, cờ bay phần phật. Quân Sikh đã tháo chạy. Quân Anh tiến sâu hơn vào Punjab, chiến đấu như quỷ dữ. Cho dù đồng đội bị đại bác bắn bay đầu ngay cạnh, những người còn lại vẫn tiếp tục tiến lên và tấn công kẻ thù.

Dù bị bại trận ngày hôm đó nhưng người Sikh không đầu hàng. Hàng nghìn người giấu mình sau đá rồi bất ngờ lao vào kẻ thù để rồi bị tiêu diệt. Trong hàng loạt vụ đụng độ sau đó, quân Anh thiệt hại thêm 2.000 người, quân Sikh mất 10.000 người, tương đương 1/3 lực lượng. Cuối cùng, Hugh Gough đưa quân Anh tiến thẳng vào Lahore. Người dân Lahore tỏ ra kiên nhẫn và phục tùng.

Ông vua 5 tuổi cùng bà mẹ nhiếp chính được phép cai trị Lahore một thời gian nữa dưới sự cố vấn của người Anh. Trong khoảng thời gian từ hai đến ba năm, Punjab được bọc trong cái vỏ yên bình giả tạo như thế.

Cái kết của Punjab

Nhưng bên dưới vỏ bọc là sự nổi loạn do bà Maharini Jindal khuyến khích. Tại thời điểm đó, về mặt lý thuyết bà đã bị lưu đày nhưng vẫn có thể gây rắc rối cho người Anh. Những người bất đồng chính kiến và người khởi loạn còn sót lại trong quân đội Sikh bắt đầu tập hợp trong thành phố Multan, dưới sự lãnh đạo của Dewan Mulraj.

Hai trung úy Anh được cử tới để cảnh cáo, kết cục là họ đã bị chặt đầu, thủ cấp được đưa về Lahore. Một cuộc cách mạng toàn diện chống lại ách cai trị của người Anh đang hình thành. Đội quân hình thành ở Multan ngày càng thu hút nhiều người Punjab tham gia. Cộng đồng người Hồi giáo thiểu số ở đây được khuyến khích gia nhập đội quân chống người Anh.

Quân Anh không thể ngồi yên được nữa. Huân tước Dalhousie mới được phong làm Toàn quyền Ấn Độ đã tuyên bố: “Đất nước của người Sikh đã kêu gọi chiến tranh và họ sẽ có điều đó kèm theo sự trả thù”. Một cuộc viễn chinh rầm rộ để trừng phạt Multan bắt đầu.

Thành phố này bị bao vây. Đầu năm 1849, binh sĩ Anh và Ấn Độ đã chiếm thành phố. Phụ nữ và trẻ em bị giết hại, nhà cửa bị cướp phá, đền chùa bị phá hủy. Binh sĩ lột sạch nhẫn và dây chuyền từ người sống lẫn người chết.

Trong khi đó, lực lượng chính của người Anh tiến về Lahore một lần nữa dưới sự chỉ huy của Hugh Gough. Chiến thuật của ông vẫn không khác trước. Ông cho cả một trung đoàn lao thẳng vào nòng pháo, một nửa trong số họ ngã xuống. Số người còn sống lùi lại chừng 3 km.

Quân Anh dường như sắp bại trận nhưng may cho họ, thời tiết đã can thiệp. Mưa như trút suốt ba ngày khiến quân Sikh phải rút lui, người Anh có thời gian trị vết thương cho 2.300 binh sĩ. Trong khi chờ tiếp viện, Hugh Gough tiến về thành phố Gujrat – nơi tập trung của quân đội Sikh. Lần này, người Anh tiến cẩn trọng hơn và tấn công ồ ạt khiến người Sikh bỏ chạy. Cuộc chiến giành Punjab kết thúc.

Số phận viên kim cương

Lúc này, tại Lahore, Duleep Singh 10 tuổi đã ký từ bỏ ngai vàng Punjab. Sau đó, Punjab đã bị sáp nhập thành một tỉnh của British India (Ấn Độ thuộc Anh). Với người Sikh, một trong những cái giá của thất trận là phải trao viên kim cương Koh-i-noor 186 cara, đánh dấu việc vương quốc Punjab đã chấm dứt và là một phần của Đế chế Anh tại Ấn Độ.

Trong suốt quá trình tồn tại của mình, viên kim cương luôn là chiến lợi phẩm của các cuộc chinh phục và những gì diễn ra năm 1849 cũng không phải là ngoại lệ. Theo hiệp ước hòa bình, vua của Punjab phải dâng Koh-i-Noor cho Nữ hoàng Anh.

Koh-i-noor trên mũ miện của Nữ hoàng Mary.
Koh-i-noor trên mũ miện của Nữ hoàng Mary.

Có kích thước bằng một quả trứng gà nhỏ, viên kim cương Koh-i-Noor được phát hiện từ lớp bùn sông ở đông nam Ấn Độ, lần đầu tiên xuất hiện trong sử sách vào thế kỷ 13. Nó được lắp làm mắt trên hình vẽ của một nữ thần Hindu trong một ngôi đền.

Giá trị của nó từng được tính bằng “tổng chi tiêu của cả trái đất trong hai ngày rưỡi”. Nó từng bị nhiều lãnh chúa cướp trong nhiều thế kỷ qua trước khi rơi vào tay Quốc vương Nader của Ba Tư thế kỷ 18 sau khi chinh phục một phần Ấn Độ.

Koh-i-Noor nghĩa là “núi ánh sáng” trong tiếng Ba Tư và là những từ mà Quốc vương Ba Tư thốt ra khi lần đầu tiên nhìn thấy viên kim cương. Khi đế chế của Quốc vương Ba Tư sụp đổ, một tướng của ông đã đã lấy viên kim cương và đưa tới Afghanistan. Một trong số con cháu của người này đã bỏ trốn cùng viên kim cương tới Lahore và viên kim cương bị Ranjit Singh chiếm năm 1813. Koh-i-Noor nằm trong tay người Sikh 36 năm cho đến khi Duleep Singh buộc phải dâng cho người Anh.

Tháng 12/1849, viên kim cương được giao cho Toàn quyền Ấn Độ. Tháng 2/1850, nó được niêm phong bên trong một két sắt an toàn và được chuyển về Anh bằng tàu thủy. Con tàu gặp thời tiết giông bão mạnh khiến người ta sợ rằng tàu sắp chìm. Cuối cùng, Koh-i-Noor cũng tới nước Anh và được chuyển giao đầu tiên cho Chủ tịch công ty Đông Ấn. Ngày 3/7/1850, nó được đích thân Duleep Singh dâng cho Nữ hoàng Victoria, là một phần trong điều kiện kết thúc cuộc chiến Sikh. Người ta đã đưa Duleep Singh tới Anh chỉ để làm nhiệm vụ này.

Năm sau, viên kim cương được trưng bày trong một lều đỏ ở Đại Triển lãm tại công viên Hyde. Hàng chục nghìn người đã tới chiêm ngưỡng nó qua những song sắt bảo vệ. Ánh đèn xung quanh càng làm nó thêm lung linh.

Điều đáng chú ý nhất về viên kim cương là ngoài kích thước khổng lồ, viên kim cương tương đối xấu xí. Nó chưa từng được coi là viên kim cương đẹp nhất. Đó là lý do tại sao Hoàng thân Albert, chồng Nữ hoàng Victoria, sau đó đã cho đánh bóng lại và tạo hình lại viên kim cương. Chuyên gia kim cương người Hà Lan đã phát hiện ra vài tì vết của Koh-i-Noor và cắt bỏ.

Quá trình sửa sang làm cho Koh-i-Noor hoàn hảo và có hình oval dễ nhìn hơn nhưng cũng làm giảm kích thước của nó hơn 1/3. Từ trọng lượng 186 cara (37,2 gram) nay chỉ còn 105,6 cara (21,1 gram). Sau đó, viên kim cương đã được gắn vào mũ miện của Nữ hoàng Victoria và về sau ngự trị trên mũ miện của Nữ hoàng Mary và cuối cùng là mũ miện của mẹ của Nữ hoàng Elizabeth hiện nay.

Chiếc mũ miện cùng với toàn bộ đồ trang sức trên mũ miện được cất ở Tháp London. Hiện chưa biết đây có phải là nơi ở cuối cùng của Koh-i-Noor hay không, chỉ biết Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2013 đã nói rõ rằng Anh không có ý định từ bỏ quyền sở hữu viên kim cương.

Trước đó, chính phủ Ấn Độ cũng nhiều lần đòi Anh trả lại Koh-i-Noor, lần đầu tiên là ngay khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947. Lần thứ hai là vào năm 1953, năm đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II. Lần nào đề nghị cũng bị Anh bác bỏ, nói rằng quyền sở hữu là không thể bàn cãi.

Năm 1976, Pakistan cũng đòi quyền sở hữu viên kim cương. Trong bức thư gửi Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto, Thủ tướng Anh James Callaghan đã từ chối yêu cầu này. Năm 2000, một vài thành viên quốc hội Ấn Độ đã ký thư kêu gọi trả lại viên kim cương, cho rằng nó đã bị lấy bất hợp pháp. Thậm chí, người phát ngôn các vấn đề đối ngoại của Taliban ở Afghanistan cũng cho rằng Koh-i-Noor là tài sản hợp pháp của Afghanistan.

Theo Nhật Minh

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm