Kiểu lùng tài nguyên của Trung Quốc “thử” luật Liên hợp quốc
Khi Tổng thống Mỹ Harry Truman lao vào cuộc tìm kiếm dầu lửa năm 1945 với tuyên bố chủ quyền mọi tài nguyên ở thềm lục địa Mỹ, ông đã tạo ra một cuộc chạy đua hàng hải trên toàn cầu khiến LHQ phải thiết lập các quy tắc về khẳng định lãnh thổ.
Tranh chấp chủ quyền tăng cao ở Biển Đông. Ảnh: Getty Images
Bảy thập niên sau đó, Trung Quốc đang đưa ra yêu sách chủ quyền ngày một rộng lớn hơn khi tìm kiếm tài nguyên ở Biển Đông. Tháng trước, Philippines đã quyết định tìm kiếm sự phân xử của LHQ đối với cái gọi là bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc yêu sách chủ quyền với hầu khắp Biển Đông.
Một phán quyết bất lợi với Trung Quốc sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về kiểu truy lùng tài nguyên của nước này cho dù Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực ngoại giao, thậm chí là phô trương sức mạnh quân sự trong việc kiềm chế các quân đội nước ngoài tiếp cận Biển Đông. "Điều này có ảnh hưởng lớn, rằng Trung Quốc sẽ hành xử thế nào trong những năm tới khi giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng", Ralf Emmers, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nam Dương ở Singapore nói. “Đó là câu hỏi rất quan trọng nếu bạn ở Hà Nội, Manila và cả Tokyo".
Trung Quốc mới đây đã tuyên bố không cùng với Philippines ra tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trong trường hợp Trung Quốc không cử ai tham gia ủy ban trọng tài tại tòa án quốc tế về luật biển, Philippines có thể yêu cầu chủ tọa chọn lựa bốn trọng tài thay vì năm thành viên. Các phán quyết có hiệu lực ngay cả khi một bên không hợp tác.
"Philippines cam kết một hình thức hữu nghị, hoà bình và bền vững để giải quyết tranh chấp", bộ Ngoại giao nước này tuyên bố và nhấn mạnh rằng, uỷ ban trọng tài vẫn được thành lập dù có hay không sự tham gia của Trung Quốc.
Luật pháp quốc tế
Trong bảy trường hợp kiện tụng luật biển trước toà, các nước đều tuân thủ kết quả kể cả khi họ bất đồng với phán quyết, Paul S. Reichler, luật sư mà Philippines thuê trong vụ kiện cho biết. "Bạn sẽ phải thừa nhận rằng, ngay cả trong một bản án bất lợi, thì các lợi ích cốt lõi sẽ được đảm bảo tốt hơn bằng cách tuân thủ hơn là nằm ngoài vòng luật pháp quốc tế", Reichler nhấn mạnh.
Theo Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 - mà Trung Quốc cũng đã phê chuẩn năm 1996 - một nước có thể khai thác dầu khí và “những tài nguyên phi sinh vật khác” trên thềm lục địa của mình hoặc ở một khu vực kéo dài 200 hải lý từ đất liền gọi là vùng đặc quyền kinh tế.
Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ước tính rằng, Biển Đông có thể chứa lượng khí đốt chưa khai thác gấp năm lần trữ lượng đã được minh chứng của nước này. Trong năm 2010, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nhà tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới.
Quấy nhiễu
Trung Quốc đã nhiều lần quấy nhiễu các tàu thăm dò đến từ Việt Nam và Philippines, đồng thời đưa giàn khoan lớn nước sâu đầu tiên ra vùng biển. Tháng 6 trước, CNOOC đã mời các công ty dầu khí nước ngoài bỏ thầu ở các khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo Mark Valencia, nhà nghiên cứu Viện An ninh và Bền vững Nautilus tại Hawaii, vị trí các lô dầu khí mà CNOOC tuyên bố mời thầu cho thấy, Trung Quốc đang trông chờ vào lịch sử khi yêu sách chủ quyền hơn là tuân thủ quy định về vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Điều đó là chưa từng có trong tiền lệ, giống như kiểu tuyên bố chủ quyền của Truman. "Đó là một khái niệm hoàn toàn mới trong luật pháp quốc tế. Không khó hiểu là Trung Quốc có lẽ đang cố gắng tạo một tiền lệ để khẳng định chủ quyền của mình đối với các nguồn tài nguyên ở đáy Biển Đông", Mark nhấn mạnh.
Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền thềm lục địa thậm chí chi tiết hơn tại Hoa Đông, nơi họ có tranh chấp với Nhật Bản. Căng thẳng đã phá hỏng quan hệ thương mại giữa hai nước và khiến Mỹ - nước có hiệp ước phòng thủ với Nhật - thêm lo lắng.
Trung Quốc và Mỹ cũng từng lời qua tiếng lại năm 2009 sau khi các tàu Trung Quốc quấy nhiễm một tàu hải quân Mỹ ở ngoài khơi đảo Hải Nam. Trung Quốc nói tàu quân sự không được phép tiến vào khu vực mà không có sự chấp thuận còn Mỹ tuyên bố, các tàu được tự do ra vào bất cứ đâu ngoại trừ vùng lãnh hải cách bờ biển 12 hải lý.
"Đây là thời điểm có ý nghĩa quyết định hệ thống quốc tế mà chúng ta sẽ có", Henry Bensurto, người phụ trách các vấn đề hàng hải thuộc bộ Ngoại giao Philippines nói. "Ít nhất, chúng ta giờ đây có một cơ hội để Trung Quốc phải làm rõ cái gọi là đường 9 đoạn. Cả thế giới đã phải đồn đoán quá lâu".