1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kiếm báu của Triều Tiên và bài học đau đớn Iraq, Libya

Triều Tiên đã rút ra bài học từ các nước Iraq và Libya để tiếp tục bảo vệ vụ thử bom nhiệt hạch cũng như tham vọng hạt nhân của mình.

Triều Tiên viện dẫn Iraq, Libya

Những ngày qua việc Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công vũ khí hạt nhân (bom H) đã khiến nhiều nước trên thế giới đồng loạt lên tiếng phản đối, đe dọa và tìm những biện pháp để trừng phạt lại Bĩnh Nhưỡng.

Ngày 9/1 vừa qua, Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) đã phát đi một thông báo khẳng định rõ ràng lập trường của nước này từ bài học Iraq và Libya.

KCNA nhấn mạnh, số phận của các nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein và Muammar al-Gaddafi cho thấy điều gì đã xảy ra khi các nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình.

“Chính quyền Saddam Hussein ở Iraq và Gaddafi ở Libya đã không thể thoát khỏi số phận bị tiêu diệt sau khi từ bỏ việc phát triển hạt nhân tại nước này”, KCNA bình luận.

Kiếm báu của Triều Tiên và bài học đau đớn Iraq, Libya - 1

 Hình ảnh trên truyền hình Triều Tiên về vụ thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của nước này. (Ảnh: KCNA)

Lý giải cho điều này, hãng thông tấn Triều Tiên chỉ rõ rằng, cả hai nhà lãnh đạo Saddam Hussein và Gaddafi đều đã mắc sai lầm do không chịu nổi sức ép từ phương Tây mà đứng đầu là Mỹ - dẫn đến việc bị lật đổ.

Từ bài học xương máu ấy, KCNA khẳng định, việc đòi hỏi Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình cũng “viển vông như việc ước gì bầu trời đổ sập xuống”, và nước này tự hào về “việc sở hữu bom nhiệt hạch” của mình.

Vụ thử bom nhiệt hạch hôm 6/1 vừa qua được coi là vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên. KCNA khẳng định đây là “sự kiện vĩ đại” giúp Bình Nhưỡng sở hữu loại vũ khí đủ sức răn đe để bảo vệ nước này khỏi các thế lực thù địch, bao gồm Mỹ.

“Lịch sử đã chứng minh rằng, sức mạnh răn đe của vũ khí hạt nhân là thanh kiếm báu mạnh nhất khiến những kẻ ngoại xâm phải thất vọng”, KCNA chỉ rõ.

Lịch sử chứng minh Triều Tiên đúng?

Dù nhiều nước còn hết sức quan ngại, e dè với chiến lược hạt nhân của Triều Tiên nhưng nhìn lại lịch sử của Iraq hay Libya có thể thấy rằng tuyên bố trên của hãng thông tấn KNCA về việc phát triển hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia không phải là không có cơ sở.

Còn nhớ năm 2003, Libya quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân đã theo đuổi trước đó. Đổi lại nước này sẽ được Hoa Kỳ xem xét nối lại các quan hệ hợp tác trước đó, đồng thời nhận thêm những hỗ trợ về kinh tế cũng như đảm bảo an ninh từ các nước phương Tây.

Tuy nhiên sau quyết định này thì tình hình Libya vẫn hết sức rối ren và đến năm 2011 thì nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ trong 1 cuộc nổi dậy được Washington hậu thuẫn về mặt quân sự. Từ đó đến nay, Libya vẫn rơi vào khủng hoảng, bất ổn và không thể nào khắc phục được những mâu thuẫn.

Trước cái kết đáng buồn của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Bình Nhưỡng lúc đó đã khẳng định : “Hậu quả bi kịch ở những nước bỏ dở giữa chừng chương trình hạt nhân… đã chứng minh một cách rõ ràng rằng CHDCND Triều Tiên đã có tầm nhìn rất xa và đúng đắn khi lựa chọn giải pháp hạt nhân”.

Kiếm báu của Triều Tiên và bài học đau đớn Iraq, Libya - 2

Bài học từ Iraq và Libya khiến Triều Tiên kiên định với chương trình hạt nhân của mình.

Đối với tình hình Iraq cũng vậy. Cựu Tổng thống Saddam Hussein là người từng cầm quyền hơn 30 năm và có nhiều ảnh hưởng quan trọng tại quốc gia này.

Thời điểm năm 1995, vông Saddam Hussein chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý và được bầu làm Tổng thống Iraq với số phiếu áp đảo - hơn 99% trên tổng số. Trong năm 2002, kết quả trưng cầu dân ý cho thấy Saddam Hussein lại chiến thắng tuyệt đối với 100% số phiếu bầu.

Tuy nhiên vào ngày 20/3/2003, Mỹ tấn công Iraq sau một loạt các cuộc thanh tra của IAEA và Liên Hợp Quốc tiến hành trước lời buộc tội Iraq có chứa vũ khí hạt nhân.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau sự kiện 11/9, Cựu Tổng thống Mỹ Bush khi đó liệt Iraq dưới sự cầm quyền của Saddam Hussein vào "trục tam giác ma quỷ", cùng với Iran và CHDCND Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Baghdad đã phải bỏ trốn và bị truy nã hàng đầu ở Iraq. Không lâu sau, ông bị bắt giữ và bị hành quyết vào ngày 30/12/2006. Đến thời điểm bây giờ, Baghdad vẫn được coi là điểm nóng của những vụ bạo loạn và không có nhiều khởi sắc.

Bài học từ Iraq và Libya đã được Triều Tiên nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc. Tuy nhiên Bình Nhưỡng dường như còn bỏ quên Ukraine, một đất nước cũng rơi vào tình cảnh hoảng loạn dưới bàn tay của Mỹ và phương Tây.

Thực tế, sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, Ukraine đã nhận được khoản thừa kế khổng lồ là hàng trăm phương tiện phóng và hàng nghìn đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến thuật, khiến Kiev sau một đêm vụt biến thành cường quốc hạt nhân thế giới, sánh ngang với các cường quốc phương Tây như Đức, Anh, Pháp.

Thế nhưng vì những lời ngọt ngào của Mỹ về “Tự do, Dân chủ” kiểu phương Tây và lời hứa hẹn bảo đảm những đặc quyền đặc lợi từ Washington, đầu những năm 1990, Kiev đã phá hủy toàn bộ các phương tiện phóng vũ khí hạt nhân và trao trả nguyên liệu hạt nhân cho Nga.

Việc quyết định từ bỏ vũ khí hạt hạt nhân vào thời điểm đó đã khiến Kiev phải trả những giá quá đắt vào thời điểm hiện tại. Ukraine trở thành một trong những nước yếu tại châu Âu và thường xuyên phải nhận những khoản viện trợ từ các nước.

Không chỉ thế, ngay cả khi Nga sát nhập Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014, chính quyền Poroshenko cũng không thể làm gì nhiều ngoài việc lên án, kêu gọi sự ủng hộ từ Mỹ và phương Tây.

Và đến nay, nước này đang phải đối mặt với khó khăn thách thức, đó là tình trạng bất ổn tại miền Đông Ukraine, nền hòa bình dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng, kinh tế trở nên đen tối hơn bao giờ hết với những khoản nợ không có khả năng chi trả hay những cáo buộc về nạn tham nhũng kéo dài.

Do đó, việc Triều Tiên kiên định tiếp tục chương trình hạt nhân của mình là điều dễ hiểu.

Theo Hoàng Nguyên (Tổng hợp)

Đất Việt