Kịch bản tồi tệ cho "cuộc ly hôn" mang tên Brexit
Cuộc “ly hôn” mang tên Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) có thể kết thúc với một kịch bản tồi tệ nhất cho cả hai bên, đó là Anh và EU không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 2-7 tuyên bố, bà đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 29-6 rằng, Quốc hội Anh sẽ không phê chuẩn một thỏa thuận về vấn đề Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), trừ khi thỏa thuận này làm rõ về mối quan hệ của Anh với liên minh này trong tương lai. Tuyên bố đầy bi quan của nữ Thủ tướng Theresa May lập tức phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán rời khỏi EU của nước Anh vốn đã rất khó khăn.
Trước đó, dự luật rút khỏi EU của Chính phủ Anh đã được Nữ hoàng Elizabeth II phê chuẩn vào ngày 26-6 để chính thức ban hành thành luật. Đạo luật này nêu rõ Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào lúc 23 giờ ngày 29-3-2019 (tức 6 giờ ngày 30-3-2019 theo giờ Việt Nam) mà chính phủ nước này và EU thống nhất trước đó.
Để chuẩn bị cho ngày chính thức “đường ai nấy đi” vào cuối tháng 3 năm tới, EU cũng đã đặt ra thời hạn hoàn tất thỏa thuận “ly hôn” với nước Anh vào tháng 10-2018 để Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu (EP) có đủ thời gian thông qua thỏa thuận này trước thời điểm Anh chính thức rời ngôi nhà chung châu Âu sau nhiều thập kỷ chung sống. Tuy nhiên, cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU hiện vẫn “giậm chân tại chỗ” bởi còn những trở ngại chưa thể vượt qua dù đã được đặt lên bàn đàm phán từ nhiều tháng nay.
Trở ngại lớn nhất là cuộc đàm phán về vấn đề biên giới với Ireland vẫn không có tiến triển nào mới, kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh EU hồi cuối tháng 3 tới nay. Chính quyền Ireland cho tới nay vẫn kiên quyết với lập trường muốn Anh đảm bảo đường biên giới cứng sẽ không được tái thiết lập giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland thời hậu Brexit, đồng thời yêu cầu Anh viết cam kết đối với tương lai các quan hệ kinh tế giữa Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland sẽ vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May từ chối đưa ra những cam kết theo yêu cầu của Ireland với lý do không thể đưa ra hứa hẹn khi không biết chi tiết của tương lai quan hệ Anh-EU hậu Brexit sẽ như thế nào. Đáp lại, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar dọa dùng quyền phủ quyết nhằm đạt bằng được yêu cầu của Ireland.
Trong khi vẫn đang loay hoay chưa biết làm thế nào để có thể vượt được “chướng ngại vật” vấn đề biên giới Ireland, giữa Anh và EU còn nhiều bất đồng trong việc đàm phán về Brexit. Một trong những vấn đề còn có khác biệt lập trường lớn giữa hai bên liên quan tới khối thị trường chung. Thủ tướng Theresa May muốn rút nước Anh khỏi liên minh thuế quan và thị trường chung, chấm dứt việc tự do đi lại giữa EU và Anh sau khi nước này rời EU vào cuối tháng 3-2019. Tuy nhiên, các “ông lớn” có tiếng nói quan trọng trong EU lại không chấp nhận cho Anh ở khối thị trường chung nếu London không đồng ý cho công dân các nước tự do đi lại.
Anh và EU hiện còn khác biệt lập trường, quan điểm quá lớn trong đàm phán về Brexit. Điều này khiến nhiều chính trị gia và các nhà doanh nhân ủng hộ Brexit đã kêu gọi Thủ tướng Theresa May phải sẵn sàng rời khỏi EU mà không đạt được một thỏa thuận thương mại nào. Sự bế tắc trong đàm phán khi thời điểm Anh chính thức rời EU ngày càng tới gần đã khiến Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã phải cảnh báo, đàm phán Brexit có thể kết thúc bằng một kịch bản tồi tệ nhất, đó là Anh và EU không đạt được thỏa thuận nào. Kịch bản này nếu xảy ra, theo các chuyên gia, sẽ là một thảm họa đối với cả Anh và EU.
Theo Hoàng Tuấn
An ninh thủ đô