1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng Ukraina: Vì sao đàm phán thất bại?

Chiều tối 31/1, sau hơn bốn giờ thương lượng, cuộc đàm phán giữa đại diện các phe trong xung đột Ukraina tại Minsk, Belarus, đã không đi đến bất cứ thỏa hiệp nào. Đâu là nguyên nhân đằng sau sự thất bại này?

Xe tăng của phe ly khai ở Donetsk, miền đông Ukraina ngày 1/2/2015
Xe tăng của phe ly khai ở Donetsk, miền đông Ukraina ngày 1/2/2015

Ngày 1/2, đặc phái viên của chính quyền Kiev, cựu Tổng thống Leonid Koutchma, đã rời thủ đô Belarus. Phát biểu với báo chí, ông cho hay các đại diện của phe ly khai miền đông Ukraina đã “phá hoại cuộc đàm phán với việc từ chối thảo luận về một kế hoạch cụ thể nhằm thực thi thỏa thuận ngừng bắn một cách nhanh chóng và rút các vũ khí hạng nặng” ra khỏi vùng chiến tuyến. Trong khi đó, một lãnh đạo phe ly khai, ông Denis Pouchiline, đổ lỗi cho phía Ukraina đã đưa ra “các tối hậu thư”. “Tối hậu thư” cũng là lời lẽ mà đại diện của Kiev dùng để trách cứ phe ly khai trước đó.

Các thông tin do kênh truyền hình Nga Rossiya 24 công bố cho thấy đại diện các bên thương thuyết dường như không có thẩm quyền quyết định khi tham gia cuộc đàm phán lần này. Theo Reuters, cựu Tổng thống Kouchma - đặc phái viên của Kiev - đã chỉ trích việc hai lãnh đạo chủ chốt của phe ly khai (từng ký kết thỏa thuận 5/9) vắng mặt lần này.

Cuộc đàm phán thất bại ngày 31/1 là lần đàm phán thứ hai – kể từ thỏa thuận ngừng bắn 12 điểm ngày 5/9/2014 - giữa các đại diện của chính quyền Ukraina, của phe ly khai Ukraina và của nước Nga, dưới sự bảo trợ của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu OSCE.

Trên thực tế, thỏa thuận ngừng bắn mong manh - nhiều lần bị đe dọa do các đụng độ thỉnh thoảng lại nổ ra tại Donbass – đã tan vỡ cách nay hai tuần với xung đột bùng phát trở lại.

Theo các nhà quan sát, đàm phán lần này giữa chính quyền Kiev và phe ly khai thất bại là điều được báo trước vì tình hình chiến sự hiện đang nghiêng về phe ly khai. Việc ai thắng thế trên chiến trường sẽ có quyền áp đặt “tối hậu thư” cho bên kia.

Trước khi ngồi vào bàn đàm phán, phe ly khai đe dọa sẽ mở rộng chiến dịch phản công chiếm lại toàn bộ hai vùng Donestk và Lugansk, nếu thương lượng thất bại.

Hiện tại, các đụng độ nổ ra trên toàn đường chiến tuyến, theo Volodimir Poliovy, người phát ngôn quân sự Ukraina. Hiện tại, đụng độ giữa quân chính phủ và phe ly khai đặc biệt dữ dội xung quanh thị xã Debaltseve 25.000 dân một địa điểm chiến lược nằm giữa Donetsk và Lugansk, cách Donetsk khoảng 60 km về phía đông bắc. Khoảng một nghìn người đã sơ tán khỏi Debaltseve trong những ngày gần đây. Theo cảnh sát địa phương, thị xã này đã bị cúp điện, nước, khí đốt và thông tin liên lạc.

Theo phía ly khai, hiện 8.000 binh lính chính phủ Ukraina đang bị bao vậy tại Debaltseve. Tuy nhiên, đại diện quân đội Kiev khẳng định quân đội của họ hiện vẫn nắm quyền kiểm soát Debaltseve.

Giới phân tích dự báo, chiến sự sẽ còn tiếp tục và gia tăng mức độ quyết liệt ở Ukraina vì thật ra chìa khóa để giải quyết vấn đề là quan hệ giữa phương Tây và Nga chứ không phải giữa hai phe ở nước này. Kiev cần phương Tây hậu thuẫn về tài chính và quân sự, đồng thời ngăn chặn Nga hậu thuẫn phe chống đối thì mới có thể chiến thắng.

Chừng nào Nga còn ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraina thì chừng đó chính phủ Ukraina, dù được Mỹ, EU và NATO hậu thuẫn đến mấy, vẫn không thể đánh bại phe này.

Căng thẳng, đối đầu giữa Nga và phương Tây có chiều hướng tiếp tục tăng bởi phương Tây dường như không biết phải xử lý thế nào ngoài tiếp tục tăng cường trừng phạt với kỳ vọng Nga rồi đây sẽ khó khăn về kinh tế, tài chính, tiền tệ và nội bộ đến mức phải thay đổi chính sách đối với Ukraina.

Trong khi đó, vì những lợi ích địa chiến lược mới lâu dài mà Nga không thể đáp ứng những điều kiện của phương Tây. Hai bên sẽ còn găng nhau nữa trước khi đi vào thỏa hiệp. Cho tới khi đó, hai phe ở Ukraina sẽ còn tiếp tục và gia tăng giao tranh để tạo thế trong giải pháp. Nhưng tất cả sẽ không để tình hình diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes