1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Khủng hoảng Hy Lạp khiến EU ngày càng lục đục

Cực điểm của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đã bộc lộ những vết nứt ngày càng rộng trong khu vực đồng euro (eurozone) mà nếu không được giải quyết sớm, các chuyên gia cho rằng sẽ dẫn đến sự phá sản của liên minh tiền tệ châu Âu - dự án tham vọng nhất của Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đã bộc lộ những vết nứt ngày càng rộng trong khu vực đồng euro
Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đã bộc lộ những vết nứt ngày càng rộng trong khu vực đồng euro
 
Ý kiến của đông đảo người dân và chính giới ngày càng đối lập nhau, không chỉ giữa Hy Lạp và Đức, con nợ và chủ nợ lớn nhất, mà còn ở hầu hết các thành viên eurozone khác, CNN đưa tin hôm qua.
 
Người Đức, Phần Lan, Hà Lan, Slovakia và các nước Baltic không còn muốn tiền thuế của người dân bị dùng để cứu trợ Hy Lạp, trong khi người Pháp, Ý và Hy Lạp cảm thấy eurozone chỉ gây áp lực phải thắt lưng buộc bụng, trừng phạt, thiếu đoàn kết và thiếu động lực kinh tế.
 
Hà Lan và Phần Lan đối mặt các vấn đề trong nước ngày càng lớn, còn hai nước lãnh đạo eurozone là Đức và Pháp ngày càng bất đồng về Hy Lạp. Nhiều bên liên quan có quan điểm ngược chiều về cách thức quản lý khủng hoảng. Theo các nhà phân tích, một cuộc cải cách để thay đổi cấu trúc nhiều trục trặc của eurozone gồm 19 nước được cho là triển vọng xa vời.
 
Vài tuần sau các cuộc gặp khẩn cấp đến tận nửa đêm, với đỉnh cao là cuộc gặp thượng đỉnh căng thẳng suốt đêm, các lãnh đạo eurozone đưa ra một thỏa thuận mong manh để cứu Hy Lạp khỏi phá sản, bằng cách biến Hy Lạp gần như trở thành một nước bảo hộ dưới sự giám sát mang nặng tính can thiệp.
 
Rất ít người cho rằng biện pháp này sẽ hiệu quả. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói rằng, đó là một thỏa thuận tồi, sẽ khiến cuộc sống của người Hy Lạp cơ cực hơn, nhưng ông đành phải chấp nhận vì lựa chọn khác còn tồi hơn. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói rằng, Hy Lạp sẽ tốt hơn nếu rời khỏi eurozone tạm thời, để được xóa nợ.
 
Reuters dẫn lời một quan chức EU cấp cao tham gia quá trình đàm phán thỏa thuận nói rằng, sẽ chỉ có “20-30% cơ hội thành công”. “Khi tôi nhìn vào 2-3 năm tới, 2-3 tháng tới, tôi chỉ thấy những đám mây đen”, quan chức giấu tên nói. “Thành công của chúng tôi chỉ là tránh Hy Lạp ra đi trong hỗn loạn”.

Nhiều vấn đề có thể sẽ nổi lên vào cuối tháng 8 hoặc tháng 9, khi các lãnh đạo EU phải kết luận chi tiết chương trình cứu trợ 3 năm. Đến lúc đó, nền kinh tế Hy Lạp có thể trở nên tồi tệ hơn và nước này có khả năng phải tổ chức bầu cử sớm.

Cuộc khủng hoảng Hy Lạp cũng khiến quan điểm giữa các nước sử dụng và không sử dụng đồng euro thêm khác biệt. Anh và Czech đòi hỏi bảo đảm tiền thuế của người dân nước họ phải được đổi lấy việc sử dụng quỹ cứu trợ của EU trên quy mô lớn hơn.

Hy Lạp đang là tâm điểm chú ý nên các nhà lãnh đạo EU không quan tâm nhiều đến một báo cáo quan trọng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker về việc làm cách nào để giúp liên minh tiền tệ hoạt động tốt hơn.
 
Đây được coi là thách thức lớn nhất mà EU đang phải đối mặt, nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu liên minh này đã sẵn sàng chia sẻ chủ quyền tài chính hay trách nhiệm chung như đề xuất ông Juncker đưa ra.
Theo Trúc Quỳnh (tổng hợp)
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm