1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng Hy Lạp ảnh hưởng tới chiến lược của Nga, Trung?

(Dân trí) - Sau nhiều cuộc đàm phán và thương lượng giữa các bên, giới lãnh đạo châu Âu đã quyết định cứu trợ Hy Lạp để quốc gia này không rơi vào trường hợp vỡ nợ. Tuy nhiên, đây được xem là bước ngoặt tác động đến chiến lược của Nga và Trung Quốc trong thời gian tới.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tspiras tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý (Ảnh: 

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tspiras tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Sau khi cử tri Hy Lạp nói "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý, khả năng Athens rời Liên minh châu Âu đã trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, quá trình đàm phán về đề xuất cải cách mới mà Hy Lạp đưa ra đã "cứu" quốc gia này khỏi nguy cơ vỡ nợ và rời châu Âu. Theo thông báo mới nhất, Eurogroup đã đồng ý cho Hy Lạp vay khoản bắc cầu đầu tiên trị giá 7 tỷ euro để hệ thống ngân hàng nước này tiếp tục duy trì hoạt động. 

Không tính tới các vấn đề kinh tế, Hy Lạp vẫn là một quốc gia chiến lược tại châu Âu. Với vị trí địa lý nằm ngay cửa ngõ châu Âu, châu Á và châu Phi, cùng cảng biển lớn ở thành phố Piraeus, Hy Lạp được đánh giá là "cổng phía Nam" của châu Âu và là điểm bắt đầu của tuyến hải trình ở châu Âu mà Trung Quốc đã giới thiệu trong sáng kiến về "Con đường tơ lụa trên biển". 

Các công ty Trung Quốc đã có giấy phép hoạt động tại cảng Piraeus, tạo điều kiện để quá trình vận chuyển hàng hóa tới châu Âu suôn sẻ hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia, cảng Piraeus có thể sánh với các cảng biển ở Rotterdam và Hamburg, những cảng biển hoạt động nhộn nhịp nhất châu Âu. Theo sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển" của Trung Quốc, Hy Lạp có thể đóng vai trò đầu nối các hoạt động xuất khẩu của nước này tới Địa Trung Hải và các quốc gia ở Bắc Phi. 

Với Nga, sau những lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào nước này vì cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine và sự kiện Crimea, Mátxcơva đã tìm kiếm những phương án hợp tác khác trong châu Âu. Trong quá khứ, châu Âu là đối tác nhập khẩu khí đốt tự nhiên nhiều nhất của Nga, trong khi nhu cầu năng lượng của  Đông Âu phụ thuộc hơn 50% vào Nga. Thời gian qua, Na Uy đã thay thế Nga để trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên nhiều nhất ở Tây Âu. 

Bối cảnh hiện nay buộc Nga phải hướng sang những phương án mới, ví dụ như quá trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái về việc xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" qua nước này và Hy Lạp. 

Khả năng Nga cung cấp khí đốt tự nhiên tới châu Âu qua "cửa" Hy Lạp được đánh giá sẽ giúp Mátxcơva có thêm tiếng nói trong việc ấn định giá bán, trong khi Hy Lạp sẽ có vai trò chiến lược trong lĩnh vực này. 

Theo giới quan sát, những bước ngoặt và quyết định của Hy Lạp trong thời gian đàm phán để đi tới một thỏa thuận rõ ràng đã tác động tới các chiến lược toàn cầu của Trung Quốc và Nga. Nếu châu Âu không "cần" Athens nữa, hai quốc gia này luôn sẵn sàng. 

Ngọc Anh 
Theo WantChinaTimes