1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng Ai Cập: 5 câu hỏi lớn

Hai năm sau khi các cuộc biểu tình lớn đã đánh bật vị Tổng thống lâu năm Hosni Mubarak ra khỏi chiếc ghế quyền lực, nay Ai Cập lại trở lại đúng nơi bắt đầu với một kịch bản tương tự, vì sao như vậy?

Năm 2011, “Mùa Xuân Ả Rập” đã đi qua Ai Cập khi mà làn sóng xuống đường của người dân đã lật đổ được tổng thống Mubarak. Sau đó, Ai Cập đã có vị tổng thống dân cử là Mohamed Morsi. Tưởng rằng "Mùa Xuân Ả Rập" tại Ai Cập đã kết thúc như vậy, thế nhưng, giờ đây Ai Cập đã lại có một cuộc đảo chính mới và thêm một vị tổng thống bị lật đổ. Một số người gọi đó là "cuộc cách mạng thứ hai" của Ai Cập.

Fawaz Gerges - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông tại trường Kinh tế London nói rằng: “Hàng triệu người đã cổ vũ cho Morsi khi ông đắc cử. Hàng triệu người đã đặt hết niềm hy vọng của họ lên Morsi. Và một năm sau, hàng triệu người từng cổ vũ cho Morsi lại xuống đường kêu gọi ông từ chức. Tất cả đều có lý do và 5 câu hỏi lớn về Ai Cập cần phải được trả lời:

Ông Morsi (phải) trong một cuộc gặp tướng lĩnh quân đội trước khi bị phế truất.
Ông Morsi (phải) trong một cuộc gặp tướng lĩnh quân đội trước khi bị phế truất.

1. Tại sao có quá nhiều người Ai Cập phản đối Morsi?

Tổng thống Morsi là một người theo Hồi giáo thuộc phong trào Huynh đệ Hồi giáo, đã được bầu tháng 8.2012 thông qua một cuộc bầu cử dân chủ. Tuy nhiên, phe đối lập cáo buộc rằng, ông Morsi đã không đại diện cho lợi ích của đại đa số dân chúng mà chỉ là của một bộ phận dân chúng.

Trong số nhiều thất bại trong điều hành đất nước của ông Morsi, có hai điều thất bại đáng chú ý nhất trên bình diện chính trị và kinh tế. Trên bình diện chính trị, tổng thống Morsi đã thất bại trong tư cách là “tổng thống của tất cả người Ai Cập”, tức là ông chỉ tạo ra hình ảnh là “tổng thống của phe Huynh đệ Hồi Giáo”. Nói cách khác, ông Morsi đã không đủ tầm cỡ để dung hòa các phe phái chính trị.

Thất bại thứ hai của ông Morsi là trên bình diện kinh tế. Ông Morsi tiếp quản chính quyền sau 18 tháng quân đội điều hành đất nước. Khi ấy, tình hình kinh tế đã khó khăn. Rồi sau một năm cầm quyền, ông và phe của ông đã chưa đưa ra được kế hoạch phát triển kinh tế hiệu quả nào. Thất nghiệp ở nước này đang tăng nhanh, đời sống thì đắt đỏ hơn nhiều so với thời ông Mubarak.

Tuy nhiên, mọi thất bại của ông Morsi đều được viện dẫn từ sự liên quan mật thiết của ông với phong trào Huynh đệ Hồi giáo. Ông Morsi cũng bị cáo buộc là độc tài, sử dụng các chương trình nghị sự bảo thủ hà khắc để ra sắc lệnh.

2. Phe ủng hộ ông Morsi phản hồi gì?

Song hành với các cuộc biểu tình phản đối ông Morsi, những cuộc tuần hành ủng hộ ông Morsi cũng diễn ra rầm rộ. Những người này kêu gọi sát cánh bên ông Morsi và phản đối sự can thiệp quá sâu của quân đội.

Trong một bài phát biểu, ông Morsi nhấn mạnh: "Người dân Ai Cập đã trao quyền làm tổng thống cho tôi. Họ đã chọn tôi trong một cuộc bầu cử tự do. Tôi không có sự lựa chọn nhưng phải chịu trách nhiệm về hiến pháp Ai Cập".

Ông Morsi thậm chí còn nói rằng, ông sẵn sàng hy sinh máu của mình để duy trì tính hợp pháp hiến pháp của mình. Sau khi cuộc đảo chính xảy ra, những người ủng hộ ông Morsi vẫn tiếp tục xuống đường phản đối cuộc đảo chính, phản đối hành động của quân đội.

Theo phân tích, việc phế truất ông Morsi không có nghĩa là biểu tình ở Ai Cập sẽ lắng dịu.
Theo phân tích, việc phế truất ông Morsi không có nghĩa là biểu tình ở Ai Cập sẽ lắng dịu.

3. Vai trò của quân đội Ai Cập là gì?

Khi ông Mubarak bị phế truất năm 2011, quân đội nước này đã tiếp quản vai trò lãnh đạo của đất nước và duy trì quyền lực cho đến khi cuộc bầu cử bầu ông Morsi.

Trong suốt thời gian diễn ra các cuộc biểu tình, quân đội gần như đứng trên băng ghế dự bị cho đến ngày thứ Hai vừa qua khi tuyên bố sẽ can thiệp nếu Morsi đã không đưa ra một giải pháp để "đáp ứng nhu cầu của người dân". Quân đội đã cho Morsi 48 giờ giải quyết vấn đề của chính mình.

Tuy nhiên, đến đêm 2.7, thời hạn của tối hậu thư đã hết, ông Morsi kiên quyết không từ chức, không đáp ứng yêu cầu của quân đội thì sự việc đã xảy ra, một cuộc đảo chính nhanh gọn và quân đội tuyên bố phế truất quyền tổng thống của ông Morsi.

4. Lập trường của Mỹ như thế nào?

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói chuyện với ông Morsi tuần này và tái khẳng định rằng Mỹ không ủng hộ một cuộc đảo chính hay một sự chuyển giao quyền lực theo cách thức không bình thường như vậy.

Ông Obama cho rằng, không có sự chuyển đổi đến dân chủ nào xảy ra mà không vấp phải khó khăn, nhưng cuối cùng thì nó phải trung thực với ý muốn của người dân. Một chính phủ chính đáng, có khả năng và đại diện cho dân là điều mà những người Ai Cập bình thường tìm kiếm và là điều họ xứng đáng được có. Sự hợp tác lâu dài giữa Mỹ và Ai Cập dựa vào các quyền lợi và giá trị chung, và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với nhân dân Ai Cập để bảo đảm rằng việc chuyển đổi sang dân chủ của Ai Cập sẽ đạt thành quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, cuối cùng thì một cuộc đảo chính ở Ai Cập đã xảy ra và Mỹ lên tiếng phản đối, đồng thời bày tỏ nỗi “đau đầu” vì tình hình ở Ai Cập.

Ông Obama cũng cho biết, hành động của quân đội Ai Cập khiến chính quyền của ông phải xem xét đến mức độ thiệt hại mà hành động đó gây ra đối với những viện trợ của Mỹ dành cho Ai Cập. Nói như vậy cũng đủ để hiểu rằng, việc Mỹ cắt viện trợ cho Ai Cập sau khi xảy ra cuộc đảo chính là hoàn toàn có thể xảy ra.

5. Tương lai nào cho Huynh đệ Hồi giáo và Ai Cập?

Loại bỏ ông Morsi không đảm bảo rằng các cuộc biểu tình ở Ai Cập sẽ dừng lại và quá trình chuyển giao quyền lực sẽ êm thấm. Phía sau Morsi là một phong trào Huynh đệ Hồi giáo lớn mạnh và có sự ủng hộ đáng kể trong dân chúng và những người ủng hộ phong trào này có thể bị kích động.

Nhiều chuyên gia cho rằng, loại bỏ ông Morsi là một hành động khá nguy hiểm và rằng những căng thẳng ở Ai Cập sẽ chuyển sang một giai đoạn tồi tệ hơn khi có ông Morsi rất nhiều.

Về dài hạn, nhiều người lo ngại rằng điều này sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và một chính trường đầy bất ổn, gây tổn thất đến nền kinh tế quốc gia của một nước phụ thuộc quá nhiều vào ngành du lịch và đầu tư quốc tế.

Một câu hỏi khiến nhiều người đang cảm thấy day dứt rằng: “Liệu có quá muộn để cứu nền dân chủ Ai Cập?”.
 
Theo Quang Minh
Dân Việt