1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng bố ở Bỉ: Người Việt kể chuyện may mắn thoát chết

“Toà nhà tôi đang làm việc chỉ cách nhà ga metro Maalbeek- nơi xảy ra vụ đánh bom ngày 22.3 chỉ 800 m. Sau các vụ đánh bom, chúng tôi được lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập”, anh Nguyễn Hoàng Hải, một người Việt đang làm việc cho Uỷ ban châu Âu (EC) có trụ sở tại Brussels, Bỉ kể.

Vụ tấn công khủng bố sân bay và nhà ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels của Bỉ ngày 22.3 gây chấn động toàn thế giới. Không lâu sau vụ tấn công khủng bố ở Pháp, Liên minh Châu Âu (EU) lại tiếp tục bị con ác quỷ khủng bố tấn công. Con số thương vong ban đầu được thống kê, 34 người chết, 136 người bị thương.

“Vụ nổ ở nhà ga Maalbeek xảy ra khi tôi đang làm việc trong văn phòng của EC, tiếng nổ không lọt đến toà nhà, nhưng thông tin truyền đi có sức lan toả nhanh hơn gió”, anh Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Nhà ga tàu điện ngầm Maalbeek mù mịt khói sau vụ nổ.
Nhà ga tàu điện ngầm Maalbeek mù mịt khói sau vụ nổ.

Anh Nguyễn Hoàng Hải cũng cho biết thêm, người Việt sống ở thủ đô Brussels vô cùng hoang mang, gọi điện cho nhau để hỏi thông tin về người thân. “Sau các vụ tấn công, an ninh Bỉ được thắt chặt, chính quyền khuyến cáo mọi người ngồi yên trong nhà. Riêng tại các tòa nhà của Ủy ban Châu Âu nội bất xuất, ngoại bất nhập nên chúng tôi ở yên trong văn phòng và chưa biết làm thế nào để đi ăn trưa. Thậm chí nhiều nhà hàng đóng cửa, trực thăng lượn ầm ầm trên trời…”, anh Hoàng Hải chia sẻ.

Cũng theo anh Hải, người dân Bỉ không hỗn loạn, cho dù họ rất bất ngờ với các vụ tấn công này. “Đây không phải là lần đầu tiên khủng bố xảy ra ở Âu châu, đã từng xảy ra ở London, Paris, Barcelona. Nhưng người Bỉ nói rằng họ không sợ hãi, không để cho bọn khủng bố chế ngự tinh thần…”, anh Hải kể.


Từ trên toà nhà của EC nhìn xuống, cảnh sát được tăng cường ở khắp nơi.

Từ trên toà nhà của EC nhìn xuống, cảnh sát được tăng cường ở khắp nơi.

Trong khi đó, bạn Phạm Quỳnh Hương, sinh viên năm 3 của trường Đại học Vrije Universiteit Brussels cho biết, bạn rời ga tàu điện ngầm Maalbeek chỉ 5 phút trước khi xảy ra vụ nổ. “Tôi vừa rời ga, và đang đi bộ đến cửa hàng mua đồ ăn thì bỗng nghe thấy tiếng nổ lớn. Mọi người xung quanh tôi cũng hoảng hốt. Nhiều người ngay lập tức gào lên “bom, bom!!!”. 30 phút sau, tôi nhận được cuộc gọi của mẹ từ Việt Nam. Nói với mẹ là tôi an toàn, nhưng thực lòng lúc đó tôi vẫn chưa hết hoảng sợ”, bạn Phạm Quỳnh Hương kể.

Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của báo Vntinnhanh.vn, một người Việt Nam khác đã may mắn thoát chết là một phụ nữ đang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Brussels, Bỉ.

Vào thời điểm diễn ra vụ đánh bom khủng bố Brussels, chị đang đi tàu điện ngầm ở nhà ga Maelbeek. Chị đã may mắn thoát chết khi quả bom đặt tại nhà ga này phát nổ.

Theo nguồn tin của Dân Việt, người phụ nữ Việt này có mặt trên chuyến tàu, chị ngồi ở toa cuối nên chỉ bị ngạt khói nhẹ.

Theo Hạ Anh - Tùng Anh - Huyền My

Dân Việt