1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khu vực Đông Bắc Á: Toan tính xa, rủi ro gần

Cuộc chơi nào ở sát ranh giới rất mong manh giữa điểm dừng và quá đà cũng đều như sử dụng con dao hai lưỡi. Chắc chắn phía toan tính xa ở đây ý thức được về rủi ro gần và phải coi trọng việc kiểm soát rủi ro ấy.

Khu vực Đông Bắc Á: Toan tính xa, rủi ro gần - 1

Toan tính xa có thể sẽ thành công, nhưng nếu ngược lại thì không tránh khỏi hệ luỵ rất tai hại khi rủi ro phát tác. (Nguồn: Twitter)

Hết bất ngờ này đến bất ngờ khác

Sau khi gây bất ngờ với cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Bàn Môn Điếm, khu vực Đông Bắc Á lại khiến thiên hạ bị bất ngờ bởi chuyện bất hoà giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi máy bay của Nga và Trung Quốc bị Hàn Quốc và Nhật Bản xua đuổi mà Hàn Quốc thậm chí còn nổ súng để cảnh báo răn đe và bởi những động thái từ phía Triều Tiên.

Triều Tiên lên tiếng ủng hộ Seoul sau khi Tokyo áp dụng những biện pháp hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng của Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc sang Hàn Quốc. Triều Tiên bắt giữ một tàu đánh cá của Nga khiến Moscow phải phản ứng bằng việc tính lại chuyện đàm phán hợp tác ngư nghiệp với Triều Tiên. Rồi Triều Tiên có phát biểu phàn nàn về một số động thái của Mỹ mà Triều Tiên coi là "thù địch" và Triều Tiên lại phóng tên lửa.

Những động thái kia là việc Mỹ thúc ép Liên hợp quốc (LHQ) và các nước tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, gửi trả lại Bình Nhưỡng những lao động người Triều Tiên và việc Mỹ cùng Hàn Quốc trong tháng 8 tới này lại tiến hành tập trận chung khi đàm phán hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục trì trệ chứ không tiến triển như ông Trump và ông Kim Jong-un đã thoả thuận ở Bàn Môn Điếm.

Cả về biểu hiện ra bên ngoài lẫn trong thực chất, những động thái kia từ phía Mỹ đều không có gì mới và cũng chẳng mấy nghiêm trọng hơn trước. Ông Trump đâu đã từ bỏ cả sách lược "gia tăng áp lực tối đa" lẫn chiêu trò "cái gậy và củ cà rốt" đối với Triều Tiên. Mỹ mới chỉ giảm về số lượng và quy mô những cuộc tập trận chung với Hàn Quốc chứ đâu đã tuyên bố ngừng hoàn toàn. Cho tới nay, Mỹ và LHQ đâu đã nới lỏng chút nào mức độ trừng phạt Triều Tiên.

Sau chuyến thăm Nga đầu tiên và lần đầu tiên gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Kim Jong-un có được tiền đề và điều kiện thuận lợi mới cho việc thúc đẩy mối quan hệ của Triều Tiên với Nga. Việc bắt giữ con tàu của Nga hoàn toàn không cần thiết và cũng chẳng thể là cách giải quyết vụ việc duy nhất đối với Triều Tiên cho nên chắc chắn Triều Tiên bắt giữ nó vì mục đích khác. Lại còn một chuyện nữa sắp diễn ra là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thoả thuận nối lại đàm phán thương mại ba bên trong thời gian tới.

Những nguyên do chính

Nhìn vào bức tranh tình hình chung như thế có thể lý giải được những động thái mới kia của Triều Tiên theo mấy nguyên do sau.

Thứ nhất, khu vực Đông Bắc Á vừa nổi lên một số chuyện mới làm thay đổi cục diện tình hình chung và chuyển biến quan hệ giữa các nước trong khu vực cũng như thu hút sự quan tâm để ý của thế giới bên ngoài khiến cho vấn đề chính trị an ninh trên bán đảo Triều Tiên nói chung và quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ nói riêng có chiều hướng bị lu mờ dần do không còn là duy nhất và thời sự nổi bật nhất. Như thế bất lợi cho Triều Tiên và càng kéo dài như thế thì sẽ càng thêm bất lợi cho Triều Tiên. Cho nên Triều Tiên dùng chiêu "chủ động động" để tránh "bị đẩy vào tĩnh".

Thứ hai, Triều Tiên vừa chủ ý duy trì vị thế là tâm điểm của mọi chuyển biến ở khu vực cho mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên vừa muốn tăng cái giá của mình trong cuộc chơi mới của các bên ở khu vực này. Ở đây ẩn hiện hàm ý cho rằng, chiếc chìa khoá cho việc giải quyết mọi vấn đề nằm ở trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên nhưng mối quan hệ này lại còn là chuyện chung của cả khu vực.

Thứ ba, Triều Tiên có ý làm găng một chút với bên này để tranh thủ bên kia, đồng thời còn muốn thể hiện sự độc lập của mình trong quan hệ với tất cả các nước khác trong khu vực và với Mỹ bằng cách chứng tỏ không vì quá cần mà phải luỵ. Nga không hài lòng nhưng Mỹ không thể không thích và Trung Quốc không thể bỏ qua. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không thể không quan ngại nhưng Nga và Trung Quốc chẳng đến nỗi bất an.

Cuộc chơi sát ranh giới

Đồng thời cũng còn có thể thấy, Triều Tiên bắt đầu có vẻ "sốt ruột" về tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải với Mỹ trong khi Mỹ không tỏ ra như vậy cũng như Triều Tiên tìm cách gây dựng cho mình vị thế thuận lợi nhất trước viễn cảnh là tiến trình này còn kéo dài và trong khu vực có những diễn biến mới bất lợi nhiều hơn là có lợi cho Triều Tiên.

Những động thái mới này cho thấy, Triều Tiên đang xoay xở trong bối cảnh tình hình mới ở khu vực. Những bước đi của Triều Tiên khá mạnh mẽ nhưng chưa hẳn quyết liệt. Triều Tiên phóng tên lửa nhưng không phải loại tên lửa khiến Mỹ phải thật sự lo ngại. Chuyện xảy ra với Nga chắc rồi cũng chỉ là đơn lẻ.

Ở đây, Triều Tiên nhằm chủ yếu và trước hết vào hình ảnh xảy ra vụ việc chứ không phải nhằm vào hiệu quả thực tế của vụ việc. Nga cố tình thể hiện phản ứng mạnh vì ngăn chặn hình thành tiền lệ. Còn Mỹ không chỉ thể hiện phản ứng chậm mà còn dường như ở mức độ chỉ để lấy lệ.

Nhưng chính ở đó tiềm ẩn rủi ro không hề nhỏ đối với Triều Tiên. Cuộc chơi nào ở sát ranh giới rất mong manh giữa điểm dừng và quá đà cũng đều như sử dụng con dao hai lưỡi.

Mỹ luôn có thể nhanh chóng và dễ dàng chuyển thái cực trong khi cả Nga lẫn Trung Quốc đâu có chịu để kẻ khác lợi dụng mình. Chắc chắn phía toan tính xa ở đây ý thức đã được về những rủi ro gần và phải coi trọng việc quản lý và kiểm soát rủi ro ấy. Nếu làm tốt việc này thì toan tính xa có thể sẽ thành công, nhưng nếu ngược lại thì sẽ không tránh khỏi hậu quả và hệ luỵ rất tai hại khi rủi ro phát tác.

Theo Dịch Dung

Thế giới & Việt Nam