1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khu trục hạm Mỹ tiến vào Biển Đen

(Dân trí) - USS Donald Cook, khu trục hạm được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh Aegis, đã vượt qua Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, tiến vào Biển Đen, trong bối cảnh Nga cáo buộc NATO đang thành lập một hạm đội chiến đấu ở khu vực.


Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay sứ mệnh của tàu là nhằm “tái khẳng định cam kết của họ với các đồng minh NATO và các đối tác Biển Đen” sau các sự kiện ở Ukraine. “Nó cho thấy cam kết của chúng tôi…với các đồng minh nhằm củng cố an ninh, khả năng cũng như tính sẵn sàng chiến đấu”,người phát ngôn Steven Warren ra tuyên bố cho biết.

Song các nguồn quân sự Nga cho rằng động thái là một phần trong kế hoạch củng cố có hệ thống các lực lượng hải quân.

“Những gì chúng ta đang thấy lần đầu tiên kể từ năm 2008 là NATO đang tạo ra một hạm đội chiến đấu bên ngoài biên giới Nga”, hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin quân sự Nga cho hay.

Hãng này cũng nhấn mạnh tàu do thám Dupuy de Lome và khu trục hạm Dupleix dự kiến sẽ tới khu vực trong vòng vài tuần nữa. Trong khi đó, tàu cứu hộ Alize của Pháp cũng đã ở Biển Đen kể từ cuối tháng trước.

“Mục đích là nhằm hỗ trợ tinh thần cho chính quyền ở Kiev, nhưng cũng là nhằm phô trương sức mạnh để Nga phải chùn bước. Tuy nhiên tàu cũng sẽ thu thập thông tin về hoạt động quân sự của Nga ở Crimea và ở biên giới Ukraine”, nguồn tin cho biết thêm.

Hạm đội Hắc Hải (Biển Đen) của Nga hiện đang đồn trú ở Sevastopol tại Crimea, vùng đã được sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng trước.

NATO cáo buộc Mátxcơva đã huy động quân đội tới biên giới giáp miền đông Ukraine, nơi người biểu tình phản đối chính phủ ở Kiev đang kêu gọi ly khai khỏi nước này. Ngày 10/4, NATO đã công bố ảnh vệ tinh chụp các căn cứ biên giới của Nga để chứng tỏ cáo buộc của mình. Tuy nhiên, Nga cho biết ảnh chụp là từ năm ngoái và cũng không chứng tỏ được hoạt động bất thường nào.

Trong khi đó tàu USS Donald Cook đã khiến Nga phản ứng gay gắt khi nó tới châu Âu vào đầu năm nay, do mang theo hệ thống radar và vũ khí Aegis tinh vi và sẽ hình thành một phần của lá chắn phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu. Mátxcơva đã kịch liệt phản đối dự án này, do cho rằng nó là nguy cơ trực tiếp về an ninh đối với Nga và làm thay đổi cán cân sức mạnh hạt nhân ở khu vực.

Mátxcơva cũng cáo buộc các hoạt động hải quân của NATO từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine vào cuối năm ngoái đã vị phạm Hiệp định Montreux về duy chuyển hải quân ở Biển Đen. Theo hiệp định, tàu chiến từ các quốc gia không thuộc Biển Đen chỉ có thể lưu lại đây không quá 21 ngày liên tiếp. USS Taylor của Mỹ đã ở lại hơn 11 ngày ở khu vực từ tháng 2-3 vừa qua. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng về những vi phạm này. “Thổ Nhĩ Kỳ (nước giám sát hiệp ước) không thông báo cho chúng tôi về việc lưu lại quá ngày này. Chúng tôi đã bày tỏ lo ngại đối với phía Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ”, Bộ Ngoại giao Nga cho hay.

Vũ Quý
Theo Russia Today