Vụ Mỹ dùng tên lửa bắn hạ vệ tinh do thám
Không phải nỗi lo về các mảnh bụi
(Dân trí) - Việc tên lửa Mỹ bắn hạ một vệ tinh do thám đã làm dấy lên lo ngại không hẳn về các mảnh vỡ sẽ rơi xuống trái đất, mà về một cuộc đua vũ trang mới trong không gian, lo ngại vũ trụ trong tương lai sẽ biến thành một bãi chiến trường.
Việc tên lửa Mỹ có vẻ như đã bắn trúng mục tiêu vệ tinh do thám và “tiêu diệt” được thùng nhiên liệu chứa hóa chất hydrazin gây độc hại, đã được các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc ăn mừng. Một phần cũng bởi họ trong suốt ba tuần trước đó, đã làm việc khá vất vả, đôi lúc còn lúng túng, để chuyển một hệ thống phòng thủ tên lửa thành một hệ thống có thể lần theo và tiêu diệt được một vật thể đang bay trên quỹ đạo của trái đất.
Nhưng thậm chí khi các mảnh vỡ của vệ tinh bị bắn hạ bắt đầu rơi xuống Thái Bình Dương, thì lo lắng vẫn chưa hết. Bởi thành công của Mỹ có thể sẽ khuấy động các quốc gia khác phát triển, nâng cấp các chương trình chống vệ tinh của họ, và có thể biến vũ trụ thành một bãi chiến trường.
“Tôi không cho rằng các nước khác sẽ không xem đây là một vụ thử chống vệ tinh”, Theresa Hitchens, giám đốc Trung tâm thông tin quốc phòng có trụ sở ở Washington D.C, một viện chính sách an ninh quốc gia của những người theo chủ nghĩa ôn hòa, cho biết. “Họ sẽ coi đó như là hành động trang bị vũ khí không gian”.
Trung Quốc, nước năm ngoái từng bị Mỹ chỉ trích mạnh mẽ vì đã dùng tên lửa phá hủy một vệ tinh dự báo thời tiết đã hết hạn sử dụng, là nước đầu tiên lên tiếng.
Bộ ngoại giao Trung Quốc phát đã đưa ra tuyên bố yêu cầu Mỹ phải chia sẻ chi tiết thông tin về vụ bắn hạ vệ tinh, diễn ra vào khoảng 10h26 tối ngày 20/2. Đó là thời điểm mà vệ tinh đi qua Thái Bình Dương. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates trong chuyến thăm Hawaii trả lời rằng họ sẽ cung cấp thông tin “thích đáng” cho người Trung Quốc.
Còn Nga không có phản ứng tức thì, mặc dù Tổng thống Putin gần đây đã cảnh báo rằng việc Mỹ dùng hệ thống phòng thủ tên lửa để bắn hạ vệ tinh sẽ gây ra phản ứng.
Song theo bà Hitchens, bà tin rằng cả Trung Quốc và Nga sẽ dùng vụ Mỹ bắn hạ vệ tinh là lý do để tăng cường phát triển vũ khí chống vệ tinh của riêng họ. Trung Quốc, theo bà, “rất có thể sẽ dùng việc này là một lý do để làm những gì họ thực sự muốn làm”. Còn Nga cũng “sẽ không xem nhẹ việc này”.
Lo ngại xảy ra những hoạt động chống phá vệ tinh cũng đã ảnh hưởng đến việc xây dựng và vận hành các tàu vũ trụ quân sự. Có những vệ tinh như Skynet 5, do Bộ quốc phòng Anh quản lý, mang theo công nghệ được thiết kế để chống lại bất kỳ sự can thiệp nào, như vô hiệu hóa hay chiếm lĩnh tàu vũ trụ. Ngoài ra nó còn chống nghe trộm các cuộc đàm thoại nhạy cảm. Một ăng ten thu nhận tiên tiến còn cho phép Skynet 5 “lắng nghe” có chọn lọc các tín hiệu và loại bỏ những cố gắng làm “nhiễu” nó.
Tuy nhiên, những động thái bắn hạ vệ tinh mới đây nhất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch bảo vệ khả năng thu thập thông tin tình báo của các nước trong vũ trụ.
Phương án bọc “áo giáp” cho các tàu vũ trụ/vệ tinh này có vẻ như không đem lại kết quả. Bởi không có loại áo giáp nào có thể chịu đựng được sức công phá của những quả tên lửa bay với vận tốc 10km/s.
Chuyên gia quân sự không gian, tiến sỹ Stuart Eves cho rằng tàu vũ trụ, vệ tinh trong tương lai sẽ phải kết hợp cả những công nghệ che giấu để tránh bị phát hiện.
“Có thể áp dụng kỹ thuật giống như kỹ thuật sử dụng trên máy bay thông thường, như các thiết bị thu radar, các thiết bị phản radar, hay “sơn” đen vệ tinh”, Eves cho biết. Tuy nhiên, các tấm pin mặt trời cung cấp năng lượng cho vệ tinh sẽ rất khó giấu đối với radar. Ngoài ra, sóng tín hiệu màu đỏ của một vệ tinh cũng rất khó che giấu.
“Một vấn đề khác là các loại radar hiện nay chỉ có thể lần ra dấu vết của các vật thế trong không gian có kích cỡ từ 10cm trở lên. Vì vậy cách để che giấu là thiết kế các vệ tinh nhỏ, khó quan sát”. Ví dụ vệ tinh PalmSat, đang được trường Đại học Surrey xây dựng, có kích cỡ chỉ nhỏ bằng một lon nước ngọt, và nặng chỉ 1kg.
Về phía các quan chức quân sự Mỹ, họ có hai bằng chứng để khẳng định tên lửa của họ đã phá hủy được vệ tinh do thám cùng thùng chứa nhiên liệu trên đó.
Thứ nhất là đoạn băng video quay cảnh bắn hạ, có thể được chụp từ một vệ tinh khác, mặc dù Lầu Năm Góc không tiết lộ gì. Đoạn băng cho thấy vệ tinh là một đốm sáng nhỏ. Đột nhiên, đốm sáng đó phát nổ biến thành một quả cầu lửa và sau đó trở thành một đám mây ngày càng lan rộng, mờ đục. Theo các quan chức quân sự, họ tin rằng đám mây đó là khí hydrazin bốc hơi lên.
Thứ hai là dữ liệu theo dõi vệ tinh cho thấy vệ tinh có kích thước bằng chiếc xe buýt, nặng hơn 2 tấn, chỉ còn là một đám bụi rộng bằng sân bóng.
Tướng hải quân James Cartwright cho biết các quan chức Mỹ “chắc chắn” rằng tên lửa đã hoàn thành sứ mệnh được giao. Cartwright cũng cho biết thêm các mảnh vỡ đã bắt đầu rơi xuống Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, gần miền bắc Canada. Tuy nhiên không có mảnh nào rơi xuống mặt đất, và tương lai sẽ không có.
Hải quân Mỹ đã phải điều chỉnh hệ thống phòng thủ tên lửa trên một tàu chiến để bắn hạ vệ tinh do thám. Bởi vệ tinh này bay với tốc độ nhanh hơn một tên lửa đạn đạo, và cũng rất khó lần theo đường đi của nó hơn. Tuy nhiên, Cartwright khẳng định quân đội hầu như không áp dụng được gì từ việc bắn hạ vệ tinh cho hệ thống phòng thủ tên lửa.
Loren Thompson, một nhà phân tích quân sự tại Viện Lexington ở Washington D.C cũng có chung quan điểm. Ông cho rằng các vệ tinh hầu hết ở những quỹ đạo quá cao, nên khó có thể bị tên lửa từ một tàu chiến bắn hạ.
Nguyên Hạ
Theo AFP, BBC