Hội nghị thượng đỉnh G8:
Không nhiều kết quả cụ thể sau những tuyên bố
(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo những nước giàu nhất thế giới đã kết thúc cuộc họp thượng đỉnh ở thành phố L’Aquila, Italia, với các tuyên bố liên quan đến vấn đề kinh tế, chống biến đổi khí hậu và trợ giúp các nước nghèo. Nhưng theo giới phân tích, “vẫn không có gì cụ thể”.
Trong buổi khai mạc ngày 8/7, G8 bày tỏ quyết tâm chuẩn bị cho những sách lược để giảm dần và chấm dứt các biện pháp kích thích đang được áp dụng, khi tình hình của nước họ cho phép làm như thế.
Trong ngày họp sau đó, lãnh đạo của nhóm G8 loan báo có tiến bộ trong việc giải quyết hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu. Các nước trong nhóm đã thỏa thuận với nhau rằng mức tăng nhiệt độ khí hậu Trái đất không được vượt quá mức hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là lần đầu tiên các nước G8 ghi rõ trên giấy trắng mực đen mức giới hạn 2 độ C, mức giới hạn mà theo các nhà khoa học, nếu vượt quá thì tiến trình hủy hoại hành tinh của chúng ta sẽ không thể nào đảo ngược được.
Về các vấn đề kinh tế, lãnh đạo các nước G8 hứa ủng hộ tăng trưởng tài chính, bác bỏ các biện pháp bảo hộ và giữ cho các thị trường được mở rộng cửa.
Trong ngày làm việc cuối cùng hôm qua 10/7, các đại biểu đã công bố "Sáng kiến L’Aquila về an toàn lương thực", bày tỏ mối lo ngại về tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu cũng như việc giá lương thực gia tăng đối với các nước nghèo. Theo lời thủ tướng nước chủ nhà Italia, nhóm G8 cam kết huy động từ 15 đến 20 tỷ USD trong ba năm để hỗ trợ tăng cường sản xuất lương thực tại các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi.
Hội nghị G8 lần này cũng thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị ở Honduras, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Iran.
Vấn đề sau những tuyên bố
Riêng về mặt khí hậu, cuộc họp thượng đỉnh tại L’Aquila có tính chất quyết định cho diễn tiến của Hội nghị Copenhague vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, mục tiêu chống biến đổi khí hậu vẫn gây bất đồng giữa nhóm G8 (gồm các nước Mỹ, Canada, Nga, Pháp, Anh, Italia, Đức, Nhật Bản) và nhóm G5 (các nước đang trỗi dậy Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Philippines).
Ngay trước cuộc họp, G5 nhắc lại rằng tính theo đầu người, công dân các nước phương Tây phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều gấp bội so với người dân các nước nghèo. Còn sau khi G8 đã cam kết là từ nay cho đến 2050 sẽ giảm 80% (so với mức của năm 1990) lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đối với các nước phát triển và 50% đối với các nước đang phát triển, cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố luôn: mục tiêu 80% đối với các nước phát triển là ''không thể chấp nhận được''.
Về cam kết của G8 huy động đến 20 tỷ USD để giúp các nước nghèo phát triển nông nghiệp và viện trợ lương thực khẩn cấp, người đứng đầu cơ quan Lương - Nông của Liên Hợp Quốc (FAO) Jacques Diouf đã hoan nghênh sự thay đổi trong chính sách chuyển từ viện trợ lương thực sang đầu tư vào nông nghiệp này. Tuy nhiên, ông nói số tiền này vẫn chưa đủ để đối phó với nạn đói trên thế giới. Do tác động của khủng hoảng kinh tế từ nửa cuối 2008 đến nay, số người thiếu dinh dưỡng bị nạn đói đe dọa trong năm 2009 sẽ tăng thêm 11%, vượt quá ngưỡng một tỷ người. Hơn 642 triệu trong số ngày sống tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong lĩnh vực kinh tế, Hội nghị G8 đã cho rằng kinh tế thế giới đã bắt đầu ổn định trở lại. Thế nhưng các nước cần phải quan tâm đến hệ quả xã hội của cuộc khủng hoảng, đang làm cho tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Riêng trong vấn đề chính trị, nếu các nước đã đạt đồng thuận dễ dàng trong việc lên án Triều Tiên, thì hồ sơ Iran còn gây bất đồng trong khối.