1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Không kích Yemen, liên minh Arab "đòn" cả Mỹ và Iran

Chiến dịch “Bão táp quyết chiến”, được Saudi Arabia dẫn đầu liên minh các nước Arab phát động nhằm giành lại sự kiểm soát Yemen từ phiến quân Houthi, được cho là sự thức tỉnh của hầu hết những người Arab, một trang mới phục hồi sự cân bằng chiến lược giữa Thế giới Arab và Iran.

Sau một thời gian dài gián đoạn, nhiều thủ đô của các nước Arab mới có được cảm giác nhẹ nhõm và hưng phấn, một động lực mới, tinh thần Arab mới, và một quyết tâm khôi phục điều mà họ cho là “cuộc đảo chính” của Iran ở khu vực. Người Arab có cảm nhận sẽ giành lại sự tự tôn cũng như niềm tin về chỗ đứng của thế giới Arab.

Phản ứng mới của Arab cũng là lời cảnh báo đối với Iran rằng nước này đã vượt qua “vạch đỏ” và vượt quá xa sự can thiệp của mình vào các vấn đề Arab. Trên toàn khu vực, người Arab có niềm tin rằng Trung Đông trước và sau “Bão táp quyết chiến” sẽ không giống nhau. Nhịp đập trái tim của khu vực, từ vùng Vịnh tới Ai Cập, Liban, Jordan và Maghreb, đã thay đổi. Người Arab tự hào khi một lần nữa nắm vận mệnh trong tay. Nhiều cá nhân có tầm ảnh hưởng, như cựu Ngoại trưởng Palestine Hassan Asfour và báo chí, như tờ Al-Dustour ca ngợi động thái này là sự thay đổi chiến lược trong tư duy Arab.

Không kích Yemen, liên minh Arab đòn cả Mỹ và Iran

Hiện trường một vụ không kích nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen do Saudi Arabia tiến hành tại khu vực gần sân bay ở thủ đô Sanaa, Yemen ngày 26/3 (Ảnh: THX/TTXVN)

“Bão táp quyết chiến” đại diện cho một khái niệm mới trong Thế giới Arab, nó được gọi là “thuyết chủ nghĩa của Salman”, sau thời Vua Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud. Khi cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đưa quân xâm lược Kuwait, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã khởi xướng ra một liên minh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của Saddam. Liên minh này do Mỹ dẫn đầu, và các nước Arab chỉ đơn thuần là những thành viên của liên minh.

Nhưng tuần trước, khi phiến quân Houthi và đồng minh của chúng, lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah, không màng tới những lời khuyên của Saudi Arabia rời khỏi thành phố cảng Aden, người Saudi đã không chờ đợi sự cho phép của Washington hay bất cứ ai khác mà chủ động oanh kích. Họ tập hợp một liên minh rất mạnh gồm 10 nước, phối hợp với Washington và các đồng minh phương Tây khởi động chiến dịch tấn công quân nổi dậy Houthi.

Theo tờ Al Quds Al Arabi, đây là sự thay đổi từ vị thế thụ động như trước đây - “chờ đợi động thái của Mỹ, vốn sẽ không bao giờ xảy ra như ở Syria”. Bài học đầu tiên của chiến dịch này là “các cường quốc trong khu vực có thể lãnh đạo và thay đổi lịch sử”, như lời nhà bình luận người Saudi Jamal Khagokshi viết trong Al Hayat. Khu vực này không chờ đợi Washington thêm nữa và càng không trông chờ vào sự giải cứu của Mỹ.

Ai Cập điều tàu chiến tới Yemen (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ai Cập điều tàu chiến tới Yemen (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bài học thứ hai là Washington sẽ vào cuộc nếu một nước Arab dẫn đầu, cũng như thể hiện được sự kiên quyết và khả năng lãnh đạo. Mỹ cũng sẽ không từ chối kế hoạch nhận được sự ủng hộ rộng khắp của các nước Arab.

Sự miễn cưỡng của chính quyền Obama khi can thiệp vào khu vực, đặc biệt là việc từ chối hành động nhiều hơn ở Syria đã bị chỉ trích nặng nề nhưng liệu Mỹ không miễn cưỡng như vậy, Arab có nhìn thấy ánh sáng ban ngày?

Tổng thống Obama có thể đã vô tình giúp đỡ khu vực này nhiều hơn bất cứ chính quyền Tổng thống Mỹ nào khác bằng cách buộc nó phải dựa vào sự lãnh đạo và nguồn lực của mình. Các nhà lãnh đạo khu vực nhận ra rằng, họ có thể hành động một mình cùng sự ủng hộ của Mỹ chứ không phải sự tham gia của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Arab tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên Arab lần thứ 26 tại thành phố Sharm El Sheikh, Ai Cập đã nhất trí thiết lập một lực lượng quân sự Arab chung, trở thành một lực lượng ngăn chặn, một lực lượng gìn giữ hòa bình như lời Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil Elaraby nói. Việc các nước Arab nhất trí thành lập một lực lượng như vậy sau nhiều năm tranh luận cho thấy tính cấp thiết của nó.

Chiến dịch quân sự của liên minh Arab thể hiện sự thất vọng và phẫn nộ của người Arab trước việc Iran mở rộng vai trò và ảnh hưởng trong khu vực. Bức ảnh của Qassim Suleimani, thủ lĩnh lực lượng Quds của Iran, trên nhiều vùng đất Arab và nhiều tuyên bố của các quan chức Iran về việc kiểm soát 4 thủ đô của thế giới Arab đã kích động sự thù ghét. Chiến dịch ở Yemen được người Arab coi là khôi phục lại phẩm giá và lòng tin của họ. Nhiều tiếng nói trên truyền thông Arab coi chiến dịch là thông điệp vang dội từ Saudi Arabia tới Iran rằng người Arab sẽ không chấp nhận sự sụp đổ của nước Arab nào nữa do ảnh hưởng của Tehran.

Liên minh mới của các nước Arab cho thấy một bản đồ mới của các mối quan hệ khu vực được hòa giải giữa các quốc gia từng tranh chấp và bất hòa. Việc những nước vừa là bạn vừa là thù này tập hợp với nhau là dấu hiệu cho thấy mức độ đe dọa được nhận thức trong sân sau của Yemen. Ai Cập và Qatar hiện đang làm việc cùng nhau, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia kết hợp, Sudan cắt đứt quan hệ với Iran trong khi hỗ trợ cho Saudi Arabia và chiến dịch. Tất cả những điều này thể hiện liên minh chiến lược mới đang nổi lên ở một khu vực bất ổn.

Có thể thấy, điều mang các nước Arab lại gần nhau là cái mà họ coi là "mối đe dọa" từ các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran, Mỹ có thể tìm thấy một đồng minh chiến lược ở khu vực và đẩy họ vào giá lạnh. Các nước Arab lo ngại một sự "thông đồng" Mỹ-Iran có thể làm thay đổi Trung Đông đằng sau lưng họ. Chiến dịch “Bão táp quyết chiến” là nỗ lực giành thế chủ động và khẳng định vai trò trung tâm của các nước Arab trong quá trình này.

Theo Hạnh Nhân/Nationalinterest/baotintuc.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm