Cuộc đàm phán về hòa bình ở Syria tại Geneva, Thụy Sĩ:
Khó khăn ngay từ khi mở đầu
Sự từ chối tham gia của đại diện các nhóm đối lập chính của Syria được thành lập hồi cuối năm ngoái đang trở thành nguy cơ khiến hòa đàm đổ vỡ.
Đặc phái viên về Syria của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Staffan de Mistura đã hứa với người dân nước này rằng cuộc đàm phán hòa bình ngày 29-1 sẽ không có cái kết thất bại như hai cuộc đàm phán trước đó vào năm 2012 và 2014. Tuy nhiên, sự từ chối tham gia của đại diện các nhóm đối lập chính của Syria được thành lập hồi cuối năm ngoái đang trở thành nguy cơ khiến hòa đàm đổ vỡ.
Theo hãng tin Itar-Tass của Nga, cuộc hòa đàm giữa đại diện chính phủ Syria và lực lượng đối lập là cách duy nhất để giải quyết các xung đột đang ngày càng gia tăng ở nước này. Đây là lần thứ 5, cuộc đàm phán được tiến hành tại Geneva, Thụy Sĩ dưới sự điều hành, tham dự của Đặc phái viên về Syria của Tổng thư ký LHQ Staffan de Mistura.
Tuy nhiên, ngay từ khi tổ chức, ông Staffan de Mistura đã phải thừa nhận rằng, hòa đàm không có gì dễ dàng và ông sẽ nỗ lực hết mình trong khả năng có thể xử lý được. Đặc phái viên về Syria của Tổng thư ký LHQ còn hứa sẽ không để kết quả thất bại giống như những lần hòa đàm trước vào năm 2012 và 2014.
Nhưng theo nhận định của giới phân tích, điều này khó có thể xảy ra. Nói thế là bởi lẽ càng gần đến ngày diễn ra đàm phán thì càng có thêm nhiều sự kiện tác động xấu đến việc đàm phán.
Đầu tiên là việc Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố rằng, chính quyền Ankara có thể “tẩy chay” cuộc đàm phán nếu Đảng Liên đoàn Dân chủ của người Kurd ở Syria (PYD) được mời tham dự. Lý do mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là vì đảng này có liên quan đến các chiến binh Hồi giáo chống phá chính quyền Ankara.
Trong khi đó, phát ngôn viên báo chí của ông Staffan de Mistura, bà Khawla Mattar từ chối cung cấp danh sách các tổ chức đối lập ở Syria tham dự hòa đàm, còn chính phủ Nga thì khẳng định, PYD là một phần của cuộc đàm phán và cũng là một trong những “chiếc chìa khóa” dẫn đến thành công của hội nghị.
Riêng Mỹ đâm ra lúng túng với việc lựa chọn tổ chức nào tới tham dự. Phóng viên Joe Lauria của tờ Wall Street Journal viết: “Dù đã loại bỏ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tổ chức Mặt trận al-Nursa khỏi danh sách các phe phái đối lập tham gia cuộc đàm phán tại Syria, song Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn bởi trong số các nhóm phiến quân còn lại có không ít nhóm hợp tác rất chặt chẽ với tổ chức Mặt trận al-Nursa và các nhóm Hồi giáo thánh chiến khác”.
Nguồn tin từ hãng AP cho hay, hôm 27-1, đại diện các nhóm đối lập ở Syria thuộc Ủy ban Đàm phán cao (HNC) của liên minh do Arab Saudi đứng đầu đã họp mặt ở thủ đô Riyadh của Arab Saudi để quyết định xem có nên tham dự hòa đàm hay không. Khi đó, HNC cũng đã yêu cầu Đặc phái viên Staffen de Mistura gửi danh sách những bên dự tính tham gia để có thể đưa ra quyết định cuối cùng.
Đến chiều tối 27-1, HNC đã quyết định gửi danh sách 3 đại biểu tham gia đàm phán nhưng sau đó bị chỉ trích mạnh mẽ vì để tên Mohamed Alloush, lãnh đạo của nhóm đối lập Quân đội Hồi giáo làm trưởng đoàn. Thế là sau đó, HNC quyết định không cử đoàn nào tới dự và sẽ có động thái mới tùy vào tình hình.
Được biết, hôm 27-1, Đặc phái viên Staffan de Mistura đã phát đi lời mời chính thức cho các nhóm tham gia cuộc đàm phán diễn ra ngày 29-1 và kéo dài trong vòng 6 tháng. Nhiều khả năng, các phe phái ở Syria ngồi vào bàn đàm phán ở Geneva dù không phải chung một phòng nhưng ít nhất là tại một địa điểm cùng với sự trung gian của Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura và các cường quốc thế giới.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, Nga và Mỹ đã thống nhất được rất nhiều điểm mấu chốt trong vấn đề Syria.
Ông John Kerry nói: “Tôi sẽ không công bố về một thời điểm cụ thể nhưng tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng, ngay sau khi hoàn thành vòng đầu tiên của cuộc đàm phán hòa bình Syria, nhóm hỗ trợ quốc tế Syria sẽ được triệu tập bởi chúng tôi muốn tiến trình này không bị gián đoạn”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận rằng, những thách thức vẫn còn đang ở phía trước, việc tìm lời giải cho bài toán Syria không hề đơn giản và sẽ cần rất nhiều thời gian.
Theo Sông Thương
Công an nhân dân