1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Khi Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo"

(Dân trí) - Cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ dùng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hầu như không gây ấn tượng gì với các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông khi có thông tin Bắc Kinh đang xây đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép trên bãi đá Chữ Thập.
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép trên bãi đá Chữ Thập.
 
Bắc Kinh còn làm rõ một điểm rất quan trọng khác mà ông Tập đã nhắc tới trong bài phát biểu trước quốc hội Úc hồi tháng trước.
 
Ông Tập nói rằng "người Trung Quốc chắc chắn sẽ giữ vững các lợi ích cốt lõi của chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc".
 
Ẩn ý trong các hành động và lời nói của Trung Quốc là mặc dù nước này sẽ cố gắng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình nhưng nước này sẽ không lùi bước việc khẳng định chủ quyền tại các khu vực tranh chấp bằng vũ lực, nếu cần thiết.
 
Bãi đá đang trở thành tâm điểm chú ý là bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
 
Các thông tin cho biết Trung Quốc đang xây dựng bãi đá này để bao gồm một đường băng. Ngoài ra, một cảng cũng đang được đào tại đó, dường như đủ lớn cho các tàu chở dầu và tàu chiến hải quân.
 
Một số nước trong khu vực đã phản đối việc xây dựng tại bãi Chữ Thập và Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc ngừng dự án này. Một vị tướng Trung Quốc sau đó đã lên tiếng đáp trả rằng công việc xây dựng ở đó sẽ vẫn tiếp tục vì điều đó là "chính đáng".
 
Đó không phải là một điểm sáng sau 2 năm Trung Quốc liên tiếp có các hành động khiêu khích như đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, giành quyền kiểm soát bãi cạn tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham sau một cuộc đối đầu với các lực lượng Philippines và triển khai trái phép một giàn khoan dầu trong vùng biển của Việt Nam.
 
Do vậy, các nhà quan sát quốc tế có thể băn khoăn liệu Trung Quốc có thực sự sẵn sàng muốn làm dịu bớt lập trường của họ trong các tranh chấp lãnh thổ.
 
Tại một diễn đàn triển vọng toàn cầu gần đây, nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore Kishore Mahbubani tiết lộ rằng ông đã được Trung Quốc đề nghị nói về “những sai lầm mà Trung Quốc đã mắc phải” và rằng có một cuộc tranh luận tại Trung Quốc về việc nước này sẽ trở thành một cường quốc như thế nào.
 
Một sự tự nhìn nhận như vậy là cần thiết nếu Bắc Kinh muốn tránh phủ nhận các nỗ lực nhằm chiến thắng các nước khác trên mặt trận kinh tế. Ông Tập đã nói về một “giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương” của sự thịnh vượng và phát triển chung tại hội nghị APEC ở Bắc Kinh hồi tháng trước. Tại cùng cuộc họp, Trung Quốc đã thiết lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á, khởi động quỹ Con đường tơ lụa và thúc đẩy Khu vực thương mại tự do cho châu Á-Thái Bình Dương.
 
Không mất nhiều thời gian để thấy rằng những kỳ vọng đáng giá như vậy sẽ luôn mâu thuẫn với chính sách ngoại giao pháo hạm (đe dọa dùng vũ lực).
 
Các lãnh đạo Trung Quốc đã phải thừa nhận sự phản tác dụng của một cách thức tiếp cận 2 mặt như vậy và phải tạo lòng tin đối với cam kết của ông Tập bằng cách ưu tiên cho các cuộc tham vấn. Một sự khởi đầu tốt cho Trung Quốc là đóng một vai trò tích cực nhằm đi đến thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
 
An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm