1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khi thành lũy của IS sụp đổ, Mỹ sẽ đối đầu trực tiếp với Iran

Dự đoán thành lũy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại TP. Raqqa, Syria, sẽ sụp đổ, các quan chức trong chính quyền Mỹ đang lên kế hoạch cho điều mà họ coi là giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.


Lực lượng Syria được Mỹ đào tạo dự kiến được cử đến Raqqa – thành trì của IS ở Syria. Ảnh: Goran Tomasevic.

Lực lượng Syria được Mỹ đào tạo dự kiến được cử đến Raqqa – thành trì của IS ở Syria. Ảnh: Goran Tomasevic.

Khi đó, Mỹ sẽ đối đầu trực tiếp với chính phủ Syria và các lực lượng của Iran để giành quyền kiểm soát vùng sa mạc rộng lớn trải dài khắp vùng phía đông của Syria.

Ở chừng mực nào đó, cuộc xung đột như vậy đã bắt đầu. Những cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ của Mỹ gần đây nhằm vào lực lượng thuộc phe của chính quyền Syria và được Iran hậu thuẫn là nhằm cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tehran rằng họ sẽ không được phép đối đầu hay cản trở người Mỹ hay các lực lượng thân Mỹ ở Syria.

Trái với những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump đã chính thức đưa nước Mỹ can dự vào cuộc xung đột ở Syria với hàng loạt những quyết định quân sự “lành ít, dữ nhiều”.

Trong khi các nhóm dân quân và quân đội Syria đã bắt đầu tiến về phía đông, nhiều quan chức cấp cao ở Nhà Trắng đang thúc giục Lầu Năm góc lập tiền đồn trên vùng sa mạc này. Mục tiêu là để ngăn chặn sự hiện diện của quân chính phủ Syria và Iran không gây trở ngại cho quá trình lực lượng của Mỹ phá hủy căn cứ của IS ở thung lũng sông Euphrates ở phía nam Raqqa và tiến vào Iraq. Tại khu vực ít người sinh sống này, các tay súng của IS có thể tái lập nhóm và tiếp tục các chiến dịch khủng bố nhằm vào phương Tây.

Các quan chức Mỹ nói rằng đòi hỏi của chính phủ Syria đối với khu vực này cũng sẽ làm ảnh hưởng xấu đến quá trình tiến tới giải quyết bằng chính trị cuộc chiến của các lực lượng phiến quân nhằm lật đổ ông Assad, khi những lực lượng này muốn ổn định đất nước bằng cách hạn chế quyền kiểm soát của Tổng thống Syria rồi cuối cùng là tước quyền lực của ông.

Sau nhiều năm Mỹ cố gắng đứng ngoài cuộc chiến Syria, một chiến lược như vậy sẽ dẫn đến khả năng Washington đối đầu trực tiếp với Iran và Nga – hai nước hậu thuẫn chính của ông Assad. Vì thế, vấn đề này đang được Nhà Trắng và Lầu Năm góc tranh luận căng thẳng.

Lực lượng Mỹ tại miền nam Syria đã bắn rơi một chiếc máy bay do thám không người lái do Iran sản xuất gần biên giới của Syria, Iraq và Jordan, cùng ngày máy bay Nga áp sát máy bay chiến đấu của Mỹ trên biển Baltic.

Một số quan chức trong Lầu Năm góc phản đối điều này vì lo ngại sẽ bị phân tán khỏi chiến dịch tiêu diệt IS và liệu binh lính Mỹ bị đưa đến những nơi hẻo lánh của Syria hay đến gần lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn có được an toàn hay không.

Những đồng minh châu Âu trong liên minh chống IS còn nghi ngờ liệu các lực lượng người Syria được Mỹ tuyển chọn và đào tạo có đủ đông và đủ khả năng thành công hay không.

Một quan chức giấu tên của Nhà Trắng gạt bỏ những lo ngại này. “Nếu bạn lo rằng bất kỳ sự cố nào ở bất kỳ đâu cũng có thể giúp Iran giành được lợi thế trước lực lượng dễ bị tổn thương của Mỹ…Nếu bạn không nghĩ Mỹ có những lợi ích thực sự đáng để chiến đấu, thì tốt thôi”, quan chức giấu tên nói.

Quan chức này cho rằng vai trò mở rộng của Mỹ sẽ không cần thêm quân, giống như chiến dịch “The Rat Patrol” vào những năm 1960 từng được chiếu trên truyền hình nói về các nhóm quân nhỏ được cử đến bắc Phi chống lại người Đức trong Thế chiến 2.

“Với năng lực của chúng ta, sức mạnh trên không của chúng ta thì không cần đòi hỏi nhiều để làm việc đó…Bạn không cần nhiều quân ra chiến trường và thực sự có mặt”, quan chức Mỹ nói.

Chưa thấy chiến lược

Nhiều quan chức Mỹ gạt bỏ các bài báo cho rằng Mỹ đang mâu thuẫn trong chiến lược với Syria. “Chẳng ai bất đồng về chiến lược hay mục tiêu. Câu hỏi đặt ra là thực hiện nó bằng cách nào là tốt nhất”, một quan chức giấu tên khác của Nhà Trắng nói.

Chính Lầu Năm góc chứ không phải Nhà Trắng đã ra quyết định bắn hạ các máy bay không người lái của Iran và một máy bay chiến đấu có người lái của chính phủ Syria để đáp trả các vụ tấn công lực lượng của Mỹ và thân Mỹ.

Ông Ilan Goldenberg, một cựu quan chức của Lầu Năm góc và nay đang phụ trách Chương trình Trung Đông của Trung tâm An ninh Mỹ mới, đồng ý rằng chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama “quá thận trọng” trong mọi quyết định ở Syria.

Nhưng ông Goldenberg cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump vẫn không đưa ra được chiến lược của mình. “Mơ hồ trong chiến lược nhưng sẵn sàng triển khai quân, họ hoàn toàn đang đi vào vũng bùn, và nguy cơ leo thang đang cực kỳ rõ ràng”, ông Goldenberg nhận xét. “Tôi biết tổng tống thích những kế hoạch bí mật. Nhưng tình hình này đòi hỏi sự rõ ràng về mục tiêu và những điều chúng ta sẽ và sẽ không tha thứ”, ông nói thêm.

Theo Bình Giang

Tiền phong