Khi quốc tịch trở thành hàng hóa mua bán
(Dân trí) - Khi càng nhiều người muốn thay đổi quốc tịch để tìm cơ hội mới, cũng là khi ngành “kinh doanh quốc tịch” bùng nổ kéo theo làn sóng di cư đến từ các nền kinh tế mới nổi.
Làn sóng nhập cư gia tăng
Các chương trình đầu tư nhập tịch đã tồn tại ở các nước phương Tây từ thế kỷ trước. Nội dung có thể khác nhau, nhưng đều chung một mục tiêu đó là các chính phủ sẽ khuyến khích những người nước ngoài đầu tư vào các dự án bất động sản, kinh doanh, mua tài sản hoặc đóng tiền trực tiếp cho chính phủ. Thứ họ nhận lại được sẽ là cơ hội được trở thành công dân của nước đầu tư với đặc quyền nhất định.
Ở các quốc gia phát triển, tình hình chính trị thường sẽ là yếu tố để người dân những nước này xem xét những lựa chọn ra đi. Điển hình như sau sự việc Anh rời EU, đã có nhiều người cân nhắc đi hay ở lại Anh.
Tuy nhiên, xu hướng của làn sóng nhập cư hiện tại lại tới từ những nền kinh tế mới nổi. Các nhà đầu tư tư nhân giàu có tại các quốc gia này đã hình thành nên xu hướng trên, một báo cáo của quỹ tiền tệ quốc tế cho hay.
Mặc khác, có nhiều người lựa chọn việc trở thành công dân đa quốc tịch để linh động hơn trong công việc của họ. Với đặc thù cần phải di chuyển nhiều giữa các quốc gia, họ lựa chọn trở thành công dân những nước được miễn visa khi nhập cảnh vào các nước khác nhiều nhất có thể. Ngoài ra đối với các doanh nhân, việc trở thành công dân đa quốc tịch cho họ nhiều lựa chọn để đầu tư kinh doanh hơn, cũng như chi trả thuế thấp hơn.
Dữ liệu từ chương trình đầu tư nhận thẻ xanh EB-5 của Mỹ cho thấy Trung Quốc “làm chủ cuộc chơi” với 80% lượng người đăng ký. Trong khi số hồ sơ từ Ấn Độ và Brazil tăng trưởng mạnh những năm gần đây, ông Peter Joseph, giám đốc điều hành tổ chức Invest In USA, tổ chức phụ trách mảng thương mại của chương trình đầu tư nhập tịch Mỹ, cho biết.
Cung - cầu quốc tịch và những tranh cãi
Mua quốc tịch ở các quốc gia vùng Caribbe được cho là dễ dàng hơn. (Ảnh: Getty)
Khu vực nhập cư nổi tiếng nhất là vùng Caribbe với mức đầu tư thấp, ít rủi ro và thời gian xử lý nhanh chóng. Ví dụ để trở thành công dân của quốc đảo Dominica, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 100.000 USD. Dĩ nhiên, quốc gia càng giàu thì mức giá phải trả cho quốc tịch càng cao. Chi phí cho một tấm hộ chiếu New Zealand là 1,06 triệu USD, trong khi mức giá ở Anh và Mỹ lần lượt là 1,28 triệu USD và 500.000 USD.
Với hầu hết quốc gia, đầu tư nhập tịch là một “món hời” cho nền kinh tế. Đơn cử như Mỹ, mỗi quý nước này kiếm được hơn 1 tỷ USD từ hạng mục này. Mặc dù mỗi năm Mỹ chỉ tiếp nhận 10.000 trường hợp, nhưng đã có tới 23.000 hồ sơ xếp hàng chờ xử lý, ông Joseph cho biết thêm.
Cho đến thời điểm hiện tại, có khoảng 23 quốc gia đang cung cấp các loại chương trình đầu tư cư trú, hoặc đầu tư nhập tịch. Một nửa quốc gia thành viên EU nằm trong danh sách này.
Tuy tạo nên xu hướng, nhưng dịch vụ kinh doanh quốc tịch vẫn tạo nên những tranh cãi. Vào đầu năm nay, hai thượng nghị sỹ Mỹ đã đệ trình dự luật chỉ trích sự “thiếu sót” chương trình đầu tư nhập cư EB-5. Một trong những lý do là việc chương trình đã gây ra sự bất công giữa người giàu - nghèo, và một chuỗi những lo ngại về hoạt động rửa tiền, tội phạm và đi "cửa sau" liên quan tới chương trình này.
Vụ điều tra tháng 4 của FBI về vụ lừa đảo sử dụng khoản đầu tư 50 triệu USD của nhà đầu tư Trung Quốc sai mục đích là ví dụ điển hình. Điều này khiến cho danh tiếng của chương trình EB-5 đang xấu đi.
Tuy nhiên trong một thế giới nơi biên giới bị đóng cửa thì nhu cầu cho dịch vụ đầu tư nhập tịch sẽ vẫn tiếp tục gia tăng, một chuyên gia nhận định.
Đức Hoàng
Theo BBC