DMagazine

Khí đốt Nga đi đường vòng, Trung Quốc vẽ lại bản đồ năng lượng?

(Dân trí) - Nga tìm cách chuyển hướng dòng chảy năng lượng từ châu Âu sang châu Á, mà trọng tâm là Trung Quốc, nhưng một phần dòng chảy đó có thể tiếp tục quay trở lại châu Âu.

KHÍ ĐỐT NGA ĐI ĐƯỜNG VÒNG, TRUNG QUỐC VẼ LẠI BẢN ĐỒ NĂNG LƯỢNG?

Nga tìm cách chuyển hướng dòng chảy năng lượng từ châu Âu sang châu Á, mà trọng tâm là Trung Quốc, nhưng một phần dòng chảy đó có thể tiếp tục quay trở lại châu Âu.

DỰ ÁN KHÍ ĐỐT TRONG KẾ HOẠCH "XOAY TRỤC" CỦA NGA

Những thành phố châu Âu về đêm không còn lung linh ánh đèn như trước kia. Người dân cũng bắt đầu làm quen với việc phải tiết kiệm điện, họ truyền tai nhau những bí quyết như tắm thật nhanh, lái xe chậm hơn và chuẩn bị tinh thần cho một mùa đông khắc nghiệt. Đó là khi châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Nga lần lượt khóa van khí đốt cho một số nước trong khu vực với lý do họ không đáp ứng yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp. Mối quan hệ giữa nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ khí đốt lớn nhất sứt mẻ vì xung đột Nga - Ukraine. Điều đó trở thành chất xúc tác đẩy nhanh chiến lược của Nga nhằm "xoay trục" sang châu Á, chuyển hướng dòng chảy năng lượng đến khu vực này.

Khí đốt Nga đi đường vòng, Trung Quốc vẽ lại bản đồ năng lượng? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp năm 2019 (Ảnh: TASS).

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm 15/9 cho biết, đường ống Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2), dự án mà Moscow và Bắc Kinh đã thảo luận nhiều năm, sẽ thay thế cho Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Dòng chảy phương Bắc 2 là đường ống dài 1.230km, trị giá 11,6 tỷ USD, nhằm đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu, chủ yếu là Đức. Khi đi vào hoạt động, nó sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m3/năm. Đường ống này đã được hoàn thành hồi tháng 9/2021.

Tuy nhiên, những căng thẳng do các lệnh trừng phạt của châu Âu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine khiến cho dự án chưa thể vận hành.

Trong khi đó, đường ống Sức mạnh Siberia 2 dự kiến sẽ vận chuyển khí đốt từ các mỏ trên bán đảo Yamal ở Tây Siberia, vốn là nguồn khí đốt chính cung cấp cho châu Âu, tới Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới và ngày càng sử dụng nhiều khí đốt.

Ý tưởng về dự án này được thúc đẩy khi những đường ống đầu tiên của Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) được đặt ở khu vực Yakutia, phía đông của Nga năm 2014. Đường ống dài 3.000km, đi qua Siberia và dẫn vào tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc.
Theo một bản đồ được tập đoàn Gazprom của Nga cung cấp, Sức mạnh Siberia 2 sẽ chạy qua phía đông Mông Cổ, đi vào vùng Nội Mông của Trung Quốc, cách không xa các trung tâm cư dân lớn như Bắc Kinh.

Gazprom bắt đầu tiến hành nghiên cứu tính khả thi của dự án vào năm 2020 và đặt mục tiêu bắt đầu vận hành từ năm 2030. Dự án đường ống 2.600km này có thể vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm. Lượng khí đốt đó gần bằng công suất tối đa của Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) - đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức đã ngừng hoạt động vô thời hạn từ đầu tháng 9 vì sự cố kỹ thuật.

Khoảng 1/3 lượng khí đốt Nga cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) chảy qua Dòng chảy phương Bắc 1.

Khí đốt Nga đi đường vòng, Trung Quốc vẽ lại bản đồ năng lượng? - 2

Nga và Trung Quốc đã đàm phán nhiều năm qua về việc xây dựng đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia 2 (Bản đồ: PA).

TRUNG QUỐC CÓ THỰC SỰ CẦN KHÍ ĐỐT?

Sau cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh nhất trí cùng xúc tiến việc thi công Sức mạnh Siberia 2.

Với Nga, sau khi cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu, họ cần tìm kiếm các thị trường mới. Moscow kỳ vọng Trung Quốc có thể thay thế châu Âu trở thành khách hàng tiêu thụ khí đốt lớn nhất.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng bởi Bắc Kinh được cho là không cần thêm nguồn cung khí đốt cho đến sau năm 2030. Một chuyên gia ngành năng lượng tại Bắc Kinh bình luận với Reuters: "Đây sẽ là cuộc đàm phán đặc biệt phức tạp, có thể kéo dài nhiều năm". Nói cách khác, Nga hiện cần thị trường xuất khẩu Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần một nhà cung cấp mới.

Đến nay, châu Âu vẫn là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga. Mỗi năm, khu vực này nhập khẩu khoảng 200 tỷ m3 khí của Moscow, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ của lục địa già.

Trong khi đó, theo Reuters, tập đoàn Gazprom của Nga đã và đang cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia theo hợp đồng trị giá 400 tỷ USD trong vòng 30 năm, được khởi động vào cuối năm 2019. Đường ống này dự kiến cung cấp 16 tỷ m3 khối khí đốt cho Trung Quốc trong năm nay, và sẽ tiếp tục tăng cho đến khi đạt công suất tối đa 38 tỷ m3 vào năm 2025. Con số này vẫn quá nhỏ so với lượng khí đốt mà Nga bán cho châu Âu.

Khí đốt Nga đi đường vòng, Trung Quốc vẽ lại bản đồ năng lượng? - 3

Trung Quốc luôn tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng (Ảnh: SCMP)

Trung Quốc từ lâu đã tìm cách đa dạng nguồn cung khí đốt và năng lượng nói chung đặc biệt sau những đợt thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng do Turkmenistan cắt giảm nguồn cung năm 2017 hay khi Mỹ siết trừng phạt Iran, Venezuela năm 2018-2019, khi các cơ sở dầu của Ả rập Xê út bị tấn công năm 2019.

Giới chuyên gia tin rằng, Bắc Kinh sẽ không muốn quá phụ thuộc vào bất cứ một đối tác nào trong lĩnh vực quan trọng này, kể cả Nga mặc dù nguồn cung từ Nga có lợi thế về khoảng cách địa lý, không phải đi qua eo biển Hormuz hay eo biển Malacca.

Đầu năm nay, Bắc Kinh đã đạt thỏa thuận mua khí đốt từ đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông của Nga. Khí đốt được vận chuyển thông qua một đường ống mới xuyên biển Nhật Bản đến tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. Đường ống này dự kiến đạt công suất 10 tỷ m3/năm vào khoảng năm 2026.

Ngoài ra, Trung Quốc đang nhập khẩu khí đốt từ Turkmenistan qua đường ống dẫn khí đốt Trung Á - Trung Quốc. Đường ống này bắt đầu từ khu vực biên giới giữa Turkmenistan và Uzbekistan, đi qua miền Trung Uzbekistan và miền Nam Kazakhstan, kết nối với Trung Quốc qua cửa khẩu ở khu tự trị Tân Cương. Nó có tổng chiều dài 1.833km, khả năng vận chuyển 60 tỷ m3 khí đốt/năm.

Bắc Kinh cũng đang đàm phán về một đường ống mới để nhập khẩu 25 tỷ m3 khí đốt/năm từ Turkmenistan qua Tajikistan và Kyrgyzstan.

Ngoài khí đốt, Trung Quốc còn có các hợp đồng dài hạn với Mỹ, Qatar và các tập đoàn dầu mỏ toàn cầu để nhập khẩu 42 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Hầu hết các lô hàng này sẽ bắt đầu cập bến Trung Quốc vào năm tới.

Với nguồn cung đa dạng như vậy, dự án đường ống khí đốt mới giữa Nga và Trung Quốc cuối cùng có thể chỉ là một lựa chọn nhập khẩu nữa cho Bắc Kinh, trong khi chưa thể giúp Nga giải bài toán "xoay trục" sang châu Á, ít nhất ở thời điểm này.

Ngoài Trung Quốc, các nền kinh tế lớn khác ở châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc những tháng qua đều tranh thủ nhập khẩu năng lượng giá rẻ từ Nga. Mặc dù vậy, họ cũng có những e dè nhất định khi tìm cách cân bằng quan hệ với Nga và phương Tây.

"Các nước châu Á vừa muốn tận dụng nguồn năng lượng giá rẻ, không cô lập Nga, song họ cũng không muốn bị xem là hỗ trợ Nga và muốn duy trì quan hệ tốt với phương Tây", Monica Hunter-Hart, phóng viên báo Nikkei Asia, nhận định

Thêm vào đó, việc chuyển đổi hệ thống cung ứng cũng đòi hỏi có thời gian đầu tư về cơ sở hạ tầng. Các đường ống của Nga đến châu Á hiện nay không đáp ứng đủ công suất để thay thế lượng khí đốt mà quốc gia này từng bán cho châu Âu trước khi khủng hoảng Ukraine nổ ra.

KHÍ ĐỐT NGA ĐI ĐƯỜNG VÒNG

Trong khi chưa thể thay thế EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất cho khí đốt Nga, Trung Quốc được cho là đang hưởng lợi nhờ mua khí tự nhiên giá rẻ của Moscow và cung cấp cho châu Âu với giá cao hơn.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến một số công ty Trung Quốc dư thừa khí LNG và họ đã xuất khẩu lượng khí đốt này sang châu Âu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang gia tăng các nguồn cung năng lượng nội địa bằng các nhà máy điện than, khiến nhu cầu về khí đốt tự nhiên ở quốc gia châu Á này giảm thêm.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu các lô hàng LNG từ Nga với mức giá chiết khấu cao. Nhà máy xuất khẩu LNG Sakhalin-2 ở phía Đông của Nga đã bán một số lô hàng cho Trung Quốc cho đến hết tháng 12 với mức giảm 50% so với giá giao ngay.

Khí đốt Nga đi đường vòng, Trung Quốc vẽ lại bản đồ năng lượng? - 4

Theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc, giá trị nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống vào Trung Quốc tăng gần 3 lần trong 8 tháng đầu năm nay lên xấp xỉ 2,4 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu riêng tháng 8 tăng 26,5% so với tháng trước đó.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng xuất khẩu kỷ lục 164 triệu USD khí LNG cho các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Malta, và 284 triệu USD cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Cả năm ngoái, giá trị xuất khẩu LNG của Trung Quốc chỉ đạt 7 triệu USD.
"Có vẻ như Trung Quốc được hưởng lợi rất lớn khi mua khí LNG của Nga với mức giá rẻ và bán lại trực tiếp cho châu Âu với mức giá cao hơn", ông Saul Kavonic, chuyên gia phân tích năng lượng của Credit Suisse, nhận định.

Theo báo Nikkei Asia, Trung Quốc có thể đã bán lại hơn 4 triệu tấn LNG cho châu Âu, chiếm khoảng 7% tổng lượng nhập khẩu của khu vực này trong nửa đầu năm nay. Hãng lọc hóa dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec Group cũng cho biết họ đang bán bớt lượng LNG dư thừa ra thị trường toàn cầu. Truyền thông Trung Quốc cho hay, kể từ đầu năm, Sinopec đã bán 45 lô LNG với tổng khối lượng khoảng 3,15 triệu tấn.

"Nếu châu Âu đang mua LNG từ Trung Quốc, một phần trong số đó có thể là LNG từ Nga, hoặc hỗn hợp. Tôi không tin là có những quy định về nguồn gốc xuất xứ của khí đốt. Suy cho cùng, đây là sự chuyển hướng của dòng chảy năng lượng", Anna Mikulska, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng, Đại học Rice, bình luận.

Bà Mikulska cũng cho rằng, bằng cách này, Trung Quốc, chứ không phải Nga, được hưởng lợi nhuận tăng thêm do chênh lệch giữa hợp đồng dài hạn và giao ngay trong bối cảnh giá năng lượng biến động mạnh bởi cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi đó, EU tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, song họ dường như phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ Trung Quốc, với một phần trong đó có thể đến từ Nga. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo, châu Âu không nên kỳ vọng các nhà cung cấp Trung Quốc bù đắp lượng khí đốt mà họ thiếu hụt. Hơn nữa, khi kinh tế Trung Quốc hồi phục, tình hình sẽ đảo ngược, khi đó EU sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn do phụ thuộc.

Vấn đề phương Tây lo ngại hơn là sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc có thể chi phối thị trường năng lượng toàn cầu. "Điều này sẽ không được giải quyết cho đến khi châu Âu tìm ra các nguồn cung thay thế. Đây là thách thức không hề đơn giản và chắc chắn sẽ không thể giải quyết vào mùa đông này", bà Anna Mikulska nhận định.

Minh Phương
Theo Reuters, DW, Nikkei, Asia Times, SCMP

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine