1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khe cửa hẹp cho bà Haley trong cuộc đối đầu với ông Trump

Quốc Thủy

(Dân trí) - Các chuyên gia đã phân tích nguyên nhân khiến cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành thắng lợi và cơ hội của các ứng viên đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử sơ bộ tại bang New Hampshire.

Khe cửa hẹp cho bà Haley trong cuộc đối đầu với ông Trump - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi lễ mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử sơ bộ tại bang New Hampshire (Ảnh: Reuters).

Không nằm ngoài dự đoán, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang New Hampshire. Kết quả này giúp ông tiến gần hơn tới cuộc "tái đấu" với Tổng thống Joe Biden, người được dự báo sẽ trở thành ứng viên của đảng Dân chủ.

Bản thân ông Biden dường như cũng đã nhận ra điều này. "Giờ đây, rõ ràng Donald Trump sẽ trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa", ông Biden tuyên bố hôm 23/1, theo CNN.

Giới chuyên gia Mỹ nhận định dù cơ hội với bà Nikki Haley, đối thủ lớn nhất của ông Trump trong đảng Dân chủ, vẫn còn, nhưng khả năng bà có thể "lật đổ" cựu tổng thống là không cao.

"New Hampshire là địa bàn tương đối thân thiện (với bà Haley) do đặc điểm cử tri và luật bầu cử cho phép các cử tri độc lập bầu cho bà trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Nếu bà ấy không thể giành chiến thắng ở đây, bà ấy khó có thể giành chiến thắng ở các nơi khác", giáo sư Chris Galdieri tại Đại học Saint Anselm, bang New Hampshire, Mỹ, nhận định với Dân trí.

Kết quả không khó đoán

Tính đến thời điểm 92% số phiếu được kiểm, ông Trump dẫn trước với gần 55% số phiếu bầu. Trong khi đó, bà Nikki Haley được hơn 43% cử tri ủng hộ, theo số liệu của New York Times.

Theo ông David Mark, biên tập viên cấp cao của tạp chí Washington Examiner, kết quả tại New Hampshire là thắng lợi lớn với ông Trump, dù khoảng cách về phiếu bầu giữa ông và bà Haley dường như thấp hơn điều đội ngũ tranh cử của cựu tổng thống mong muốn.

"Sau khi Thống đốc bang Florida Ron DeSantis từ bỏ chiến dịch tranh cử, bà Haley đánh cược toàn bộ chiến dịch của mình vào chiến thắng tại New Hampshire. Bà Haley tổ chức nhiều sự kiện tại New Hampshire, cũng như cố gắng thu hút các cử tri độc lập. Những nỗ lực này đem lại thành quả nhất định, nhưng chưa đủ để phá vỡ thế nắm chắc của ông Trump với bang này", ông Mark nhận định.

Tuy nhiên, ông Henry Olsen, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đạo đức và Chính sách công (EPCC), viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington (Mỹ), có suy nghĩ khác. Theo chuyên gia này, đây chưa hẳn đã là chiến thắng lớn đối với cựu Tổng thống Trump, ít nhất so với kết quả thăm dò dư luận trước bầu cử.

Theo khảo sát được NBC News, Boston Globe và Đại học Suffolk công bố hôm 21/1, ông Trump dẫn trước bà Haley tới 19 điểm phần trăm, Guardian đưa tin. Khảo sát khác được Washington Post và Đại học Monmouth công bố ngày 22/1 cũng cho thấy khoảng cách là 18 điểm phần trăm.

Một trong những lý do bà Haley có màn thể hiện tốt hơn so với kết quả của các cuộc thăm dò dư luận là sự ủng hộ của các cử tri độc lập. Theo khảo sát sau bầu cử của CNN, hai phần ba trong số đó bầu cho bà Haley. Theo luật bầu cử của bang New Hampshire, cử tri độc lập có quyền tham gia bầu cử sơ bộ với tư cách người không tuyên bố đảng phái.

"Điểm yếu của ông ấy (Donald Trump) nếu có thể vào đến vòng tổng tuyển cử cũng lộ rõ: Nhiều cử tri độc lập phản đối ông ấy", ông Olsen chỉ ra.

Giáo sư Galdieri cũng nhận định kết quả mà bà Haley giành được "tương đối tốt". "Điều này cho thấy nhiều cử tri Cộng hòa không đồng tình hoàn toàn với việc lần thứ ba đề cử ông Trump làm ứng viên", ông nói với Dân trí.

Tương lai của bà Haley

Khe cửa hẹp cho bà Haley trong cuộc đối đầu với ông Trump - 2

Bà Nikki Haley tuyên bố không bỏ cuộc bất chấp thất bại tại New Hampshire (Ảnh: Reuters).

Bất chấp thất bại tại New Hampshire, bà Haley vẫn khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch tranh cử.

"Cuộc đua vẫn chưa kết thúc. Vẫn còn hàng chục bang nữa", bà nói với những người ủng hộ sau khi các kết quả kiểm phiếu ban đầu cho thấy ông Trump sẽ là người thắng cử.

Bà Haley cũng tuyên bố ông Trump là đối thủ mà đảng Dân chủ đang chờ đợi. "Họ biết ông Trump là thành viên duy nhất của đảng Cộng hòa trên đất nước này mà ông Joe Biden có thể đánh bại", bà Haley nói.

Vào đầu tháng 2, các cử tri Cộng hòa tại bang Nevada và quần đảo Virgin thuộc Mỹ sẽ lựa chọn ứng viên tổng thống của đảng. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá cuộc đua lớn tiếp theo sẽ diễn ra tại bang South Carolina - quê nhà của bà Haley - vào ngày 24/2.

"Về lý thuyết, bà Haley sẽ có lợi thế lớn tại quê hương mình. Tuy nhiên, ông Trump rất được lòng người dân South Carolina. Nhiều quan chức dân cử trong bang cũng đã lên tiếng ủng hộ ông. Haley buộc phải thắng tại South Carolina nếu muốn tiếp tục chiến dịch tranh cử. Nếu thua - kể cả với khoảng cách nhỏ - bà ấy sẽ không còn lý do bám víu lấy chiến dịch", ông Mark chỉ ra.

Tại bang Nevada và quần đảo Virgin thuộc Mỹ, chỉ các cử tri Cộng hòa có đăng ký mới có quyền tham gia lựa chọn ứng viên tổng thống. Trong khi đó, tỷ lệ cử tri độc lập tại South Carolina thấp hơn nhiều so với New Hampshire. Những nhân tố này khiến cơ hội của bà Haley càng thêm hẹp.

Vì sao ông Trump giành chiến thắng?

Về phần mình, ông Trump tỏ ra tự tin trong bài phát biểu mừng thắng lợi.

"Chúng ta luôn giành chiến thắng. Chúng ta thắng bầu cử sơ bộ. Chúng ta chiến thắng trong tổng tuyển cử. (New Hampshire) là một bang tuyệt vời. Đây là nơi rất đặc biệt đối với tôi", ông nói với đám đông ủng hộ.

Giáo sư Galdieri chỉ ra thắng lợi của ông Trump đến từ chiến lược đã kéo dài nhiều năm qua của cựu tổng thống: Coi sự ủng hộ dành cho ông là một phần của bản sắc đảng Cộng hòa.

"Kết quả là nhiều người trong đảng của ông không coi vụ việc ngày 6/1, hay những lời buộc tội nhằm vào ông, hay phán quyết của tòa trong những vụ việc về hành vi phỉ báng, quấy rối tình dục hay gian lận trong kinh doanh, là yếu tố khiến ông không đủ tư cách tranh cử", giáo sư Galdieri cho biết.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cử tri Mỹ cũng có xu hướng bầu cho người được dự báo sẽ giành chiến thắng, hay thường được gọi là hiệu ứng "phù thịnh". Trong cuộc bầu cử của đảng Cộng hòa năm nay, ông Trump là người hưởng lợi từ nhân tố này, nhất là sau khi ông dẫn đầu tại bang Iowa trước đó.

"Theo tôi, các cử tri muốn ở cùng phe với người chiến thắng. Khi một ứng viên rõ ràng đang dẫn trước, cử tri sẽ đổ về phía người này, do đó họ không cảm thấy mình "lập dị". Theo tôi, đây là yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng giúp ông Trump có thêm ủng hộ tại New Hampshire trong 48 tiếng qua", ông Mark nhận định.

Dù đồng ý với nhận định này, ông Olsen cũng cho rằng ảnh hưởng của hiệu ứng trên sẽ giảm dần trong những cuộc bầu cử tiếp theo.

"Trong nền chính trị Mỹ, hiệu ứng "phù thịnh" thường bị đánh giá quá cao, nhưng dù sao vẫn thực sự tồn tại. Trong tuần qua, hiệu ứng này đã có lợi cho ông Trump, tuy vậy ông ấy vẫn không thể giành thắng lợi. Khi các cử tri South Carolina đi bầu ngày 24/2, mọi tác động đến từ chiến thắng của ông ấy tại Iowa đều đã phai mờ", ông Olsen cho biết thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm