1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khẩu chiến tại Hội đồng Bảo an vì khủng hoảng Ukraine

Phía Mỹ cho rằng, Nga phải gánh hậu quả do hành động mà Washington cho là “cuộc xâm lăng” ở miền Đông Ukraine.

Cuộc họp thứ 26 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine vào ngày 12/11, đã biến thành cuộc khẩu chiến giữa Mỹ, Ukraine và Nga.

Phía Mỹ cho rằng, Nga phải gánh hậu quả do hành động mà Washington cho là “cuộc xâm lăng” ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Nga bác bỏ việc nước này là mối đe dọa đối với Ukraine; đồng thời cáo buộc chính quyền Kiev vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở Minsk đã ký hôm 5/9 vừa qua.

Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Ảnh White House)
 
Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Ảnh White House)

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Phó Tổng thư ký lâm thời của Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị Jens Anders Toyberg-Frandzen cho biết, từ hôm 3/11 vừa qua, các hành động thù địch đã tái diễn ở miền Đông Ukraine, đe dọa phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn ở Minsk.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power đổ lỗi cho Nga và phe đối lập ở miền Đông Ukraine đã phá vỡ thỏa thuận ở Minsk trước. Bà Power cho rằng, sẽ không thể tìm được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine nếu chỉ có một bên là chính quyền ở Kiev tuân thủ lệnh ngừng bắn hôm 5/9.

Đại sứ Mỹ hối thúc cộng đồng quốc tế tạo áp lực lớn hơn để Nga phải tuân thủ thỏa thuận này.

Bà nhấn mạnh: “Chúng ta đã thấy điều Nga làm với Transnistria, Nam Ossetia, Abkhazia và Crimea. Vì thế câu hỏi lúc này không phải là Nga sẽ làm gì ở miền Đông Ukraine mà là cộng đồng quốc tế phải làm gì để ngăn chặn một cuộc xung đột nữa bị đóng băng ở châu Âu do Nga đạo diễn”.

Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Yuriy Sergeyev cho biết, nước này có tất cả những bằng chứng về việc họ đang bị bao vây bởi một đội quân khổng lồ. Ông Sergeyev đề nghị Nga giải thích, vì sao nước này duy trì 200 xe tăng, 1600 xe quân sự, 640 đơn vị pháo binh, 191 máy bay tấn công và 121 máy bay trực thăng chiến đấu dọc biên giới với Ukraine.

Cùng ngày, Tổng Tư lệnh lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, Tướng Philip Breedlove cũng cho biết, liên minh này vừa xác định được một số thiết bị quân sự từ Nga chuyển đến cho phe đối lập ở miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Alexander Pankin khẳng định trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, đánh giá của NATO không phản ánh tình hình thực địa.

Sau màn tranh cãi nảy lửa với Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Yuriy Sergeyev, ông Pakin nêu rõ: “Những trang thiết bị và lực lượng mà Nga triển khai hoàn toàn nằm trên lãnh thổ của chúng tôi. Họ không đe dọa Ukraine và cũngkhông di chuyển từ lãnh thổ của chúng tôi sang đó”.

“Vì thế, việc đưa những dự cảm ra trước Hội đồng Bản an Liên Hợp Quốc như thể sẽ có một cuộc tấn công lớn nhằm vào Ukraine sẽ không thực sự giúp ích cho những quyết định mang tính xây dựng của chúng ta, điều mà chúng tôi đang nỗ lực ủng hộ ở đây”.

Trong khi đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 12/11 cho biết, 2 tuần trở lại đây, thành phố cảng Mariupol thuộc vùng Donetsk là một trong những nơi chịu nhiều cuộc pháo kích nặng nề nhất từ phía lực lượng đối lập. Tổ chức này nhận định, đây là màn dạo đầu cho hoạt động quân sự quy mô lớn trong những ngày tới.

Ngày 12/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ra lệnh tăng cường binh sĩ đến các thành phố chủ chốt ở miền Đông và Nam Ukraine trước những động thái mà ông cho là phe đối lập ở Donetsk và Lugansk đang chuẩn bị một đợt tấn công quân sự mới.

Bình luận trước những diễn biến ở biên giới Nga-Ukraine, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết: “Trong tình huống này, việc tái vũ trang cho khu vực và chuẩn bị thêm cho các cuộc đối đầu quân sự chẳng giúp ích cho bất cứ ai. Chúng ta đang mất thêm thời gian mà đáng lẽ chúng ta phải dùng để đem lại sự ổn định chính trị và trên hết là ổn định kinh tế của Ukraine”.

Trước đó, Nga đã vắng mặt tại cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 11/11 về việc gia hạn chiến dịch quân sự của Liên minh châu Âu ở Bosnia-Herzegovina. Nga cho rằng, sứ mệnh này có thể là một nỗ lực để thúc đẩy Bosnia-Herzegovina gia nhập Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương dù trước đó Moscow ủng hộ chiến dịch này của Liên minh châu Âu.

Một quan chức ngoại giao giấu tên cho rằng, đây là ví dụ đầu tiên của việc bất đồng về Ukraine đang lan sang những vấn đề khác giữa châu Âu và Nga.

Ngày 12/11, nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) dự kiến gặp nhau tại Brussels, Bỉ ngày 17 tháng 11 tới nhưng ít khả năng họ sẽ thông qua các lệnh trừng phạt thêm đối với Nga./.

Theo Diệu Hương/VOV-Trung tâm Tin