Khẩu chiến Hàn-Triều có biến thành vũ lực?
Triều Tiên và Hàn Quốc đã có các cuộc đàm phán kéo dài tại làng đình chiến Panmunjom nhằm xoa dịu căng thẳng song phương nhưng cuộc gặp chưa kết thúc thì mỗi bên lại chỉ trích nhau gay gắt hơn.
Cuộc gặp bao gồm các đại diện cấp cao của hai bên. Phía Hàn Quốc có cố vấn an ninh quốc gia Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo, còn phía Triều Tiên cử các quan chức cấp cao Hwang Pyong-so và Kim Yong-gon. Ông Hwang được đánh giá là nhân vật số 2 của Chủ tịch Kim Jong-un.
Lính Hàn Quốc tuần tra trên đảo Yeonoyeong. (Ảnh: AP)
Giới quan sát coi cấp bậc cao của hai đại diện Triều Tiên, đặc biệt là ông Hwang, như một chỉ dấu về các ý định của Bình Nhưỡng. Còn sự hiện diện của Kim Yang Gon có thể cho thấy Triều Tiên thực sự muốn có các cuộc đàm phán sâu rộng và nghiêm túc.
Đối thoại diễn ra trong bối cảnh cả hai bên đều suy giảm lòng tin vào nhau. Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với hãng tin CNN rằng Triều Tiên đã tăng gấp đôi sức mạnh hỏa pháo ở tiền tuyến so với trước khi cuộc gặp được đề xuất.
Nguồn tin này cho biết thêm, trong cùng khoảng thời gian, 70% số tàu ngầm của Triều Tiên đã rời căn cứ. Truyền thông địa phương nêu cụ thể số tàu ngầm tuần tra là khoảng 50 chiếc, mặc dù không rõ chúng di chuyển như thế nào.
"Họ đang thể hiện hai bộ mặt", nguồn tin giấu tên bình luận. "Có vẻ như miền Bắc một mặt theo đuổi đối thoại còn mặt kia chuẩn bị cho chiến sự".
"Các lực lượng chung giữa Hàn Quốc và Mỹ hiện đang nỗ lực hết sức để phản ứng trước tình hình", quan chức này nói thêm.
Ở phía Triều Tiên, các ngôn từ được dùng nhằm vào Hàn Quốc gay gắt hơn. "Những kẻ hiếu chiến bị giật giây phía nam Triều Tiên chạy điên cuồng để đối đầu, bắn đạn pháo vào khu vực thuộc phía CHDCND Triều Tiên", một bài viết trên hãng thông tấn KCNA có đoạn như vậy. Trước đó, Triều Tiên liên tiếp đưa ra những lời đe dọa đối với Seoul.
Sáng 24/8, khi đối thoại song phương còn chưa kết thúc, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đòi Bình Nhưỡng phải xin lỗi. "Chúng tôi cần một lời xin lỗi rành rọt và các biện pháp để ngăn chặn sự gây hấn và tình hình căng thẳng như vậy lặp lại", bà Park nói tại một cuộc gặp với các phụ tá cấp cao.
Cùng trong buổi sáng, báo Rodong Sinmun của Triều Tiên đăng tải bài viết chỉ trích Seoul đã gây nên căng thẳng, đẩy tình hình chính trị trên bán đảo lên mức nguy hiểm theo các kế hoạch, để từ đó cùng với Mỹ xâm lược Triều Tiên.
Căng thẳng giữa hai bên leo thang đặc biệt nghiêm trọng trong tháng này, sau khi Hàn Quốc nối lại các chương trình phát thanh tuyên truyền chống lại nước láng giềng phía bắc. Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng chịu trách nhiệm cho vụ nổ mìn ở vùng phi quân sự ngăn cách hai bên khiến hai lính Hàn Quốc bị thương. Phía Bình Nhưỡng phủ nhận và cũng nối lại các chương trình phát thanh chống quốc gia phía nam.
Trong bối cảnh căng thẳng song phương đang đẩy bán đảo vào bờ vực chiến tranh, gây quan ngại cho sự ổn định của khu vực thì việc Triều Tiên và Hàn Quốc chọn đối thoại thay vì hành động trả đũa được đánh giá là một tín hiệu tốt, dọn đường cho hai đối thủ tránh được một cuộc xung đột tức thì.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích ở Seoul đang quan ngại về việc hai bên có thể đang đứng ở vị trí quá xa để trông chờ một sự đồng thuận nhanh chóng.
Theo Thanh Hảo
Vietnamnet