1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên triển khai 20 tàu đổ bộ ở biên giới trên biển với Hàn Quốc

(Dân trí) - Triều Tiên đã triển khai khoảng 20 tàu đổ bộ đệm khí gần biên giới với Hàn Quốc ở Hoàng Hải, trong bối cảnh Bình Nhưỡng tăng cường sự sẵn sàng chiến đấu, bất chấp các cuộc đối thoại với Seoul nhằm hóa giải căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

 

Triều Tiên triển khai 20 tàu đổ bộ ở biên giới trên biển với Hàn Quốc - 1

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một chuyến thị  sát (Ảnh: AFP)

Các nguồn tin quân sự cho biết với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc rằng khoảng 20 tàu đổ bộ đệm khí của Triều Tiên đã rời căn cứ tại quận duyên hải Cholsan ở tây bắc Triều Tiên và tiến tới vùng biển gần Nampo, một thành phố cảng nằm ở phía nam.

Một số tàu được nhìn thấy di chuyển xa hơn về phía nam để tới căn cứ hải quân Goampo, nằm trên Đường giới hạn phía bắc - biên giới trên biển giữa hai miền ở Hoàng Hải - khoảng 60 km.

Triều Tiên có 2 loại tàu đệm khí. Một trong số đó là tàu lớp Gongbang II 35 tấn, có thể di chuyển với tốc độ từ 74-96 km/h. Một loại là tàu lớp Gongbang III 20 tấn, có tốc độ tối đa 96 km/h.

Với nhiệm vụ vận chuyển các lực lượng đặc nhiệm vào bờ, tàu đổ bộ là một trong 3 phương tiện xâm nhập chính của Triều Tiên.

“Các tàu đệm khí, một phương thức xâm nhập, di chuyển với sự hộ tống của các tàu hải quân khác”, một trong số các nguồn tin cho hay. Triều Tiên cũng có thể đưa các tàu hộ tống vào hoạt động trong khuôn khổ triển khai.

Triều Tiên cũng triển khai 2 lực lượng xâm nhập - khoảng 50 tàu ngầm và pháo binh đặc biệt - gần biên giới sau khi nước này tuyên bố tình trạng bán chiến tranh, với tư thế sẵn sàng chiến đấu cao hơn.

Hôm 21/8, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố tình trạng bán chiến tranh, đe dọa rằng nước này sẵn sàng bước vào một “cuộc chiến tổng lực” trong bối cảnh căng thẳng quân sự liên Triều leo thang sau vụ đấu pháo ở biên giới.

Giữa lúc hai miền Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh, Bình Nhưỡng và Seoul đã tổ chức các cuộc đối thoại cấp chính phủ kể từ ngày 22/8 để hóa giải tình hình, nhưng chưa đạt được tiến triển lớn nào cho tới nay.

Trong khi các cuộc đối thoại đang tiếp diễn, quân đội Triều Tiên đã tăng cường sự sẵn sàng chiến đấu.

“Kể từ khi Bình Nhưỡng tuyên bố tình trạng bán chiến tranh, mọi động thái của quân đội Triều Tiên đang được giám sát bởi các thiết bị theo dõi chung của Hàn Quốc và Mỹ”, một nguồn tin của Hàn Quốc cho hay.

An Bình