Khánh thành cầu xuyên biên giới: Cánh cửa giúp Triều Tiên giữa vòng xoáy trừng phạt
(Dân trí) - Việc khánh thành cây cầu mới nối biên giới với Trung Quốc có thể giúp Triều Tiên tăng cường khai thác du lịch và phát triển kinh tế trong bối cảnh phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, Trung Quốc và Triều Tiên đã chính thức khánh thành cây cầu mới bắc qua sông Áp Lục vào sáng 8/4. Cây cầu nối thành phố Tập An, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc với thành phố Manpo, tỉnh Changan ở biên giới phía bắc Triều Tiên.
Vào 8h20 sáng nay, 4 xe buýt chở 120 khách du lịch đã khởi hành từ Triều Tiên, di chuyển qua cầu mới khánh thành và tới Trung Quốc. Một giờ sau đó, những chiếc xe này tiếp tục quay trở lại Triều Tiên.
Dự án xây cầu Tập An - Manpo được Trung Quốc và Triều Tiên nhất trí thông qua vào tháng 5/2012. Tới năm 2016, cầu được hoàn thành.
Tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên nên thời điểm chính thức thông cầu bị hoãn lại sau nhiều năm. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên, hai nước đồng minh láng giềng, cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này.
Sự kiện khánh thành cây cầu mới diễn ra cùng thời điểm quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên được cải thiện sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc 4 lần trong 13 tháng.
Thành phố Tây An nằm ở khu vực trung lưu của sông Áp Lục. Đây được xem là trung tâm của các hoạt động thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc, cùng với thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh ở cửa sông Áp Lục.
Cây cầu mới khánh thành nối biên giới Trung - Triều. (Ảnh: Yonhap)
Một nguồn tin ở khu vực biên giới chia sẻ với hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) rằng các chính quyền cấp tỉnh tại Trung Quốc dường như đang nỗ lực tăng cường hợp tác với Triều Tiên để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
“Tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên chưa được thực thi, nhưng môi trường xung quanh Trung Quốc và Triều Tiên dường như đã thay đổi phần nào. Trung Quốc không thể mở rộng hợp tác kinh tế với Triều Tiên vì còn cân nhắc mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ. Tuy vậy, việc khánh thành cây cầu mới là dấu hiệu cho thấy sự mở rộng của các hoạt động trao đổi kinh tế song phương”, nguồn tin cho biết.
Trong một động thái có liên quan, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng một tuyến đường cao tốc nối Tây An với Thông Hóa, một thành phố công nghiệp ở tỉnh Cát Lâm. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc và Triều Tiên có thể đang thành lập một tuyến hậu cần song phương mới.
Triều Tiên được cho là cũng muốn thêm nguồn thu ngoại tệ bằng cách sử dụng cây cầu mới để mở rộng thương mại với Trung Quốc, đồng thời thu hút thêm khách du lịch. Tháng 4/2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tuyên bố Triều Tiên sẽ chuyển từ chính sách phát triển đồng thời cả vũ khí hạt nhân và kinh tế sang chính sách chỉ tập trung phát triển kinh tế.
Boo Seung-chan, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên Yonsei tại Seoul, Hàn Quốc, cho rằng mục đích sử dụng chính của cây cầu là nhằm thúc đẩy du lịch tại Triều Tiên vì đây là lĩnh vực không bị cấm bởi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
“Du lịch là lĩnh vực duy nhất còn lại cho Triều Tiên để kiếm ngoại tệ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chỉ có thể giúp đỡ tài chính (Triều Tiên) thông qua lĩnh vực du lịch vì Trung Quốc cũng không muốn vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc”, giáo sư Boo nhận định.
Thành Đạt
Tổng hợp