1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khai quật mộ cố Tổng thống Ba Lan để điều tra vụ tai nạn máy bay

Gia đình cố Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski vào ngày 16-10 đã chấp thuận yêu cầu khai quật mộ cố Tổng thống từ phía cơ quan điều tra.

"Tôi đồng ý với quyết định của công tố viên về việc khai quật", hãng tin AFP hôm 16-10 dẫn lời ông Jaroslaw Kaczynski, người em song sinh của ông Lech Kaczynski, hiện là lãnh đạo đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS).

Các công tố viên Ba Lan thông báo sẽ mở nắp quan tài những nạn nhân, vốn bị niêm phong tại Nga, để tiến hành phân tích, xác định rõ hơn về nguyên nhân gây ra thảm kịch.

Vụ rơi máy bay chở tổng thống và 88 thành viên Chính phủ Ba Lan năm 2010 là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất ở Ba Lan kể từ sau Thế chiến II, gây ra mối bất đồng sâu sắc bên trong quốc gia này trước nguyên nhân vụ việc, mặc dù chính phủ tiền nhiệm đã kết luận lỗi là do phi công điều khiển máy bay và điều kiện thời tiết xấu. Mối bang giao giữa Nga và Ba Lan vốn không hề êm ấm hàng chục năm qua khi đó càng xấu đi.

Ảnh chụp màn hình xác chiếc máy bay gặp nạn tại Smolenk. Ảnh: Reuters.
Ảnh chụp màn hình xác chiếc máy bay gặp nạn tại Smolenk. Ảnh: Reuters.

Ông Kaczynski đắc cử Tổng thống Ba Lan vào tháng 12-2005 ở tuổi 60 sau khi đánh bại đương kim Thủ tướng Tusk trong cuộc bầu cử cùng năm. Ngày 10-4-2010, Tổng thống Ba Lan tới Nga để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày hàng chục nghìn binh sĩ Ba Lan bị sát hại tại rừng Katyn và một số nơi khác trên lãnh thổ Liên Xô cũ trong Thế chiến II.

6 giờ 56 phút (giờ GMT), chiếc máy bay TU-154 chở ông Lech Kaczynski và phu nhân gặp nạn khi chuẩn bị hạ cánh ở sân bay Smolensk miền tây nước Nga. Chiếc máy bay này được sản xuất từ thời Liên Xô và đã hoạt động ít nhất 20 năm. Ông Sergei Anufriev, Thống đốc vùng Smolensk cùng đội cứu hộ tức tốc tới ngay hiện trường nhưng khi đến nơi, họ nhận thấy dù có gọi lực lượng cấp cứu cũng vô ích bởi toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã tử vong, chiếc máy bay vỡ tan thành nhiều mảnh đang bốc cháy ngùn ngụt.

Theo như kết quả điều tra ban đầu được công bố thì viên phi công điều khiển đã xem thường cảnh báo tình trạng sương mù, cố cho máy bay hạ cánh xuống một sân bay ít được sử dụng. Trong số 96 người tử nạn có đến 88 thành viên Chính phủ Ba Lan.

Theo phát ngôn viên ngoại giao Ba Lan, danh sách hành khách ban đầu có 89 người, nhưng một người không kịp có mặt để lên chuyến bay định mệnh dài một tiếng rưỡi đồng hồ từ Warsaw đến Nga. Ngoài Tổng thống Ba Lan và phu nhân, 3 quan chức cao cấp của Ba Lan khi ấy gồm Tổng tham mưu trưởng quân đội Franciszek Gagor, Thống đốc Ngân hàng quốc gia Slawomir Skrzypek và Thứ trưởng Ngoại giao Andrzej Kremoer có tên trong danh sách những hành khách xấu số.

Ủy ban của Liên bang Nga điều tra nguyên nhân vụ tai nạn lập tức được thành lập, với người đứng đầu là ông Valdimir Putin, khi đó đương chức Thủ tướng. Phía Ba Lan cũng lập ủy ban điều tra riêng của mình.

Đến ngày 20-6, tập tài liệu dày khoảng 1.300 trang của Nga điều tra về vụ tai nạn máy bay làm Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski thiệt mạng được Moscow chuyển cho Warsaw. Hồ sơ bao gồm lời khai của các nhân chứng và hình ảnh hiện trường vụ tai nạn, số tài liệu này được chuyển cho văn phòng công tố quân sự Ba Lan, cơ quan đang phụ trách điều tra.


Linh cữu Tổng thống Ba Lan và những thành viên cao cấp chính phủ được đưa về Sân bay quốc tế Chopin Warsaw.

Linh cữu Tổng thống Ba Lan và những thành viên cao cấp chính phủ được đưa về Sân bay quốc tế Chopin Warsaw.

Người đứng đầu Ủy ban điều tra vụ tai nạn của Ba Lan Edmund Klich nói rằng, phi công đã bỏ qua mọi cảnh báo từ hệ thống điều khiển tự động của máy bay. Ông Klich còn tiết lộ, vào thời điểm trước khi tai nạn xảy ra, Tư lệnh không lực Ba Lan Andrej Blasik có mặt trong buồng lái.

Vụ trưởng Lễ tân của Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng có mặt trong khoang này. Không chờ đến khi nhận được tài liệu điều tra từ phía Nga, từ ngày 1-6-2010, giới chức Ba Lan đã cho công bố nội dung những đoạn hội thoại trong buồng lái của chiếc máy bay TU-154. Nội dung các cuộc hội thoại cho thấy, hệ thống trên máy bay liên tục yêu cầu phi công lấy lại độ cao.

Tiếng phi công chửi thề cũng được hộp đen của máy bay ghi lại. 16 phút trước khi máy bay gặp nạn, các nhà kiểm soát không lưu của Nga cũng cảnh báo phi công Ba Lan về tình hình thời tiết. Khi đó, sân bay ở Smolensk, nơi mà đoàn đại biểu Ba Lan định hạ cánh xuống, dày đặc sương mù.

"Cảm ơn các vị. Nếu có thể, chúng tôi vẫn sẽ cố hạ cánh. Nhưng nếu thời tiết không thuận lợi, chúng tôi sẽ chờ thử lần hai", cơ trưởng trên chiếc TU-154 nói. 1 phút sau, các phi công thông báo với Vụ trưởng lễ tân của Bộ Ngoại giao Mariusz Kazana rằng, máy bay không thể hạ cánh. "Vậy thì chúng ta gặp rắc rối rồi", vị quan chức này nói. 10 phút sau đó, Kazana nói với phi công: "Tổng thống vẫn chưa quyết định sẽ làm thế nào". 3 phút trước khi hạ cánh, một người không rõ danh tính nói: "Ông (hoặc bà ấy) sẽ khó chịu nếu ..."

Sau thảm họa, nhiều người cho rằng hành khách - có thể bao gồm cả tổng thống - đã gây áp lực buộc phi hành đoàn hạ cánh xuống Smolensk. Các chuyên gia hàng không của Nga cho rằng, chính "hội chứng hành khách VIP" đã góp phần gây ra thảm họa rơi máy bay, bởi trước đây Tổng thống Lech Kaczynski từng định sa thải một phi công không tuân theo đòi hỏi của ông là hạ cánh xuống vùng nguy hiểm.

Chuyện này xảy ra vào tháng 8-2008, ông Kaczynski đã "tức giận la mắng" một phi công khi anh này không tuân lệnh ông hạ cánh xuống Gruzia - khi đó đang có chiến sự. Sau đó, Tổng thống muốn sa thải cơ trưởng Grzegorz Pietuczak khỏi không quân Ba Lan vì cứng đầu cứng cổ. Tuy nhiên, Thủ tướng Donald Tusk đã can thiệp để chuyện đó không xảy ra. Pietuczak về sau được thưởng huân chương vì đã thi hành trách nhiệm của mình một cách độc lập và tỉnh táo, không hạ cánh xuống nơi bị đánh giá là nguy hiểm.

Viktor Timoshkin, một chuyên gia hàng không, phát biểu với tờ Telegraph: "Đúng là hội chứng hành khách VIP. Bộ phận kiểm soát không lưu yêu cầu máy bay chuyển hướng. Tôi chắc chắn là phi hành đoàn báo cáo lại điều này với Tổng thống Ba Lan, nhưng vì một lý do nào đó, ông ấy đã hạ lệnh hạ cánh".

Một kiểm soát viên không lưu giàu kinh nghiệm ở sân bay Smolensk có một dự đoán gây tranh cãi khi cho rằng, có khả năng phi công Ba Lan không hiểu tiếng Nga, nên mới gây ra thảm kịch. "Họ phải thông báo cho chúng tôi về độ cao khi bắt đầu hạ cánh - ông này nói - Nhưng họ lại không nói".

Khi được hỏi tại sao như vậy, kiểm soát viên đoán: "Bởi họ kém tiếng Nga. Trong số họ cũng có người nói được tiếng Nga, nhưng không phải ai cũng nghe hoặc nói tốt". Thi thể của Tổng thống Ba Lan Kaczynski được nhận diện ngay trong hôm xảy ra tai nạn nhờ người em sinh đôi của ông là cựu Thủ tướng Jarroslaw vì ông này đến tận hiện trường. Linh cữu của Tổng thống được đưa về Ba Lan hôm 11-4 trong sự thương tiếc của người dân Ba Lan.

Ngày 4-2-2016, chính phủ mới thành lập của Ba Lan thông báo mở lại cuộc điều tra vụ rơi máy bay chở Tổng thống Lech Kaczynski. Quyết định điều tra lại vụ tai nạn được em trai song sinh của cố Tổng thống Lech Kaczynski, ông Jaroslaw Kaczynski, hiện giờ là thủ lĩnh Đảng Luật pháp và Công lý (PiS), người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 10-2015, ban hành.

Ông Jaroslaw đề cập tới khả năng một vụ nổ xảy ra trong cabin khiến máy bay bị rơi. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cũng đồng tình với ý kiến này vì máy bay "bị phá tan thành nhiều mảnh khi cách mặt đất vài chục mét".

Mặc dù PiS chưa bao giờ cáo buộc Nga đứng sau vụ tai nạn nhưng khẳng định Điện Kremlin "được hưởng nhiều lợi ích" liên quan đến thảm kịch. Những người thiệt mạng trên máy bay ngoài cố Tổng thống Lech Kaczynski còn có Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan, các tướng lĩnh quân đội cao cấp và một số nhà lập pháp.

Người em song sinh Jaroslaw Kaczynski đặt vòng hoa trước bức chân dung của anh trai, cựu Tổng thống Lech Kaczynski và phu nhân Maria Kaczynska, tại Phủ Tổng thống Warsaw.
Người em song sinh Jaroslaw Kaczynski đặt vòng hoa trước bức chân dung của anh trai, cựu Tổng thống Lech Kaczynski và phu nhân Maria Kaczynska, tại Phủ Tổng thống Warsaw.

Vụ tai nạn khiến Chính phủ Ba Lan chìm trong giai đoạn bất ổn chính trị trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử thành lập nội các mới. Các thành viên PiS cũng cáo buộc Nga kéo dài cuộc điều tra riêng của mình và giữ lại nhiều bằng chứng quan trọng, bao gồm hộp đen và các mảnh vỡ máy bay.

Đây không phải là lần đầu tiên Ba Lan công khai kế hoạch khai quật mộ cố Tổng thống Lech để điều tra. Hồi tháng 4-2016, Warsaw cũng đã đưa ra quyết định tương tự. Quyết tâm điều tra lại vụ việc được đưa ra bởi chính quyền đương nhiệm nghi ngờ giới cầm quyền trước đây của Ba Lan đã che giấu các tài liệu liên quan đến thảm họa máy bay Tu-154 ở Smolensk khiến Tổng thống Lech Kaczynski thiệt mạng cũng như "thông tin sai lệch tới công chúng".

Hôm 11-5, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Anthony Macherevich tuyên bố trước Hạ viện Ba Lan: Nhà chức trách Ba Lan trước đây đã che giấu "những nguyên nhân thực sự và tiến trình sự kiện" trong vụ tai nạn máy bay Tu-154. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan nhấn mạnh "các tài liệu quan trọng đã bị giấu đi, kể cả tài liệu về khoảng thời gian cuối cùng trong chuyến bay của chiếc Tu-154.

Ông Macherevich nêu rõ: "Họ đã cung cấp dữ liệu cho Viện công tố kiểm tra, nhưng theo cách để không thể hiểu được giá trị và nội dung đích thực của chúng. Họ giữ lại những tài liệu quan trọng, kể cả những tài liệu về quỹ đạo chiếc Tu-154 trong khoảng thời gian cuối cùng của chuyến bay". Theo vị bộ trưởng này, "cơ quan tình báo quân đội đã tích cực tham gia giả mạo và che giấu thông tin". Ngoài ra, vị này còn úp mở cho rằng vụ tai nạn có liên quan đến Nga.

Trước đây, Ba Lan đã tiến hành khai quật mộ của một số người đi cùng chuyến bay và cho thấy kết quả bất ngờ. Theo yêu cầu từ gia đình nạn nhân, tháng 10-2012, thi thể cựu Tổng thống Ba Lan Ryszard Kaczorowski được khai quật để xét nghiệm ADN và cho kết quả đúng. Tới tháng 11-2012, Ba Lan lại kiểm tra pháp y xác nhận nghi ngờ này là đúng. Hai nạn nhân đã bị lẫn lộn và an táng sai trong hầm mộ. Báo chí Ba Lan cho biết hai người bị nhầm đều là tu sĩ Công giáo.

Công tố viên quân đội, Đại tá Marcin Maksjan phỏng đoán rằng gia đình đã xác định đúng người thân ngay sau vụ tai nạn nhưng tại Viện pháp y Moscow, Nga, các bác sĩ đã để các tử thi nhầm vào quan tài dẫn đến những nhầm lẫn này.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk lại đổ lỗi cho gia đình đã nhận nhầm thân nhân và nói rằng không hiểu tại sao gia đình lại cứ muốn khai quật tử thi người thân. Tính đến cuối năm 2012, trong tổng số 9 lần khai quật, có đến sáu trường hợp nhầm lẫn về nhân thân.

Ngay khi thông tin Ba Lan sẽ tiến hành khai quật mộ cố Tổng thống Lech, đại diện phía Nga cho rằng, động thái này không gì khác là để chống lại Moscow từ phía Warsaw. Ba Lan đã tìm cách lợi dụng tai nạn với chiếc máy bay TU-154 như "một phương tiện gây chiến tranh thông tin chống Nga" - Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Leonid Kalashnikov nêu ý kiến.

Nghị sĩ Nga bình luận về lời tuyên bố của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ba Lan Anthony Macierewicz cáo buộc Chính phủ Donald Tusk ngụy tạo bản báo cáo về vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của cố Tổng thống Lech Kaczynski.

Ông Kalashnikov nhấn mạnh rằng, thái độ của Warsaw đối với Moscow đã và luôn luôn tiêu cực, vì thế trong bất kỳ trường hợp nào Ba Lan sẽ không hài lòng với kết quả điều tra. "Thế giới đã thay đổi và bây giờ có thái độ lạnh nhạt hơn với Nga. Cuộc chiến tranh thông tin đã bắt đầu và đang tiếp diễn. Ba Lan cũng cố gắng "té nước theo mưa", vì vậy, họ tiếp tục lợi dụng mọi cơ hội để chống Nga", ông Kalashnikov cho biết.

Theo Quốc Hùng (tổng hợp)

An ninh thế giới