1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khai mạc hội nghị an ninh hạt nhân tại Seoul

(Dân trí) - Một hội nghị thượng đỉnh bàn về các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ khủng bố hạt nhân trên khắp thế giới hôm nay sẽ khai mạc tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

 
Khai mạc hội nghị an ninh hạt nhân tại Seoul

Các cảnh sát đi tuần trước Trung tâm triển lãm và hội nghị (COEX) ở Seoul trước hội nghị hạt nhân.
 
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo và đại diện tới từ hơn 50 quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào...

Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự hội nghị này.

Sự kiện kéo dài 2 ngày sẽ bàn về cách thức kiềm chế mối đe doạ khủng bố hạt nhân, nhưng các kế hoạch hạt nhân của Triều Tiên dự kiến cũng sẽ được thảo luận bên lề hội nghị.

Trước đó, Hàn Quốc, nước chủ nhà của hội nghị, đã tăng cường các biện pháp an ninh để chuẩn bị cho hội nghị, diễn ra tại Trung tâm triển lãm và hội nghị (COEX) ở thủ đô Seoul.

Hội nghị tại Hàn Quốc là sự tiếp nối của một hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Washington cách đây 2 năm do Tổng thống Mỹ Obama chủ trì, vốn khởi động các nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ phổ biến nguyên liệu hạt nhân.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, đã có những lo ngại về việc nhiên liệu hạt nhân có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố hoặc các phần tử cực đoan.

Tại Mỹ, những lo ngại như vậy càng gia tăng sau các vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào New York và Washington. Mỹ và các đồng minh chủ chốt - như Anh - tin rằng al-Qaeda đang tìm cách sở hữu nhiên liệu để chế tạo bom phóng xạ hoặc hạt nhân.

Hồi tháng 4/2010, Tổng thống Obama đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh tại Washington, vốn đặt mục tiêu tham vọng là đặt nguyên liệu hạt nhân ngoài tầm tay khủng bố trong vòng 4 năm tới.

Một số tiến bộ đã đạt được, như Chile giao nhiên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí cho Mỹ, Kazakhstan di chuyển nhiên liệu đã qua sử dụng tới một địa điểm an toàn và Ukraine chuyển nhiên liệu có thể tách rời tới một địa điểm cất giữ tại Nga.

Nhưng những tiến bộ vẫn còn hạn chế, một phần là vì mục tiêu đặt ra năm 2010 còn mơ hồ mà không có một thời gian biểu hoặc kế hoạch hành động cụ thể. Giờ đây, sau 2 năm, hội nghị tại Seoul lần này sẽ cố gắng tạo ra động lực mới.

An Bình
Theo AP, BBC