1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khác biệt không dễ dung hòa

Trong chuyến công du hai ngày tới Trung Quốc vừa kết thúc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một lần nữa khẳng định mong muốn xây dựng mối quan hệ nước lớn giữa cường quốc hàng đầu thế giới.

Mục tiêu này đã được xác định như một định hướng cho quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên, điều đó không diễn ra suôn sẻ khi cả hai có những lợi ích khác biệt trong một thế giới đang có sự thay đổi nhanh chóng.
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp tại Bắc Kinh

Vì vậy, như để khẳng định chính sách chuyển dịch trọng tâm sang Châu Á, Ngoại trưởng Kerry mang theo thông điệp bày tỏ mối lo ngại ngày càng gia tăng của Mỹ và các nước trong khu vực trước những căng thẳng tại khu vực Biển Đông. Phía Mỹ cho rằng việc tuyên bố chủ quyền trên quy mô rộng lớn và những hành động nhằm thay đổi hiện trạng ở các đảo ở Biển Đông của Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến ổn định khu vực.
 
Tại cuộc gặp với các quan chức cao cấp Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington cảm thấy băn khoăn về tốc độ và phạm vi cải tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Kerry nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phải giảm căng thẳng và tăng triển vọng cho các giải pháp ngoại giao. Ông Kerry và người đồng nhiệm Vương Nghị cùng nhất trí về một giải pháp "ngoại giao thông minh" cho khu vực để có thể tiến tới thỏa thuận và đi đến một quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc.
 
Trên thực tế, trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, vấn đề Biển Đông đã trở thành mối quan tâm trên chính trường Mỹ.
 
Các quan chức hàng đầu phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về vấn đề này hôm 14-5. Tại sự kiện này, các thượng nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải phản ứng mạnh mẽ hơn về những hành động của Trung Quốc trên các vùng biển ở Đông Á.
 
Trước đó, quân đội Mỹ đã có cuộc họp để cân nhắc việc sử dụng tàu và máy bay của lực lượng hải quân thực hiện tuần tra tại khu vực cách những bãi đá mà Trung Quốc đang cải tạo ở Biển Đông khoảng 12 hải lý để bảo đảm tự do hàng hải, khiến Trung Quốc quan ngại sâu sắc.
 
Theo tin tức trên Tân Hoa xã, trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc "vô cùng lo ngại" về việc Mỹ lên kế hoạch triển khai tàu chiến và máy bay quân sự gần khu vực Bắc Kinh xây đảo nhân tạo.
 
Việc Mỹ ngày càng ráo riết trong vấn đề Biển Đông cũng bắt nguồn từ căng thẳng ngày càng gia tăng tại khu vực, xuất phát từ những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc.
 
Là một đường hàng hải quan trọng, bất kỳ sự bất ổn nào tại Biển Đông sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ. Do đó, từ chỗ không phải là vấn đề song phương quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc hay với các quốc gia Đông Nam Á, giờ đây Biển Đông lại trở thành một chủ đề hàng đầu trong chính sách của Mỹ ở Châu Á.
 
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng tuyên bố rằng, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là "ưu tiên ngoại giao hàng đầu" của Mỹ.
 
Không chỉ có quan điểm khác biệt trong vấn đề Biển Đông, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn vướng mắc trong không ít hồ sơ từ thương mại đến an ninh mạng... Vì thế, bên cạnh sự hợp tác trên các lĩnh vực biến đổi khí hậu, Triều Tiên và chương trình hạt nhân Iran, những khác biệt chưa được thu hẹp vẫn là một đặc điểm trong quan hệ Mỹ - Trung.
 
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Kerry, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định mong muốn phát triển mối quan hệ Mỹ - Trung lên một tầm cao mới. Căn cứ vào xu hướng vận động của nền chính trị và kinh tế thế giới, sự hợp tác giữa hai cường quốc là tất yếu. Song triển vọng của mối liên kết này sẽ chặt chẽ và ấm nồng đến đâu lại phụ thuộc vào việc dung hòa khác biệt ở mức nào, nhất là khi Mỹ chưa thay đổi chiến lược xoay trục về Châu Á và sự ổn định của khu vực này là lợi ích cốt lõi của Washington.
Theo Thùy Dương
Hà Nội mới