1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Khả năng hạt nhân của Trung Quốc còn thua xa Mỹ, Nga"

(Dân trí) - Khả năng hạt nhân của quân đội Trung Quốc vẫn còn thua xa Nga và Mỹ, bất chấp những tiết lộ của Bắc Kinh gần đây về tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, một chuyên gia của Mỹ nhận định.

Tàu ngầm Type 094 có khả năng mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Tàu ngầm Type 094 có khả năng mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Giáo sư Robert Farley từ Trường thương mại quốc tế và ngoại giao Patterson thuộc Đại học Kentucky đã đưa ra các bình luận trên trong một bài viết trên tờ National Interest tại Washington.

"Trong thập niên qua, Trung Quốc đã nỗ lực hiện đại hóa các hệ thống phóng hạt nhân, cả trên bộ lẫn trên biển. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách giữa Trung Quốc và 2 siêu cường Nga-Mỹ, mặc dù các khả năng của Trung Quốc vẫn còn kém xa", ông Farley nói.

Quân đoàn pháo binh số 2, lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc, phụ thuộc hoàn toàn vào tên lửa cũ kỹ DF-5 trong nhiều thập niên qua, vì vậy các tên lửa DF-31A và DF-41 là một sự tiến triển và hiện đại hóa quan trọng trong khả năng răn đe của Trung Quốc.

Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ có khả năng tấn công thứ 2 một khi đưa tên lửa DF-41 đi vào hoạt động. Điều này sẽ dẫn tới một sự thay đổi quan trọng đối với cách thức Trung Quốc nhận định về kho vũ khí hạt nhân của nước này. Sự phát triển của tàu ngầm Type 094 lớp được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ giúp thay đổi cán cân hạt nhân giữa Trung Quốc và Mỹ.

Mặc dù thừa nhận rằng tàu ngầm tên lửa đạn đạo với khả năng tấn công hạt nhân đã giúp gia tăng đáng kể tầm với của lực lượng răn đe hạt nhân Trung Quốc, nhưng ông Farley cho hay điều đó vẫn chưa phải là một mối đe dọa thực tế đối với đất liền nước Mỹ, do các tên lửa chưa có đủ tầm xa và tàu ngầm thiếu khả năng tàng hình.

Tuy nhiên, giáo sư Farley nói thêm rằng Trung Quốc tự do hơn Mỹ và Nga trong việc thăm dò các giới hạn kỹ thuật của tên lửa đạn đạo và hành trình, vì Bắc Kinh không ký kết bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí nào.

Ông Farley cũng nhận định rằng, sự phát triển của một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể buộc Trung Quốc phải đầu tư nhiều nguồn lực hơn nhằm gia tăng khả năng tấn công hạt nhân.

"Nếu Trung Quốc thật sự muốn cung cấp cho Quân đoàn pháo binh số 2 các tên lửa đạn đạo liên lục địa mới với số lượng đáng kể, rất khó tưởng tượng một kịch bản trong đó một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ có thể đe dọa đánh bại hoàn toàn sự răn đe của Trung Quốc", giáo sư Farley nói.

An Bình
Theo NI