“Kẻ khóc người cười” sau chính sách giảm giờ làm tại Hàn Quốc
(Dân trí) - Nhiều người lao động tại Hàn Quốc buộc phải làm thêm 2 hoặc 3 công việc phụ để đảm bảo thu nhập sau khi chính phủ nước này công bố chính sách giảm giờ làm để hạn chế tình trạng làm thêm giờ.
Kim Jeong-cheol thức dậy vào lúc 6h mỗi buổi sáng để đi giao hàng cho những người giàu có hơn ở thủ đô Seoul. Mỗi buổi tối, ông tiếp tục lái xe chở những người này về nhà và thường kết thúc một ngày làm việc vào quá nửa đêm. Ngoài ra, Kim Jeong-cheol cũng làm việc cho đại lý phân phối mỹ phẩm do hai vợ chồng ông mở tại nhà.
Kim Jeong-cheol là một trong số nhiều người tại Seoul phải làm thêm nhiều công việc cùng một lúc. Đây được cho là hệ quả ngoài ý muốn sau khi chính quyền Hàn Quốc ban hành luật hạn chế giờ làm việc nhằm cho phép người dân có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Bắt đầu từ ngày 1/7, Hàn Quốc đã cắt giảm số giờ làm việc tối đa trong một tuần từ 68 giờ xuống còn 52 giờ. Ra đời với mục đích “tuyên chiến” với vấn nạn làm thêm giờ tại các tòa nhà văn phòng ở Seoul, song quy định mới đã phản tác dụng đối với những người lao động chân tay hoặc lao động không cố định.
Sau khi luật mới có hiệu lực, các nhân viên văn phòng buộc phải về nhà sớm hơn và số lượng người bắt xe vào buổi tối ít dần đi. Thực trạng này khiến những lái xe như ông Kim không còn nhiều việc để làm và ông buộc phải làm thêm công việc giao hàng cho bưu điện quốc gia Hàn Quốc. Để lo cho 3 con gái vào đại học, ông Kim bây giờ phải làm việc tới 19 giờ mỗi ngày.
“Chúng tôi từng là một gia đình hạnh phúc. Tôi thường dành nhiều thời gian cho các con của tôi và khi có thời gian rảnh rỗi, tôi thường đọc kinh thánh. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã thông qua luật mới và luật này chỉ mang lại lợi ích cho những người có tiền bạc và có quyền thế”, người đàn ông 59 tuổi chia sẻ.
Kim Jeong-cheol, người có thu nhập giảm 40% sau khi luật mới có hiệu lực, không phải là trường hợp duy nhất bị ảnh hưởng. Một phụ nữ tên Park cũng bắt đầu làm thêm việc tại một cửa hàng tiện lợi sau khi bà mất khoảng 500.000 won (445 USD)/tháng do chính sách hạn chế giờ làm của chính phủ. Một công nhân xây dựng tên Seo cũng phải nhận thêm công việc thứ hai là phụ xe buýt sau khi luật mới được công bố.
Quốc hội Hàn Quốc ước tính 150.000 người lao động sẽ phải đối mặt với mức giảm thu nhập trung bình 140.000 won/tháng khi luật hạn chế giờ làm có hiệu lực. Theo thống kê của chính phủ, khoảng 1/3 người lao động Hàn Quốc đang làm những công việc không cố định như xây dựng, lái xe, dọn vệ sinh hoặc bán hàng tại cửa hàng tiện lợi.
Luật có thể đảm bảo sự công bằng?
Vào thập niên 1960, nền kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, biến Hàn Quốc từ một quốc gia vẫn còn chật vật sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới chỉ trong một thế hệ. Tốc độ phát triển như vũ bão của Hàn Quốc đã kéo theo sự ra đời của hàng loạt tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai hay LG. Tuy nhiên cái giá phải trả cho thành tựu vượt bậc này là thời gian nghỉ ngơi của người lao động.
Người lao động Hàn Quốc thuộc nhóm những quốc gia có giờ làm việc nhiều nhất trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và chỉ xếp sau Mexico. Trong năm 2017, trung bình một người Hàn Quốc làm việc khoảng 2.024 giờ, tương đương 38.9 giờ /tuần.
Môi trường làm việc khắc nghiệt là nguyên nhân dẫn tới một loạt vấn đề trong xã hội, từ tỷ lệ sinh thấp cho tới sụt giảm năng suất. Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc Chung Hyun-back từng mô tả việc bắt người lao động kéo dài giờ làm việc là “vô nhân đạo”, đồng thời góp phần làm cho xã hội bị già hóa nhanh chóng.
So với người lao động Australia và Anh, người Hàn Quốc làm việc nhiều hơn 340 giờ mỗi năm, tương đương 9 tuần làm việc cơ bản. Ngoài ra, người Hàn Quốc cũng làm việc nhiều hơn người Mỹ khoảng 6 tháng.
Trong khi những người lao động chân tay được trả lương theo giờ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, các nhân viên văn phòng tỏ ra phấn khởi khi luật mới được ban hành. Một số người từ lâu đã than phiền về văn hóa làm thêm giờ tại các công sở Hàn Quốc. Một số khác tiết lộ rằng ngoài giờ làm việc chính thức, các ông chủ thường giao thêm việc cho nhân viên khiến họ phải ở lại văn phòng vào buổi tối để hoàn thành công việc.
Để hạn chế tình trạng làm thêm giờ, tòa thị chính Seoul đã cắt điện từ 19h vào các ngày thứ 6 hàng tuần trong khi các công ty tư nhân cũng thường xuyên nhắc nhở nhân viên về nhà sớm hơn. Các cửa hàng bán lẻ và tiệm bánh mì đã đóng cửa sớm hơn một giờ. Một số nơi làm việc còn áp dụng các chiến thuật cứng rắn hơn như sử dụng camera an ninh để giám sát những nhân viên về muộn hoặc hạn chế giờ quẹt thẻ của nhân viên. Bất kỳ ông chủ nào vi phạm các quy định về giới hạn giờ làm việc có thể sẽ phải ngồi tù tới hai năm và chịu các khoản tiền phạt rất nặng.
Tuy vậy, những người thuộc nhóm lao động chân tay buộc phải nhận thêm công việc thứ hai, thậm chí thứ ba sau khi luật mới có hiệu lực. Thay vì có một bữa ăn tối như trước đây, bây giờ họ phải bỏ luôn cả bữa tối.
Theo Kim Jong-yong, Chủ tịch Hiệp hội Tài xế Hàn Quốc, khoảng 20.000 người đã đăng ký trở thành tài xế lưu động kể từ khi luật mới được ban hành. Sau tất cả những ồn ào liên quan tới chính sách giảm giờ làm tại Hàn Quốc, ông Kim tự hỏi: “Luật pháp bảo vệ chúng tôi ở đâu?”.
“Luật quy định về 52 giờ làm việc ra đời để đảm bảo lợi ích cho tất cả người lao động, tuy nhiên nó chỉ mang lại hiệu quả tích cực cho những ai có công việc ổn định và nhận được lương cao như các công chức nhà nước hay những người làm việc trong các công ty lớn”, ông Kim cho biết.
Theo Kim Jong-yong, nhận công việc thứ hai là cách duy nhất để những người thuộc nhóm lao động phổ thông tồn tại và là lựa chọn cuối cùng.
“Cuộc đấu tranh của họ đã phản ánh cách xã hội Hàn Quốc đối xử và đánh giá tầng lớp lao động như thế nào”, ông Kim nói.
Thành Đạt
Theo Guardian