"Kế hoạch B" cho hòa bình tại Ukraine
(Dân trí) - Các nước phương Tây muốn Ukraine vạch ra mục tiêu thực tế hơn cho cuộc xung đột khi Nga tiếp tục đà tiến quân trên nhiều mặt trận và cuộc xung đột này đã trở thành cuộc chiến tranh kiệt sức.
Gần 3 năm sau khi bùng nổ xung đột, cả hai đội quân của Nga và Ukraine đều đã kiệt sức.
Số thương vong lên tới hàng trăm nghìn người, một lượng lớn thiết bị quân sự đã bị mất và nhiều thứ ở Ukraine bị phá hủy. Cuộc chiến trên bộ lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến II tiếp tục có nguy cơ leo thang thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các nước phương Tây - những nước ủng hộ Ukraine bằng viện trợ quân sự và kinh tế - với Nga, cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Tại Kiev, các cuộc thảo luận đã chuyển sang một số hình thức ngừng bắn, mặc dù không phải là theo các điều khoản của Moscow. Ngày càng có nhiều người hiểu rằng lệnh ngừng bắn thực tế hơn là chiến thắng trên chiến trường, mặc dù Ukraine vẫn phản đối bất kỳ thỏa thuận nào không bao gồm các đảm bảo an ninh để ngăn chặn một cuộc tấn công mới của Nga.
Chìa khóa cho vấn đề là tạo ra một con đường hướng tới lệnh ngừng bắn có thể kéo dài và đặt nền tảng cho một châu Âu an toàn hơn.
Với cuộc bầu cử quan trọng đang đến gần ở Mỹ, Ukraine và các nước phương Tây khác phải đối mặt với thách thức là xác định con đường phía trước để có thể chuẩn bị nền tảng cho các cuộc đàm phán cuối cùng nhằm mang lại hòa bình bền vững và làm giảm tác động của những nhượng bộ mà Kiev có thể phải thực hiện.
Cuộc chiến kiệt sức
Trong những tháng gần đây, Nga dường như đã giành được thế thượng phong trong cuộc chiến kiệt sức này. Các lực lượng của Moscow tiếp tục tiến lên ở miền đông Ukraine, trong bối cảnh các cuộc giao tranh dữ dội gây ra tổn thất nặng nề cho cả hai bên.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Ukraine đã đẩy hạm đội Biển Đen của Nga ra khỏi nơi neo đậu ở Crimea, nhưng cả thành công đó lẫn cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga vào tháng 8 đều không làm thay đổi cán cân chiến lược.
Trong khi đó, các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Nga đã phá vỡ năng lực sản xuất điện của Ukraine, đẩy người dân nước này vào thực trạng mùa đông khắc nghiệt ở ngay trước mắt. Cho đến nay, chưa bên nào có thể đạt được bước đột phá quyết định. Cuộc tấn công của Ukraine ở Kursk cũng không thể giúp Kiev có được lợi thế.
Thật vậy, sau nhiều tháng, Nga vẫn tiếp tục tiến lên ở chiến trường Ukraine, với bom lượn, pháo kích và các cuộc tấn công trực diện. Tính toán của Moscow là trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, có lợi thế nhờ vào dân số đông hơn, tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh hơn trong khi Kiev chỉ biết phụ thuộc vào Mỹ và các nước phương Tây.
Do đó, mặc dù đã tái triển khai lực lượng để chống lại quân Ukraine ở Kursk, Moscow tin rằng cuối cùng họ sẽ buộc Kiev phải đệ đơn xin hòa bình.
Các nhà lãnh đạo Ukraine cũng đã nhận ra những thách thức quá lớn ngay trước mắt. Kiev hiểu rằng mình không thể duy trì một cuộc chiến như vậy nếu không có sự hỗ trợ quân sự và kinh tế vô thời hạn, không bị gián đoạn từ phương Tây. Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD vốn đã bị trì hoãn lâu nay, nhưng đó rõ ràng là một lời cảnh báo về sự phụ thuộc của Kiev và những nguy cơ mà nó gây ra.
Người dân Ukraine cũng hiểu rằng, nếu không có phép màu thì sẽ không thể giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ bằng quân sự. Sự mệt mỏi vì chiến tranh đang gia tăng ở Ukraine. Tại Kiev, các tướng lĩnh cấp cao đã đi xa đến mức nghiêm túc thảo luận về "kế hoạch hòa bình của Nga", theo các thông tin lan truyền trên mạng xã hội.
Trong các cuộc trò chuyện với Crisis Group, các quan chức Ukraine đã đề cập đến hiệp định đình chiến năm 1953 chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (nhưng không dẫn đến một hiệp ước hòa bình chính thức) như một mô hình tiềm năng để chấm dứt chiến sự với Nga.
Những bàn tán về một lệnh ngừng bắn tiềm tàng đã bắt đầu từ hồi mùa hè ở Kiev, ngay cả khi Ukraine tránh nói công khai về viễn cảnh này để tránh bị gắn mác thất bại
Một cuộc thăm dò do báo Dzerkalo Tyzhnia vào cuối tháng 6 cho thấy, 44% người dân Ukraine tin rằng đã đến lúc đàm phán hòa bình với Nga, trong khi 35% không đồng ý và 21% không có ý kiến.
Vào mùa xuân, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký một luật động viên mới để tăng cường tiếp nhận quân mới, mặc dù vẫn chưa rõ liệu nó có mang đủ quân tiếp viện được huấn luyện tốt đến các mặt trận phía đông hay không, đặc biệt là khi xét đến nhu cầu tăng thêm do cuộc tấn công Kursk tạo ra. Một số người Ukraine cũng coi lệnh ngừng bắn là cơ hội để thiết lập lại chính trị trong nước.
Thời điểm này có thể được xem là "điểm vàng" để Ukraine đàm phán hòa bình với Nga. Nếu Moscow tiến về phía đông, vị thế đàm phán của Kiev có thể sẽ xấu đi, đặc biệt là nếu phương Tây ủng hộ. Nhưng hầu hết các quan chức ở Kiev tin rằng thỏa thuận tốt nhất mà họ có thể đạt được trong điều kiện hiện tại sẽ là thảm họa đối với Ukraine.
Những tuyên bố gần đây của Tổng thống Vladimir Putin cho thấy, tốt nhất là ông sẽ đặt điều kiện đàm phán về những nhượng bộ lớn từ Kiev và tệ nhất là buộc phải đạt được một thỏa thuận tương đương với sự đầu hàng của Ukraine.
Hầu hết người Ukraine hiểu rằng đối với Nga, cuộc chiến lần này không phải là về việc sáp nhập một khu vực nào đó của Ukraine mà là về việc khóa toàn bộ đất nước vào phạm vi ảnh hưởng của Nga. Họ thấy ít lý do để đàm phán về những điều khoản đó.
Công thức hòa bình của ông Zelensky
Mong muốn hòa bình nhưng không muốn thỏa hiệp, Tổng thống Zelensky Tổng thống Zelensky đã kích hoạt một sắc lệnh của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NSDC) Ukraine nhằm loại trừ mọi khả năng tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời thúc đẩy tầm nhìn đàm phán của riêng mình.
Năm 2022, Tổng thống Zelensky đã nêu ra các yêu cầu của Ukraine trong "công thức hòa bình" gồm 10 điểm trông giống như các điều khoản đầu hàng của Nga hơn. Các yêu cầu của ông bao gồm trả lại hoàn toàn lãnh thổ Ukraine do Moscow kiểm soát, rút toàn bộ quân đội Nga, truy tố tội ác chiến tranh của Nga và trả tiền bồi thường.
Vào tháng 6, Ukraine và Thụy Sĩ đã triệu tập một hội nghị quốc tế tại một khu nghỉ dưỡng trên núi cao để đàm phàn hòa bình với Nga, nhưng không mời Moscow.
Đây là đỉnh cao của một loạt các cuộc họp do Kiev khởi xướng nhằm mục đích tìm kiếm sự ủng hộ đối với công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky. Chánh văn phòng quyền lực của tổng thống, Andriy Yermak, đã bỏ qua Bộ ngoại giao Ukraine và tự mình trực tiếp điều phối các cuộc họp từ văn phòng của mình.
Hội nghị thượng đỉnh Thụy Sĩ đã quy tụ hơn 90 quốc gia nhưng cuối cùng có nhiều quốc gia từ chối ký tuyên bố chung. Bản thông cáo cuối cùng chỉ đề cập đến 3 điểm - và có thể nói là ít gây tranh cãi nhất - trong 10 điểm của ông Zelensky: tầm quan trọng của an toàn hạt nhân, an ninh lương thực và việc trả tự do cho tù nhân.
Các quốc gia chủ chốt không phải phương Tây như Ấn Độ, Ả Rập Xê Út và Nam Phi đã không ký vào văn bản này. Trung Quốc và Brazil, những nước đã cùng nhau trình bày đề xuất của riêng họ về các cuộc đàm phán hòa bình vào tháng 5, thậm chí còn không tham dự (Brazil chỉ cử một quan sát viên.)
Phát biểu vào đêm trước hội nghị hòa bình Thụy Sĩ, Tổng thống Putin cho biết Điện Kremlin "sẵn sàng bắt đầu đàm phán ngay vào ngày mai". Sau đó, ông đã liệt kê 2 điều kiện để đàm phán: thứ nhất, quân đội Ukraine phải rút hoàn toàn khỏi 4 khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia - mà Nga tuyên bố là của mình nhưng không kiểm soát hoàn toàn; và thứ hai, Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Nhưng sau cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine ở tỉnh Kursk, Tổng thống Putin tuyên bố "không thể có chuyện đàm phán với Kiev".
Thách thức cốt lõi
Đối với tất cả những thách thức mà Ukraine phải đối mặt, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự ở Kiev lặp lại câu nói quen thuộc rằng "mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng đàm phán".
Mặc dù chưa rõ bàn đàm phán sẽ diễn ra khi nào và như thế nào, nhưng các yêu cầu do hai nhà lãnh đạo Ukraine và Nga đưa ra nên được coi là những lập trường mở cho ngày mà hai bên sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và đạt được một thỏa thuận.
Tất nhiên, cục diện trên chiến trường cũng mang tính quyết định lợi thế trên bàn đàm phán. Nhưng bất chấp những yêu cầu của hai bên, cả Ukraine và Nga cũng cần có những điểm chính đàm phán rõ ràng. Trong những ngày đầu của cuộc chiến, Ukraine và Nga đã nỗ lực chấm dứt chiến sự với một loạt các cuộc đàm phán được tổ chức tại Belarus và Istanbul.
Một dự thảo hiệp ước đạt được vào ngày 15/4/2022, là thỏa thuận gần nhất mà hai bên đạt được, cho thấy những gì có thể sẽ xảy ra
Một thách thức cốt lõi đối với bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai là liệu nó có thể duy trì theo thời gian hay không, thay vì chỉ tạo cơ hội cho các bên tập hợp lại để chuẩn bị cho một vòng chiến sự khác.
Đối với Ukraine, khả năng hành động quân sự của Nga trong tương lai sẽ rất quan trọng. Vấn đề về mối quan hệ của Ukraine với NATO cũng trở nên căng thẳng hơn. Với Kiev, chỉ có tư cách thành viên NATO mới có thể ngăn chặn một cuộc tấn công khác của Moscow. Tuy nhiên, Nga lại đưa ra điều kiện tiên quyết là Ukraine từ bỏ việc gia nhập NATO.
Ngoài ra, chính bản thân NATO cũng chia rẽ về việc cho phép Ukraine gia nhập. Chẳng hạn như Mỹ và Đức coi đó là một gánh nặng có thể kéo họ vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga, trong khi Hungary và Slovakia thẳng thừng phản đối tư cách thành viên NATO của Ukraine.
Cuộc bầu cử tháng 11 tại Mỹ và viễn cảnh ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đã phủ bóng đen dài lên Ukraine.
Cả Kiev và Moscow đều coi cuộc bỏ phiếu này là rất quan trọng đối với quỹ đạo của cuộc chiến. Tổng thống Zelensky đã giải thích cuộc tấn công vào Kursk là một phần của "kế hoạch chiến thắng" mà ông đã trình bày với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Trump và ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris trong chuyến đi đến Mỹ vào tháng 9.
Một chiến thắng của đảng Dân chủ mang lại hứa hẹn sự ủng hộ liên tục của Mỹ đối với Ukraine, mặc dù có khả năng bà Harris sẽ tìm cách chấm dứt chiến tranh nhanh chóng hơn.
Một số quan chức Ukraine mô tả viễn cảnh ông Trump trở thành tổng thống Mỹ chính là "thảm họa" đối với Kiev vì sự ngưỡng mộ công khai của ông Trump dành cho Tổng thống Putin và những quan điểm của ông Trump đối với Ukraine trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Nhưng những người khác lại thấy khả năng trở lại của Trump là cơ hội lớn để phá vỡ bế tắc chiến sự Ukraine. Bất chấp những tuyên bố thù địch của ông về Ukraine và việc sẽ buộc Kiev phải ký thỏa thuận với Moscow, vẫn chưa rõ ông Trump sẽ hành động như thế nào khi lên nắm quyền.
Hướng tới Kế hoạch B
Mặc dù thời gian có thể đứng về phía Nga, nhưng Ukraine vẫn có những yếu tố có lợi cho mình. Những bước tiến triển của Nga trong năm 2024 cũng còn bị hạn chế và Moscow cũng tốn kém về mặt nhân sự và trang thiết bị.
Hạm đội Biển Đen của Nga không còn đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến nữa. Ukraine tiếp tục tấn công các mục tiêu quân sự và kinh tế bên trong nước Nga.
Mặc dù các cuộc đàm phán hòa bình thực sự có vẻ còn rất xa vời, nhưng Kiev có thể tuyên bố rằng họ sẵn sàng đàm phán với Moscow mà không cần điều kiện tiên quyết. Một tuyên bố như vậy có thể là một cách để thoát khỏi sự hạn chế của các lập trường tối đa mà cả hai bên đang nêu ra. Lời mời đàm phán của Ukraine sẽ đặt gánh nặng lên vai Nga, quốc gia đã khẳng định luôn sẵn sàng đàm phán.
Quan trọng là điều này sẽ báo hiệu với phần còn lại của thế giới rằng Ukraine đang theo đuổi ngoại giao và để các quốc gia khác có nhiều lý do hơn để thúc đẩy chấm dứt chiến tranh mà không khiến Kiev dễ bị tổn thương trước những bước tiến xa hơn của Moscow.
Các quốc gia phương Tây, ngay cả khi cung cấp vũ khí cho Ukraine, cũng có thể làm nhiều hơn nữa để đặt nền móng cho hòa bình. Họ nên ủng hộ đề xuất của Ukraine về việc gặp gỡ các quan chức Nga mà không có điều kiện tiên quyết.
Các nhà ngoại giao phương Tây cũng có thể hoạt động đằng sau hậu trường để thăm dò các kênh hiện có tới Moscow và giúp kích hoạt các bên trung gian tiềm năng để đặt nền móng cho các cuộc đàm phán. Quan trọng là, các nước phương Tây có thể làm rõ một điều: các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga, nếu chúng cho thấy tiến triển có thể được liên kết với các cuộc đàm phán về các chủ đề khác có liên quan mà Moscow quan tâm - chủ yếu là an ninh châu Âu, bao gồm cả việc bố trí quân đội và vũ khí của NATO.
Cuối cùng, Ukraine và những nước ủng hộ cần lập kế hoạch cho tương lai chính trị cho nước này thời hậu chiến.