Jenny Đỗ, những mùa Giáng sinh yêu thương
Đây là câu chuyện rất cảm động về một người phụ nữ lai Mỹ - Việt đã giành bao tâm sức cho những đứa trẻ bất hạnh ở Việt Nam, không may lại bị ung thư khiến cuộc sống của chị chỉ con được tính từng ngày...
...Nhưng người phụ nữ đầy nghị lực ấy vẫn mạnh mẽ, lạc quan luôn hy vọng những người khác tiếp nối công việc đầy tình yêu thương của chị.
“Chụp CT scan họ nói rằng, lá phổi Jenny bị kín hết giống như đèn trên cây Giáng sinh vậy. Tất cả những hạch bạch huyết trong lá phổi sưng hết lên, tức là bị cancer affected, di căn nằm trong phổi và trong xương, nhưng Jenny nghĩ chắc nó đi đến những chỗ khác nữa rồi. Jenny vừa mới gây quỹ cho “Friends Of Hue” ngày 27.9, đến ngày 30.9 bác sĩ thông báo là chỉ còn 30 đến 90 ngày thì mình sẽ ra đi”.
Luật sư Jenny Đỗ ở San Jose, California. Quê ngoại Nam Định, sinh ra tại Vũng Tàu, Jenny Đỗ có tên Việt là Đặng Thị Phương Thanh, mang hai dòng máu Mỹ - Việt với thân phận con lai: “Con lai thời đó là người thấp nhất trong xã hội, không thân thế, không tiền bạc, không điểm tựa. 9 tuổi Jenny phải ra đời để chiến đấu với cuộc sống, nếm cái mùi của thân phận con lai, hiểu được tại sao mình bị giấu trong rừng, tại sao phải trốn, tại sao phải khổ sở như vậy”.
Năm 1983, Phương Thanh lọt vào danh sách những con lai đầu tiên được đưa về Mỹ. Tháng 2.1984, cô rời Việt Nam, đặt chân xuống phi trường San Francisco của California đúng ngày sinh nhật 18 tuổi. Sau ba tháng định cư đầu tiên, cô đi kiếm việc làm toàn thời gian ban ngày để phụ giúp mẹ cùng gia đình, đồng thời ghi danh đi học những lớp buổi tối mà không bỏ bất cứ khóa học nào:
“Đi làm cho quận hạt Santa Clara, may mắn làm sao được làm trực tiếp với người tị nạn. Từ đó, làm việc cho chính phủ tới tận bao nhiêu năm sau, còn đi học là toàn buổi tối trong bao nhiêu năm trời”.
Tốt nghiệp cử nhân, cao học Luật rồi lập gia đình, từ đây mọi người biết đến luật sư Jenny Đỗ với văn phòng trong thành phố San Jose, với những sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng Mỹ gốc Việt địa phương. Jenny Đỗ từng tích cực vận động cho Amerasian Home Coming Act, (Đạo luật con lai về nhà cha), cho phép gần 30.000 con lai bên Việt Nam được sang Mỹ định cư năm 1987.
Cô còn được biết đến qua những buổi trình diễn áo dài nhằm nâng cao nét đẹp và nhân cách phụ nữ Việt, nhằm chống lại tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái vào đường mại dâm.
Tuổi thơ với nghèo khổ, đau đớn, đói lạnh là tất cả những điều khiến cô day dứt. Năm 1990, 7 năm sau khi đã sang Mỹ, Jenny Đỗ bắt đầu về Việt Nam hàng năm cho đến khi tiếp nhận và trở thành Chủ tịch Friends Of Hue Foundation (Hội Những người bạn Huế), do một người Việt ở California là ông Nguyễn Đình Hữu thành lập tại Huế năm 1999.
Từ Hội này, Jenny Đỗ phát triển thành Trung tâm Từ thiện thân hữu Huế, một cơ sở chăm sóc, nuôi nấng trẻ đường phố, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ nghèo hiếu học, tóm lại là những đối tượng nhỏ tuổi có nguy cơ cao bị lạm dụng, được cơ may cắp sách đến trường:
“Có thể khẳng định, tình thương mà Jenny dành cho mọi người nảy nở từ những năm trầm luân mà mình nhận thức được cái tình của người chung quanh đối với mình. Khi mình thấy được cái đau, cái đói, cái bất hạnh thì mình cảm đến cái phận của mình, mình rất dễ thông cảm với sự khó khăn của người khác. Chính trong những thời điểm tối tăm đó Jenny đã nhìn thấy những gương sáng, những người bất chấp mọi dư luận xã hội mà cố tình giúp Jenny, giúp gia đình Jenny.
Chẳng hạn như bà hàng xóm đã giấu cho Jenny một muỗng cơm cháy thôi. Cái muỗng cơm cháy của những năm đó nó giá trị vô cùng, đối với Jenny là một ân huệ không quên. Đến lúc mà mình có khả năng để giúp thì những người giúp mình đã qua đời rồi. Thành ra Jenny biết mình phải trả ơn cho đời bằng cách phải giúp người khác, tức là nó phải lưu truyền, phải là cái trách nhiệm của mỗi người được làm người phải lo cho nhau. Từ đó thì công việc trở thành ráo riết.
Đối với Jenny đói khát vẫn không sao vì Jenny đã từng đói khát, nhưng không thể để đói khát về tinh thần. Thiếu trí tuệ, thiếu trí thức và thiếu tinh thần bác ái nó nguy hiểm vô cùng”. Đây là công việc không thể đơn độc mà thành, cũng không nên tự mình làm hết mà phải khuyến khích sự dấn thân của đối tượng được giúp đỡ.
Phương châm làm việc của luật sư Jenny Đỗ và Trung tâm là chỉ ra cho người được giúp đỡ thấy phải tự giúp mình vươn lên trước khi nhận được sự trợ giúp: “Những công việc này không phải chỉ mình Jenny mà của rất nhiều người. Có những cháu đã ra trường và đã có vợ chồng con cái, có những cháu bây giờ quay lại giúp các em khác”.
Năm 2007, Jenny Đỗ bị ung thư vú. Một mặt lo chạy chữa, mặt khác cô vẫn tiếp tục công việc ấp ủ cho các con của cô trong Hội. Tháng 9 năm nay, Jenny Đỗ từ bỏ ý định ra ứng cử chức nghị viên thành phố sau khi bác sĩ xác nhận chứng ung thư đã di căn qua phổi, qua xương sống và xương chậu, rằng cô đang ở vào giai đoạn cuối mà thời gian còn lại chỉ tính từng ngày.
Trong lúc Jenny Đỗ bình thản chấp nhận thực tế tàn nhẫn đến với mình thì tin này khiến những người em, những đứa con mà cô thương yêu chăm sóc từ bé trong Trung tâm cảm thấy bàng hoàng mất mát.
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Trung Phú, Võ Thị Hạnh cho biết: “Tôi là học sinh lứa đầu tiên, hồi vào trung tâm 14 tuổi, lúc đó mẹ mất còn ba thì mất sức lao động. Tôi sống ở trung tâm cho tới khi vào đại học. Trong quá trình học cô Jenny cũng đã dìu dắt Hạnh rất nhiều. Cô Jenny đã truyền cảm hứng và sự mong muốn giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Sau khi ra trường tôi muốn tiếp bước cô Jenny để làm những việc mà cô đã làm trước đó. Bây giờ tôi là Giám đốc của Trung tâm bảo trợ trẻ em Trung Phú nằm trong Trung tâm Friends Of Hue".
Hạnh cũng như toàn thể nhân viên rất buồn vì cô Jenny bị bệnh, nhưng việc cô mạnh mẽ đấu tranh với ung thư mà vẫn luôn quan tâm tới các em ở trung tâm khiến mọi người càng ngưỡng mộ và tự hào về cô Jenny.
Các em học sinh Quỹ Những người bạn Huế (Friends of Hue Foundation) chúc mừng sinh nhật cô Jenny.
Em Hà Thị Danh, học sinh lớp 6, về trung tâm từ lúc 5 tuổi khi ba mất và mẹ phải dẫn em đi ăn xin nói: “Con rất nhớ và thương cô Jenny, mong cô mau lành bệnh”.
Em Nguyễn Thị Loan, về trung tâm từ năm lớp 8 khi gia đình rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, bây giờ là sinh viên năm hai Đại học Khoa học Huế ngành Công tác xã hội, tự hào vì được cô Jenny theo dõi chăm sóc việc ăn cũng như việc học: “Tôi nói với cô là cô Jenny ơi tụi con bên này luôn nhớ và thương cô, bọn con mong cô khỏe mạnh để về với bọn con”.
Có lẽ Jenny Đỗ cũng mãn nguyện khi mong ước của cô là không nên để mình và mọi người bị tác động thái quá trước viễn cảnh chia lìa nếu có phải ra đi, đã thành sự thực qua những lời chia sẻ chân thành và những lời cầu chúc rất lạc quan từ các thành viên cũng như các em trong Trung tâm: “Jenny biết thời gian gần gũi các em sẽ bị ngắn đi, Jenny đã nói với các em là phải có niềm tin. Nếu còn sống thì dĩ nhiên Jenny vẫn tiếp tục lo cho các em, còn nếu Jenny mất Jenny biết chắc chắn ai đã thương Jenny thì sẽ thương các em thôi”.
Tính đến lúc này, cô Giám đốc Võ Thị Hạnh cho biết, có 80 học sinh đang được Hội Những người bạn Huế - Trung tâm Từ thiện thân hữu Huế giúp đỡ cho ăn học. Số sinh viên vào đại học hoặc đã ra trường là từ 12 đến 15 em, cùng lúc hơn 500 học sinh, sinh viên ngoài cộng đồng được nhận học bổng của Hội.
Mới đây, ngày 8.12, viên chức lãnh đạo quận hạt Santa Clara (California) tổ chức một buổi vinh danh luật sư Jenny Đỗ, trao tặng cô giải thưởng Thành tựu suốt đời vì việc làm và những đóng góp tích cực của bản thân cô trong cộng đồng. Cùng ngày, một buổi lễ tương tự diễn ra tại thành phố San Jose, nơi Jenny Đỗ sinh sống và làm việc.
Được hỏi cảm tưởng về chuyện này, người phụ nữ tài năng và can đảm cười thật vui: “Các lãnh đạo của thành phố San Jose đã tuyên dương Jenny hồi năm 2008, lúc đó gọi là “Lifetime Achievement Award” cả một đời làm việc cho mọi người. Nhưng lần vừa rồi, ngày 8.12.2015 thành phố một lần nữa lại công nhận những thành tích của Jenny làm.
Khi tuyên dương, nghị viên Ash Carter nói rằng, “tôi biết chúng tôi đã trao giải thưởng Lifetime Achievement Award trước đây, nên lần này không phải là Lifetime Achievement Award (Giải thành tựu suốt đời) nữa mà là Half Lifetime Achievement Award, để Jenny tiếp tục đi tiếp nửa đời còn lại. Đó là một lời Jenny thấy rất có duyên, gần như một lời cầu chúc dễ thương mà thành phố đã dành cho Jenny".
Theo Thanh Trúc/RFA
Lao Động Chủ nhật